Hội thảo về liên kết đào tạo song bằng trong hệ thống trường công lập

VietTimes -- Chiều 2/8/2018, báo điện tử Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Dịch vụ có thu phí trong hệ thống trường công lập". Đây là mô hình thí điểm đào tạo song bằng, liên kết đào tạo theo chương trình bắt buộc và có đào tạo có thu phí.   
Ông Đào Ngọc Tước - Phó tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Đào Ngọc Tước - Phó tổng biên tập báo điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh mà các trường phổ thông do nước ngoài đầu tư đã đào tạo theo chuẩn quốc tế và các trường tư thục đã đào tạo ngoại ngữ với sự hợp tác của các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các trường công lập mới chỉ được phép thử nghiệm hợp tác với các đối tác bên ngoài về đào tạo ngoại ngữ. 

Theo ông Đào Ngọc Tước – Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - hệ thống giáo dục công lập là trường do nhà nước thành lập và quản lý để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm phúc lợi trong lĩnh vực giáo dục, phổ cập giáo dục, cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, miễn phí hoặc chi phí thấp cho con em nhân dân. 

Còn trường tư thục do tư nhân thành lập và quản lý theo quy định của Nhà nước, nhằm cung cấp các dịch vụ giáo dục đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nhân dân, hoạt động trên nguyên tắc tự chủ tài chính và thỏa thuận với cha mẹ học sinh.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực, Các trường tư thục, quốc tế khác hẳn với trường công, họ bỏ tiền ra, họ phải làm cho tốt. Vì không tốt, học sinh không vào, họ sẽ thất bại. 

Ông dẫn giải, Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có ghi rõ, liên kết giáo dục là việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện giáo dục ngoại ngữ.

GS Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực
 GS Nguyễn Lân Dũng - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực

Tuy nhiên, việc thí điểm đào tạo song bằng của Hà Nội là trái với quy định của Điều 6, Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Điều khoản này quy định về đối tượng liên kết giáo dục ghi rõ: “Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục”.

GS Nguyễn Lân Dũng nêu quan điểm: “Học sinh không phải là chuột bạch cho các thí điểm lách luật. Học song bằng đóng tiền thật nhưng chất lượng cam kết dựa vào niềm tin”. Theo ông, các công ty tư nhân lo việc này nhưng cơ sở vật chất của trường công lập là của Nhà nước, là do ngân sách đầu tư.

“Không phải Nhà nước đầu tư vào một đống tiền để cho một nhóm hưởng lợi. Không thể để nguồn lực vật chất đầu tư vào một nhóm như thế”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, một phụ huynh có con học cấp 2 và cấp 3 đã có ý kiến. Theo đó, trường công được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… và thực hiện sứ mệnh của trường công là đảm bảo quyền lợi cho các học sinh.

“Một số trường công tại Hà Nội được liên kết đào tạo và thu phí về chương trình đào tạo song bằng với tên gọi “thí điểm song bằng”. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm vì con em chúng tôi mất nhiều công sức, tiền bạc mà kết quả không đạt được như mục tiêu đã đề ra ?” - phụ huynh này đặt câu hỏi.

Phụ huynh này thông tin thêm, Nghị định 86/2018/NĐ-CP có quy định đề cập đến vấn đề liên kết đào tạo với nước ngoài. Trường công là một đơn vị của Nhà nước, vậy khi liên kết với trung tâm, công ty cung cấp chương trình đào tạo song bằng (tức là tư nhân) thì rõ ràng, liên kết phải thông qua đấu thầu trước khi đưa vào thực hiện.

Mặt khác, câu hỏi đặt ra là Hà Nội hiện đưa chương trình song bằng vào đã qua đấu thầu chưa? Khi kết thúc chương trình song bằng, học sinh sẽ được cấp bằng như thế nào?

ĐBQH Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội
ĐBQH Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội 

Theo ĐBQH Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội - các ý kiến được tổng hợp tại hội thảo sẽ được Quốc hội tiếp thu để điều chỉnh Luật Giáo dục và các văn bản có liên quan để các trường công lập có sự bình đẳng với trường quốc tế và tư thục trong việc đào tạo ngoại ngữ và các kiến thức ngoài chương trình chính thức cho học sinh.

Bộ GD-ĐT cũng cần có những văn bản hướng dẫn với các trường công lập về việc thu phí với các nhu cầu đào tạo ngoài chương trình chính thức đã được quy định nhằm giúp các trường có thể liên kết đào tạo về ngoại ngữ và các kiến thức khác cho học sinh theo các chuẩn quốc tế.