Hồi phục hình chữ V có quá lạc quan?

Phục hồi nền kinh tế theo mô hình chữ V, U, hay W? Ngay cả mô hình dự báo của các ngân hàng trung ương (NHTW) Anh (BoE) và Mỹ cũng trái chiều nhau. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Từ niềm tin chữ U

Từ trước khi nhiều nước chạm tới đỉnh dịch của Covid-19, người ta đã bắt đầu tranh luận rằng kinh tế thế giới sẽ hồi phục hình chữ V, chữ U, chữ W, hay thậm chí là kéo dài một hình chữ L.

Đến nay, khi đỉnh dịch đã qua đi ở nhiều nước, bắt đầu xuất hiện một số loại thuốc trị liệu giúp giảm triệu chứng và giảm thời gian ở lại trong bệnh viện như remdesivir của Công ty Gilead Sciences, người ta vẫn còn tranh cãi mô hình hồi phục kinh tế sẽ đi theo hình gì? Và lần này thì tranh cãi đến từ quan điểm chính sách của các NHTW.

Khi Reuters làm một cuộc điều tra với 45 nhà kinh tế vào giữa tháng 4-2020, gần một nửa tin là kinh tế sẽ hồi phục hình chữ U, nghĩa là nền kinh tế sẽ ở đáy tương đối lâu trước khi hồi phục, trong khi 10 nhà kinh tế tin là hình chữ V và chỉ có 5 người tin là chữ W.

Dự báo mô hình hồi phục hình chữ V của kinh tế Anh (Nguồn: Báo cáo “Monetary Policy Report” tháng 5-2020 của BoE).
Dự báo mô hình hồi phục hình chữ V của kinh tế Anh (Nguồn: Báo cáo “Monetary Policy Report” tháng 5-2020 của BoE).

Vào ngày cuối tháng 4-2020, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng mô hình chữ W là “quá lạc quan”. Ông cho rằng nền kinh tế sẽ đi qua một chuỗi những đỉnh và đáy liên tiếp trong vòng suốt 1 năm tới khi kinh tế vẫn chiến đấu với dịch bệnh. Điều này phù hợp với nhận định của nhiều người là kỳ vọng vaccine trị virus ra đời ngay đầu năm 2021 là quá lạc quan.

Nhưng nhóm nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Oxford của Anh lại không nghĩ như vậy. Vaccine này đang được thử nghiệm ở người ở Anh và người ta hy vọng vào cuối năm 2020 mới có thể sản xuất đại trà nếu dự báo lạc quan nhất trở thành sự thật. Tất nhiên, đó là kịch bản lạc quan nhất và thất bại với thử nghiệm vaccine là chuyện bình thường.

Đến lạc quan chữ V

Dù vậy, niềm tin vào hồi phục hình chữ V vẫn rất mạnh mẽ. Đối lập với quan điểm của Chủ tịch Fed là cách nhìn màu hồng của Jared Kushner, cố vấn cao cấp của Nhà trắng và là con rể Tổng thống Trump. Ông Kushner tin rằng kinh tế Mỹ sẽ “trở lại bình thường vào tháng 6”, và hy vọng rằng nền kinh tế sẽ bùng nổ vào tháng 7 (nguyên văn “the hope is that by July the country’s really rocking again”).

Từ đáng chú ý ở đây là “hy vọng”. Bởi vì đó cũng là thứ mà thị trường cổ phiếu đang dựa vào, khi giữa một loạt tin kinh tế xấu thị trường cổ phiếu vẫn đi lên. Thứ mà họ dựa vào là bởi tầm nhìn của một số nhà đầu tư rằng kinh tế xấu đến tháng 6 thì thôi, còn lại mọi thứ sẽ ổn kể từ quý III. 

Như vậy cho dù nhiều công ty công bố lợi nhuận giảm một nửa, ngân hàng báo số lỗ kỷ lục do trích lập dự phòng nợ xấu tăng bằng lần chứ không phải 10-20%, và những công ty chuyên trả cổ tức 5-8% không còn trả đồng cổ tức nào, giá cổ phiếu vẫn đi lên. Đó là vì họ dựa vào hy vọng kinh tế sẽ hồi phục hình chữ V.

