Dư nợ cho vay mua nhà giảm mạnh
Chỉ riêng các khoản cho cá nhân vay mua nhà ở của 6 ngân hàng quốc doanh lớn đã giảm 500 tỉ NDT (gần 70 tỉ USD). Tin này đã trở thành “từ khoá nóng” trên trang tìm kiếm Baidu ngày 8/4.
Trong số các ngân hàng ở Trung Quốc, 6 ngân hàng quốc doanh lớn bao gồm Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Giao thông, Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc là những ngân hàng chính cho vay mua nhà ở.
Dữ liệu báo cáo thường niên năm 2023 cho thấy tính đến cuối năm, tổng dư nợ cho vay thế chấp của 6 ngân hàng quốc doanh lớn này là khoảng 26 nghìn tỉ NDT (3.640 tỉ USD), giảm hơn 500 tỉ NDT (70 tỉ USD) so với cuối năm trước. Trong số đó, chỉ có dư nợ cho cá nhân vay mua nhà ở của Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện là tăng so với cùng kỳ, đạt 2,34 nghìn tỉ NDT tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng cho vay thế chấp của ngân hàng này cũng đứng đầu trong ngành, với mức tăng ròng khoảng 76,2 tỉ NDT.
5 ngân hàng còn lại đều giảm, dư nợ cho cá nhân vay mua nhà ở của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc giảm nhiều nhất với mức giảm 175,781 tỉ NDT (24,6 tỉ USD) so với cuối năm trước.
Trong khi đó, mức sụt giảm trong dư nợ cho cá nhân vay mua nhà ở của các ngân hàng cổ phần lại ít hơn. Theo "21st Century Business Herald" (Kinh tế đạo báo Thế kỉ 21), trong số các ngân hàng cổ phần toàn quốc hiện đã công bố báo cáo thường niên năm 2023 của họ, 5 ngân hàng gồm Ngân hàng Chiêu Thương, Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng Dân Sinh, Ngân hàng Hưng Nghiệp và Ngân hàng Bột Hải có mức giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó Ngân hàng Dân Sinh, Ngân hàng Công nghiệp và Ngân hàng Bột Hải đều có mức giảm hơn 20 tỉ NDT (2,8 tỉ USD). 4 ngân hàng gồm Ngân hàng CITIC Trung Quốc, Ngân hàng Bình An, Ngân hàng Thương mại Chiết Giang và Ngân hàng Hằng Phong đều có mức cho vay tăng hơn.
"Báo cáo thống kê đầu tư cho vay của các tổ chức tài chính năm 2023" do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố cho thấy tổng số dư cho cá nhân vay mua nhà ở vào cuối năm 2023 là 38,17 nghìn tỉ NDT (5.348,8 tỉ USD), giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng thấp hơn 2,8 điểm phần trăm so với cuối năm trước.
Tờ "21st Century Business Herald" cho rằng dưới ảnh hưởng của các yếu tố như sự suy thoái của thị trường bất động sản và việc trả nợ sớm các khoản vay thế chấp, hoạt động cho vay thế chấp cá nhân của các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực.
Tỷ lệ nợ xấu gia tăng
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu của các khoản cho cá nhân vay mua nhà ở cũng ngày càng tăng và tỷ lệ nợ quá hạn cũng tăng.
Ông Ngũ Qua (Wu Ge), nhà kinh tế trưởng của Công ty Chứng khoán Trường Giang (Changjiang Securities), cho biết: "Căn cứ các khoản cho vay thế chấp nhà ở cá nhân với các khoản vay mua nhà hiện có tương đối lớn của các ngân hàng như Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Chiêu Thương và tính toán dựa trên các tài liệu công bố chứng khoán liên quan, tỷ lệ quá hạn của các khoản vay thế chấp cá nhân (số tiền vay quá hạn/tổng dư nợ) đã tăng lên mức cao nhất trong 4 năm gần đây”.
Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu thế chấp của 5 trong số 6 ngân hàng lớn đã tăng lên so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ nợ xấu thế chấp của Ngân hàng Công thương và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đều có tăng 5 điểm cơ bản mỗi năm.
Về việc kiểm soát rủi ro cho cá nhân vay mua nhà ở, các ngân hàng cũng đang thực hiện nhiều biện pháp. Ông Lâm Vân Sơn cho biết Ngân hàng Dân Sinh tổ chức đánh giá lại tài sản thế chấp định kỳ hàng quý, vào cuối năm 2023, tỷ lệ các khoản cho vay thế chấp tăng lãi suất thế chấp sau khi đánh giá lại đã hạn chế, tổng thể rủi ro có thể kiểm soát được.
Ông nói: “Chúng tôi dự tính việc trả nợ sớm và định giá lại các khoản thế chấp năm 2024 sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của năm ở mức 1,8 tỉ NDT”.
Ngân hàng Chiêu Thương Trung Quốc cũng nói họ "luôn kiên trì giám sát và đánh giá lại giá trị của các khoản thế chấp và điều chỉnh kịp thời giá trị tài sản thế chấp. Tính đến cuối năm ngoái, tỷ lệ thế chấp bình quân gia hạn của các khoản cho cá nhân vay mua nhà ở giảm đi 32,93%, tăng 0,34 điểm phần trăm so với cuối năm trước, tài sản thế chấp vẫn đảm bảo đủ và ổn định, rủi ro chung của hoạt động kinh doanh cho cá nhân vay mua nhà ở có thể kiểm soát được”.
Theo Sina, NBD