Kinh tế khó khăn, giá nhà đắt đỏ khiến nhiều người Trung Quốc sống trong xe để tiết kiệm tiền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tình hình kinh tế khó khăn, giá nhà ở các thành phố lớn tăng mạnh khiến nhiều người Trung Quốc không thể mua hay thuê nhà mà phải tìm cách sáng tạo hơn để sống.

1.png
Twiggy He bên trong chiếc xe van, cũng là nhà của mình ở Thâm Quyến, Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Với khu bếp mở, bồn tắm và đàn piano điện, ngôi nhà của nhân viên thương mại điện tử Trung Quốc Twiggy He khiến nhiều đồng nghiệp của cô phải ghen tị - mặc dù nó nằm ngay tại khu đỗ xe của công ty nơi cô làm việc.

Cô He rất thích thú với chiếc xe van màu vàng được tân trang lại của mình – có tên Yolo, có nghĩa là bạn chỉ sống có một lần – bởi chỉ cần đi bộ có 2 phút từ giường của cô là đến bàn làm việc trong văn phòng. Chiếc xe này đã giúp cô tiết kiệm được hàng nghìn NDT mỗi tháng khi sinh sống tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, một trong những thành phố đắt đỏ nhất ở Trung Quốc.

He, 28 tuổi, là một trong những người trẻ sống tại những thành phố lớn và đang tìm kiếm một giải pháp thay thế cho căn hộ truyền thống trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

“Cảm giác sống trong chiếc xe van thật tự do”, cô He, người chuyển vào sống trong chiếc xe của mình cách đây 4 tháng, nói với AFP. “Tôi khỏi phải lo lắng về việc mua một ngôi nhà hoặc phải lo về việc ổn định cuộc sống...tôi có thể chuyển đến một thành phố mới trong vài năm”.

Kể từ khi sống trong xe, chi phí mà cô phải bỏ ra hàng tháng để sinh sống ở Thâm Quyến đã giảm mạnh so với thời cô còn đi thuê nhà, từ khoảng 2.500 NDT (463 USD)/tháng xuống còn 600 NDT (83,3 USD)/tháng. Phí đỗ xe mà cô phải trả chỉ có 20 NDT/ngày.

Tuy nhiên, cô bị phụ thuộc vào các khu vệ sinh công cộng.

3.png
Zhang Xi cùng vợ sống bên trong chiếc xe RV của mình trong khoảng thời gian còn chưa có con (Ảnh: AFP)

Anh Zhang Xi và vợ của mình cũng bắt đầu sống trong một chiếc nhà xe (RV) từ tháng 5/2022 và sau đó còn mở một cửa hiệu chuyên tân trang những chiếc xe van.

Chi phí sinh hoạt chính là nguyên nhân chính khiến Zhang chuyển sang sống trong chiếc RV của mình.

“Giá bất động sản ở Thâm Quyến vượt ngoài tầm với của những người làm công ăn lương bình thường như tôi”, Zhang nói.

Một nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Bất động sản Trung Quốc công bố mới đây cho thấy tỷ lệ tiền thuê nhà trên thu nhập của Thâm Quyến đã tăng lên tới 49%, và mua nhà còn tồi tệ hơn.

Tính trung bình, một căn hộ đã qua sử dụng có giá lên tới 65.000 NDT (9.000 USD) mỗi mét vuông – gấp gần 9 lần mức lương tháng trung bình của người lao động trong khu vực tư nhân.

Zhang và vợ của mình có kế hoạch sống trong chiếc xe van trong lúc họ chưa có con cái, tiết kiệm được khoảng 3.000 NDT (420 USD) mỗi tháng nhờ không phải đóng tiền nhà và đi lại. Họ hy vọng sẽ dùng khoản tiền đó để trả trước cho một căn hộ tại một thành phố cấp thấp hơn.

4.png
Li conghui chịu sự phản đối của gia đình lớn khi chuyển vào sống trong chiếc xe van (Ảnh: AFP)

Một trường hợp tương tự là Li Conghui, một nhân viên văn phòng. Bên cạnh những bức tường bên trong chiếc xe van màu trắng của anh là một chiếc giường xếp, cùng nhiều bức tranh và ảnh con cái của mình. Chỉ có điều vợ con anh không sống chung trong chiếc xe này mà đang ở một thành phố khác.

Gia đình lớn của anh không muốn anh theo đuổi lối sống kỳ cục như vậy.

“Vợ tôi là người duy nhất không phản đối việc này”, Li nói. “Nhưng những người khác lại không hiểu tôi đến từ đâu, họ nghĩ điều này quá bất thường”.

2.png
Li rửa bát bên trong chiếc xe van của mình ở Thâm Quyến (Ảnh: AFP)

Li làm việc ở Thâm Quyến đã hơn một thập kỷ và “vẫn không thể cảm thấy thân thuộc” khi ở thành phố này.

“Khi tôi sống bên trong một căn phòng thuê, tôi không có cảm giác như ở nhà mỗi khi trở về đó”, anh nói. “Nhưng chiếc xe RV của tôi lại khác. Khi tôi ở bên trong không gian riêng tư này, tôi cảm giác đây mới là nơi mình thuộc về”.

Anh Zhang cũng bày tỏ điều tương tự. “Nó tạo cho chúng tôi cảm giác giống như ngôi nhà”, anh nói. “Đó thực sự là nơi thuộc về chúng tôi ở Thâm Quyến”./.

Theo Strait Times