Ngày 1/10, Văn phòng Chính phủ ban hành thông báo kết luận phiên họp thứ 3 của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội và TP.HCM.
Theo đó, Phó Thủ tướng thống nhất với lộ trình, tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị năm 2035, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, với tổng chiều dài 580,8 km.
Để bảo đảm chất lượng, tiến độ đề án trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM, làm rõ bối cảnh, tình hình triển khai, những vấn đề đặt ra và hướng xử lý của các dự án đường sắt đô thị trong quá trình xây dựng đề án tại mỗi địa phương, nhất là về huy động nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù.
Bộ GTVT tổng hợp, hoàn thiện đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội, TP.HCM đến năm 2035 trình Thường trực Chính phủ trước ngày 10/10.
Trong quá trình rà soát, hoàn thiện đề án, Phó Thủ tướng yêu cầu TP.Hà Nội, TP.HCM, Bộ GTVT và các bộ, ngành rà soát bổ sung làm rõ căn cứ xác định suất đầu tư của từng kilomet đường sắt đô thị (đi trên cao và đi ngầm); cơ sở lựa chọn công nghệ; khả năng làm chủ công nghệ, vận hành, khai thác (xác định cơ quan chủ trì tiếp nhận công nghệ, thiết bị, đầu máy, toa xe); nhu cầu và phương án đào tạo nhân lực...
Cần làm rõ phương án huy động nguồn vốn đầu tư; cơ chế, chính sách để huy động, phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác; đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc huy động vốn vay đối với sự an toàn, ổn định kinh tế vĩ mô.
Về mô hình tổ chức triển khai, quản lý các tuyến đường sắt đô thị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục thống nhất với hai TP để đề xuất mô hình phù hợp, hiệu quả. TP.HCM khẩn trương tổ chức quy hoạch không gian ngầm, trong đó có mạng lưới đường sắt đô thị ngầm để phục vụ cho công tác xây dựng Đề án và chuẩn bị đầu tư các dự án.
Về cơ chế đặc thù, hai thành phố được giao tập trung, rà soát đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để phát triển đường sắt đô thị cho hai thành phố. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT tổng hợp, cập nhật vào các cơ chế, chính sách đặc thù của Đề án cho phù hợp.
Trên cơ sở lộ trình, kế hoạch và nhu cầu vốn của các địa phương, đề nghị hai Thành phố báo cáo đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước và nợ công của thành phố và cung cấp thông tin, số liệu gửi Bộ Tài chính trước ngày 5/10.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, TP.Hà Nội, TP.HCM và các bộ, ngành cơ quan, địa phương liên quan tính toán, đánh giá tác động tổng hợp nợ công khi triển khai các dự án đầu tư (đường sắt đô thị của hai thành phố; đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc: tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và các dự án khác...).
Phó Thủ tướng đặt ra yêu cầu cụ thể về hoàn thiện hồ sơ và tiến độ trình đề án.