Hội nghị thượng đỉnh Ukraine không như kỳ vọng, nhiều lãnh đạo bỏ về trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các cường quốc phương Tây và các đồng minh của họ không thuyết phục được các quốc gia không liên kết tham gia vào tuyên bố cuối cùng, không nước nào đứng ra đăng cai sự kiện tiếp theo.

Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)
Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ (Ảnh: Reuters)

Hơn 90 quốc gia đã tham dự cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại khu nghỉ dưỡng Alpine của Thụy Sĩ theo lời mời của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, được coi là "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" mặc dù Moscow không được mời.

Nga đã chế giễu sự kiện này từ xa. Trung Quốc không tham gia, nhưng nói rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ không đạt được mục tiêu của Ukraine là thuyết phục các nước lớn từ "phương Nam toàn cầu" tham gia cô lập Nga.

Brazil chỉ tham dự với tư cách "quan sát viên". Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Arab Saudi và Nam Phi đều rút lại chữ ký trong thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh, mặc dù một số vấn đề gây tranh cãi đã được bỏ qua với hy vọng thu hút được sự ủng hộ rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, theo báo chí phương Tây, hội nghị đã mang đến cho Kiev cơ hội thể hiện sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây mà họ cho rằng cần có để chống lại một địch thủ lớn hơn.

“Chúng tôi đang đáp trả cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine không chỉ bằng việc bảo vệ toàn diện sinh mạng con người mà còn bằng ngoại giao toàn diện”, ông Zelensky nói.

Các nhà lãnh đạo bao gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tập trung tại khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Buergenstock. Tổng thống Mỹ Joe Biden, đến châu Âu tham dự các sự kiện khác vào tuần trước, đã không tham dự bất chấp lời mời công khai từ ông Zelensky.

Trong bài phát biểu bế mạc, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd cảnh báo rằng “con đường phía trước còn dài và đầy thử thách”.

Nga, như đã làm trong nhiều tuần, đã chế nhạo hội nghị thượng đỉnh này.

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cho biết: “Không ai trong số những người tham gia ‘diễn đàn hòa bình’ biết là họ đang làm gì ở đó và vai trò của họ là gì”.

2.png
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị (Ảnh: Reuters)

Không được như kỳ vọng

Sau những thành công ban đầu của Ukraine khi Kiev đẩy lùi cuộc tấn công vào thủ đô và chiếm lại lãnh thổ trong năm đầu tiên của cuộc chiến, một cuộc phản công lớn của Ukraine sử dụng xe tăng do phương Tây viện trợ đã thất bại vào năm ngoái. Lực lượng Nga vẫn chiếm giữ 1/5 lãnh thổ Ukraine và đang tiếp tục có nhiều bước tiến. Không có cuộc đàm phán hòa bình nào được tổ chức trong hơn 2 năm.

“Chúng tôi biết rằng hòa bình ở Ukraine sẽ không đạt được chỉ trong một bước, đó phải là một cuộc hành trình”, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói, đồng thời kêu gọi “sự kiên nhẫn và quyết tâm”.

"Đó không phải là một cuộc đàm phán hòa bình bởi vì (Tổng thống Nga Vladimir) Putin không nghiêm túc trong việc chấm dứt chiến tranh, ông ấy nhất quyết đòi được nhượng lại lãnh thổ Ukraine - thậm chí cả vùng lãnh thổ mà ngày nay chưa bị chiếm đóng", bà von der Leyen nói thêm.

Trong bối cảnh không có con đường rõ ràng để kết thúc chiến tranh, ông Zelensky nhấn mạnh các vấn đề thực tế, như an toàn hạt nhân và đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm từ Ukraine – một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh kêu gọi khôi phục quyền kiểm soát của Ukraine đối với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia và các cảng trên Biển Azov. Nhưng với những mục tiêu khiêm tốn đã được nêu trước, hội nghị đã bỏ qua những vấn đề khó khăn hơn, như việc giải quyết các vấn đề hậu chiến cho Ukraine, liệu Ukraine có thể gia nhập liên minh NATO hay việc rút quân từ cả hai bên có thể diễn ra như thế nào.

“Càng có nhiều đồng minh nói rằng 'Mọi chuyện không thể tiếp diễn như thế này', 'Điều này là quá đáng', 'Điều đó đã vượt quá giới hạn', điều đó cũng làm tăng áp lực đối với Liên bang Nga", Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho hay.

Khi các cuộc đàm phán hôm 16/6 chuyển sang các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng hạt nhân, một số nhà lãnh đạo đã rời đi sớm.

Không có quốc gia nào đứng ra nhận tổ chức hội nghị tiếp theo, với sự im lặng đáng chú ý từ Arab Saudi, quốc gia trước đó được cho là có thể tổ chức sự kiện tương tự trong tương lai. Ngoại trưởng Faisal bin Farhan Al Saud cho biết Arab Saudi sẵn sàng hỗ trợ tiến trình hòa bình nhưng một giải pháp khả thi sẽ phụ thuộc vào "sự thỏa hiệp khó khăn".

Kể từ sau các cuộc đàm phán hòa bình trong những tháng đầu tiên sau khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022, Ukraine đã liên tục yêu cầu Nga rút khỏi toàn bộ lãnh thổ của mình, trong khi Moscow yêu cầu công nhận quyền cai trị của họ đối với lãnh thổ mà lực lượng của họ chiếm được.

Tuần trước, trong bài phát biểu nhắm vào hội nghị hòa bình, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ không dừng “chiến dịch đặc biệt” cho đến khi Kiev rút toàn bộ lực lượng khỏi 4 tỉnh mà Moscow chỉ kiểm soát một phần và tuyên bố đã sáp nhập. Kiev nhanh chóng nói rằng đây là một yêu cầu đầu hàng.

“Tất nhiên, chúng tôi hiểu rất rõ rằng sẽ đến lúc cần phải nói chuyện với Nga”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói. “Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không cho phép Nga nói theo kiểu đưa ra tối hậu thư như nước này đang nói”.

Các nhà lãnh đạo phương Tây tại hội nghị thượng đỉnh tán thành việc Kiev từ chối đàm phán theo những điều khoản như vậy.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni cho biết: “Việc nhầm lẫn hòa bình với sự nô dịch sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho tất cả mọi người”.

Theo Reuters