Mỹ “tát đau” Trung Quốc đúng kỳ họp Trung ương

Đa Chiều cho rằng Mỹ đã chọn đúng thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 5 của đảng cộng sản Trung Quốc để điều chiến hạm USS Lassen vào khu vực 12 hải lý của đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông là tính toán rất kỹ lưỡng.
Trong khi khu trục hạm Lassen tiến qua đảo Trung Quốc, chiến hạm Nhật Bản cũng đang tập trận với tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông
Trong khi khu trục hạm Lassen tiến qua đảo Trung Quốc, chiến hạm Nhật Bản cũng đang tập trận với tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông

Theo Đa Chiều, cuộc tuần tra của khu trục hạm Lassen còn được tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hỗ trợ nhằm phòng ngừa bất trắc. Động thái của Mỹ là một phần chiến lược dài hạn của Mỹ nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc tại Biển Đông và không nghi ngờ điều này có thể dẫn tới tới những cuộc chạm trán trong tương lai.

Trên thực tế, chiến hạm Lassen đã có mặt tại Biển Đông từ lâu, Đa Chiều cho biết và lưu ý rằng khu trục hạm này thường trực tại khu vực trong tháng 7 và tháng 8/2015 với lý do thực hiện các cuộc diễn tập.

Khu trục hạm Lassen cũng đã lảng vảng gần các đảo nhân tạo Trung Quốc nhiều lần trong vòng 2 tháng vừa qua, trong khi ông Tập Cận Bình đi thăm Mỹ và Anh. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên khi USS Lassen tiến vào sát đảo nhân tạo Trung Quốc đúng vào dịp điểm diễn ra kỳ họp thứ 5 của đảng cộng sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 26 đến ngày 29/10.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun lớn tiếng tuyên bố quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để đáp trả bất kỳ “sự xâm phạm” nào của Mỹ vào vùng biển quanh các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Trong khi đó, Mỹ không thừa nhận các đảo nhỏ nhân tạo này được hưởng địa vị lãnh thổ có chủ quyền.

Ông Yang nhắc lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng tàu USS Lassen vi phạm “chủ quyền của Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, cho dù khu vực mà tàu Mỹ đi qua thuộc vùng được đi lại tự do theo luật quốc tế. Ông Yang không nói chi tiết về tuyên bố của Trung Quốc, cũng không nói cụ thể về việc Bắc Kinh sẽ đáp trả như thế nào trong tương lai, AP đưa tin.

Việc Mỹ đưa tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo là thách thức đáng chú ý nhất của Mỹ trước những giới hạn chủ quyền của Trung Quốc ở một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới.

“Cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn xung đột quân sự, nhưng vấn đề chính là những lợi ích cốt lõi của hai bên xung đột ở biển Đông”, Reuters dẫn lời chuyên gia hải quân Ni Lexiong ở ĐH Luật và Chính trị Thượng Hải.

Bất chấp những căng thẳng này, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris sẽ thăm Bắc Kinh vào tuần tới, báo Trung Quốc China Daily vừa đưa tin. Trong chuyến thăm này, hai bên dự kiến sẽ thảo luận vấn đề trao đổi quân sự song phương, “tăng cường trao đổi để xây dựng lòng tin giữa hai Hải quân” và giúp “tránh xung đột không chủ ý”.

Đa Chiều cho rằng, với việc Mỹ không hề có ý định ngừng điều chiến hạm tiến qua các đảo Trung Quốc ở Biển Đông, và không có nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự, đã buộc Bắc Kinh phải suy tính thay đổi chiến lược ở Biển Đông. Đi theo hướng nào đều sẽ là thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Theo QPAN