Hội nghị quốc phòng ASEAN: Mỹ sẽ bàn về biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 1-11 khẳng định những căng thẳng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông khiến nhiều nước trong khu vực muốn tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (giữa) thăm khu phi quân sự (DMZ) chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 1-11 Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (giữa) thăm khu phi quân sự (DMZ) chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 1-11 Ảnh: REUTERS

Theo Reuters, ông Carter đưa ra tuyên bố trên sau khi Washington điều tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông.  

Theo ông chủ Lầu Năm Góc, những diễn biến mới nhất ở biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận khi ông tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng ở Malaysia ngày 3-11. Trong đó, đáng chú ý nhất là  “tốc độ cải tạo đất và tăng cường sức mạnh quân sự chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc”

Trước khi sang Malaysia, ngày 1-11, ông Carter đã đến thăm khu phi quân sự (DMZ) chia cắt Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Tại đây, ông Carter nhấn mạnh cam kết bảo vệ đồng minh Seoul của Washington, cũng như hy vọng thỏa thuận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên sẽ sớm đạt được thông qua đàm phán.

Sau chuyến thăm DMZ đầu tiên kể từ khi lên làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Carter đã trở về thủ đô Seoul để chuẩn bị tham dự Hội nghị Tham vấn an ninh thường niên với các lãnh đạo quốc phòng Hàn Quốc, dự kiến diễn ra ngày 2-11.

 Một trong những nội dung chính của cuộc họp này là sự hợp tác đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên.

Cũng trong ngày 1-11, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định sẵn sàng làm việc cùng nhau để thúc đẩy hợp tác thương mại, an ninh tại khu vực.  

Dù vậy, tại hội nghị thượng đỉnh Hàn - Nhật - Trung lần đầu tiên kể từ năm 2012 này, 3 nhà lãnh đạo nêu trên đã tránh đề cập những vấn đề nhạy cảm, trong đó có tình hình biển Đông.  Thay vào đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết các bên đã đạt thỏa thuận  về những vấn đề lịch sử tranh cãi nhưng không cho biết chi tiết.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo 3 nước còn tái khẳng định quyết tâm nối lại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Theo Reuters, NLĐ