Hoạt động sản xuất sụt giảm của Trung Quốc tác động đến các nhà máy ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã thu hẹp trong tháng 7, gây tác động tới các nhà máy ở khắp châu Á và khó có thể phục hồi sớm.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 7 (Ảnh: NYTimes)
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 7 (Ảnh: NYTimes)

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Caixin đã suy giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng là 49,2 vào tháng 7, từ 50,5 trong tháng 6, nằm dưới 50 - ngưỡng để đánh dấu sự suy giảm. Báo cáo PMI sản xuất chính thức được công bố vào đầu tuần này, cho thấy sự suy giảm trong hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc trong tháng trước.

Đà phục hồi chậm chạp của nền kinh tế Trung Quốc đã gây ảnh hưởng tới các cường quốc sản xuất ở châu Á, đặc biệt là khu vực Bắc Á. PMI của Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm xuống 44,1, thấp nhất trong 8 tháng, trong khi Nhật Bản trượt xuống còn 49,6, theo báo cáo của S&P Global và Jibun Bank.

1.png
Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc suy giảm (Ảnh: S&P Global)

Dữ liệu mới về PMI đã phủ bóng lên viễn cảnh của khu vực châu Á, vốn phải dựa vào sự phục hồi của hoạt động sản xuất để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế sau khi gỡ bỏ các lệnh hạn chế do đại dịch và "nút thắt cổ chai" chuỗi cung ứng. Đà phục hồi đáng thất vọng ở Trung Quốc, kết hợp với lạm phát dai dẳng ở Mỹ và châu Âu, đang làm giảm nhu cầu đối với hàng hoá đến từ châu Á.

Nghiên cứu của Caixin bao gồm chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ hơn và định hướng xuất khẩu, nếu so với PMI chính thức. Các nhà sản xuất cho hay nhu cầu nước ngoài giảm là nhân tố chính khiến cho doanh thu bán hàng của họ bị ảnh hưởng, trong đó các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm đáng kể trong tháng 7.

Dữ liệu mới đã đưa ra thêm bằng chứng rằng động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục suy giảm sâu hơn trong tháng 7. Chi tiêu tiêu dùng vẫn thấp, trong khi thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các nhà đầu tư đã tỏ ra lạc quan về khả năng Trung Quốc đưa ra gói kích thích, sau khi các quan chức nước này hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường vốn và đưa ra tín hiệu hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực nhà ở. Nhưng chính quyền Bắc Kinh không đề cập cụ thể về việc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người tiêu dùng hay cung cấp các gói kích thích tài chính lớn.

2.png
Hoạt động sản xuất ở khu vực Bắc Á cũng giảm do bị ảnh hưởng từ Trung Quốc (Ảnh: S&P Global)

Ở Đài Loan, “sự suy giảm về sản lượng, số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu đều giảm, trong đó nhiều công ty đổ lỗi cho các điều kiện kinh tế toàn cầu suy yếu và mức tồn kho cao của khách hàng”, Annabel Fiddes, nhà kinh tế học đến từ S&P Global Market Intelligence, cho biết.

Chỉ số PMI của Hàn Quốc đã tăng nhẹ, lên 49,4 trong tháng 7, nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 - biểu thị sự thu hẹp. Đây là mức suy giảm ít nhất trong vòng một năm.

Nhu cầu nội địa cũng phần nào "bảo vệ" cho khu vực Đông Nam Á, trong đó hoạt động kinh doanh mới và sản xuất ổn định đã giúp cho hoạt động tại các nhà máy tăng lên 53,3 ở Indonesia và 51,9 ở Philippines.

Theo Bloomberg