Tất nhiên, điều đó cũng khiến giá cổ phiếu vẫn mắc, và mức P/E của nhiều thị trường đang ở mức cao hơn năm 2019 (chủ yếu do lợi nhuận giảm mạnh hơn giá), trong khi triển vọng tăng trưởng đã giảm đi nhiều. Kết quả là nhiều nhà đầu tư lớn như Warren Buffett hay Carl Icahn ngồi ngoài thị trường và giữ một lượng tiền mặt lớn.

Một góc nhìn tương tự với Jared Kushner là phía NHTW Anh (BoE). Họ vừa công bố dự đoán kinh tế vào ngày 7-5 với dự báo một sự hồi phục hình chữ V đối với kinh tế Anh. Trong báo cáo này có hai điểm. Thứ nhất, dự báo kinh tế Anh sẽ trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 300 năm, với GDP trong nửa đầu năm 2020 sẽ giảm 30%, lạm phát chỉ còn 0,5%, thấp xa mức lạm phát mục tiêu 2%. Tuy nhiên, sau quý II-2020 tổn thất này sẽ được đảo chiều nhanh chóng và kinh tế Anh có thể bùng nổ 9% trong năm 2021. 

Mức dự báo này của BoE là đặc biệt lạc quan so với báo cáo của Cục Ngân khố (office for budget responsibility) trình quốc hội trước đó, dự báo chỉ riêng quý II-2020 thì GDP của Anh sẽ giảm 35%. Thống đốc BoE Andrew Bailey cho rằng sự khác biệt là không đáng kể.

Cần chú ý rằng ngôn từ của ông Bailey tương đối khác biệt với cách nhìn có phần thận trọng hơn của cựu thống đốc Mark Carney, người tin rằng sẽ có rất nhiều bất định về thời gian các nền kinh tế cần đóng cửa chống virus. Cách nhìn của ông Carney có nhiều tương đồng với cách nhìn sẽ có nhiều đỉnh và đáy trong suốt thời gian 1 năm tới của ông Powell, vì có thể sẽ còn nhiều đợt phong tỏa kinh tế chống dịch nữa chứ không phải chỉ một đợt này thôi.

Vì vậy, nhiều nhà kinh tế đã chỉ trích dự báo của BoE là quá lạc quan, đặc biệt tô hồng mức độ phục hồi của thị trường lao động. BoE dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 9% trong năm 2020, nhưng sau đó giảm nhanh và quay trở lại mức 4% vào năm 2023.

Đa phần các nhà kinh tế được Financial Times phỏng vấn sau khi công bố báo cáo này đều cho rằng, dự báo hồi phục việc làm như vậy là quá lạc quan, nhất là trong bối cảnh BoE cho rằng không cần tăng thêm một gói kích thích nữa vào lúc này bằng biện pháp tiền tệ. Nhận định của một nhà báo rằng BoE đã đá quả bóng cứu trợ kinh tế sang cho phía Bộ Tài chính là có phần đúng. 

Việt Nam thì sao?

Quan sát những bình luận ban đầu về kinh tế Việt Nam mấy ngày qua, người viết nhận thấy có một sự lạc quan lan tỏa, chủ yếu từ việc mở cửa lại nền kinh tế và hy vọng tranh chấp Mỹ-Trung sẽ đẩy nhanh dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Điều này có quá lạc quan hay không?

Trước tiên, cần nhận định rằng sự lạc quan đó có nền tảng từ việc chống dịch hiệu quả của Việt Nam, mà nay được công nhận rộng rãi trên thế giới. Việc bước đầu khống chế thành công khiến người dân duy trì được độ lạc quan trong chi tiêu nhất định ngay sau dịch bệnh.

Điểm thứ hai, gần đây xếp hạng độ vững mạnh tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của Economist, cho thấy Việt Nam nằm trong số điểm sáng của nhóm này, trong khi những nền kinh tế Mỹ Latin như Argentina, Venezuela hay nhiều nền kinh tế châu Phi đang rơi vào khủng hoảng nợ. Argentina đứng trước nguy cơ vỡ nợ quốc gia lần thứ 9 trong lịch sử. Nhiều nền kinh tế ở châu Âu như Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp cũng đứng trước nguy cơ này. Trong bối cảnh đó Việt Nam được xếp trong tốp 15 nền kinh tế mới nổi vững mạnh về tài chính là đáng lạc quan.

Đó là những điểm sáng cho thấy sự lạc quan vào kinh tế Việt Nam là có lý do của nó. Nhưng sự lạc quan đó có quá cao hay không tùy vào khả năng hấp thụ vốn của kinh tế Việt Nam. Người ta quan tâm đầu tư vào Việt Nam, nhưng nếu hạ tầng, khả năng cung cấp điện, nước, nhân lực cũng như thượng tầng về thể chế luật pháp không hỗ trợ, thì ước mơ chỉ mãi là mơ ước. Trong khi người ta nói nhiều về triển vọng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, nhưng những nỗi lo về thiếu điện, thiếu nước sạch, chi phí kho vận đắt đỏ, doanh nghiệp đầu tư thiếu đất “sạch”... Những sự thật đó có thể khiến nhà đầu tư sẽ tìm đến những lựa chọn khác.

Việt Nam tuy an toàn hơn nhiều nước trên thế giới về cả chống dịch bệnh và độ an toàn với nợ nước ngoài, nhưng nền kinh tế lại đặc biệt phụ thuộc vào bên ngoài, đó là xuất khẩu và dòng vốn FDI. Vì vậy, bất kỳ một trục trặc nào trong xu thế thương mại tự do của thế giới cũng có thể tác động đến Việt Nam, cả về hướng xấu và tốt. Nói cách khác, hình dạng hồi phục của kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào hình dạng hồi phục kinh tế của các thị trường xuất khẩu chính và những đối tác đầu tư quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc và nước láng giềng Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, xây dựng một kịch bản kinh tế thiếu linh hoạt, khăng khăng đặt một vài chỉ tiêu kinh tế thì có thể bị “việt vị” trong bối cảnh kịch bản bất lợi diễn ra. Thay vào đó, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế không nên là nô lệ của những con số GDP theo một kịch bản màu hồng hay màu đen nào đó, mà dựa trên một tầm nhìn dài hạn hơn.

Đó là: thẳng thắn xác định những lĩnh vực nào mà Việt Nam muốn xây dựng thành mũi nhọn của giai đoạn sắp tới (và đừng xây dựng chiến lược “trái mít” là lĩnh vực nào cũng là mũi nhọn). Nếu FDI đổ mạnh sang Việt Nam thì đâu là lĩnh vực Việt Nam muốn khuyến khích cho phù hợp trình độ và thế mạnh của nguồn nhân lực đang có? Những dự án hạ tầng trọng điểm nào phải dứt khoát được triển khai? 

Khi mà một chiến lược phát triển kinh tế có thể cụ thể hóa thành 4-5 điểm trọng tâm, vài ba mũi nhọn kinh tế, thì đó mới có thể là một câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn để những người đi kết nối thị trường có thể kể cho những nhà đầu tư tiềm năng. Chứ bảo họ cầm một gói 20-30 mục tiêu kinh tế đi rao giảng cho nhà đầu tư nước ngoài thì khó quá.

Việt Nam nằm trong số điểm sáng vững mạnh về tài chính, xếp hạng 15/66 nền kinh tế mới nổi của Economist, trong khi những nền kinh tế Mỹ Latin như Argentina, Venezuela hay nhiều nền kinh tế châu Phi đang rơi vào khủng hoảng nợ. Nhiều nền kinh tế ở châu Âu như Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp cũng đứng trước nguy cơ này./.

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính