Hoàn Cầu đe giết 12 triệu người Mỹ

VietTimes -- Quân đội Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang được cải tổ lại, thành lập các chiến khu mới, một trung tâm chỉ huy liên hợp, phát triển nhiều loại vũ khí mới công nghệ cao, nâng cấp các chiến lược để chiến đấu tốt hơn...Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh, Washington Free Beacon nhận định.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ

Báo cáo do Lầu Năm Góc mới công bố nhấn mạnh như một phần chiến lược quân sự, Trung Quốc tiếp tục mở rộng, xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, nơi lực lượng quân sự có thể được dùng để kiểm soát tuyến hải lộ chiến lược nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng Mỹ vạch rõ với các đảo nhân tạo bồi lấp tới 1.300 ha, Trung Quốc có thể sẽ dung các đảo này như các căn cứ dân-quân sự thường trực nhằm tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông. Bắc Kinh cũng đang hung hăng đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại Hoa Đông.

Trung Quốc thận trọng tìm cách tránh xung đột với Mỹ về các tranh chấp lãnh hải và sử dụng các chiến thuật dọa nạt không dẫn tới xung đột vũ trang để thúc đẩy các chính sách của nước này.

Quân đội Trung Quốc (PLA) tiếp tục xây dựng các lực lượng quân sự quy mô thông qua cải thiện tầm hoạt động của vũ khí và binh lính, bao gồm một số lượng lớn các tên lửa mới, chiến hạm, máy bay, xây dựng năng lực chiến tranh mạng và vũ khí không gian.  Một trong những thách thức đối với quân đội Trung Quốc là nạn tham nhũng lan tràn khiến hơn 40 sĩ quan cao cấp của quân đội Trung Quốc bị hạ bệ kể từ năm 2012, bao gồm cả những tướng lĩnh cao cấp nhất.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc chuẩn bị “chiến đấu và chiến thắng” trong chiến tranh. Lầu Năm Góc cho rằng khẩu hiệu này là chỉ dấu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về quân đội, lực lượng chưa từng chiến đấu trong cuộc chiến nào đã hơn 30 năm nay, có thể không thích ứng với chiến tranh hiện đại.

Ngày 1/2/2016, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình ra tuyên bố giải thể 7 đại quân khu: Bắc Kinh, Thẩm Dương, Tế Nam, Nam Kinh, Quảng Châu, Lan Châu và Thành Đô. Thành lập 5 Chiến khu, là Chiến khu Đông, Chiến khu Bắc, Chiến khu Nam, Chiến khu Tây và Chiến khu Trung tâm. Bộ Tư lệnh Chiến khu không còn trực tiếp chỉ huy các đơn vị quân chủ lực như Quân khu trước đây, mà là một Bộ Tư lệnh Liên hợp quân binh chủng lục quân, hải quân, không quân, tên lửa và các binh chủng khác.

Tại lễ thành lập 5 chiến khu mới, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Các chiến khu đảm đương sứ mạng đối phó với sự uy hiếp an ninh quốc gia, duy trì hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh và đánh thắng chiến tranh". Trước đây, 7 đại quân khu là các tổ chức tương đối độc lập và có thực quyền, cơ cấu 7 đại quân khu rườm rà, không hiệu quả, không có một cơ cấu chỉ huy thống nhất để bảo đảm khả năng phối hợp. Cải cách lần này sẽ siết chặt quyền kiểm soát của Quân ủy Trung ương đối với các chiến khu.

Trước đây, Trung Quốc không có Bộ Tư lệnh Lục quân, công việc này do Bộ Tổng Tham mưu đảm nhận. Trước khi cải cách, Quân đội Trung Quốc theo mô hình "chủ nghĩa đại lục quân", tuy cấu thành quân đội là các quân chủng lục quân, hải quân, không quân và binh chủng pháo binh 2 trực thuộc Quân ủy Trung ương, nhưng điều cốt yếu của "chủ nghĩa đại lục quân" là ở chỗ đẳng cấp hành chính, 3 Bộ Tư lệnh Không quân, Hải quân và Pháo binh 2 là đơn vị cấp quân khu, còn toàn bộ 7 quân khu lục quân đều là đơn vị cấp quân khu, nghĩa là toàn bộ lực lượng hải quân cũng chỉ tương đương như quân khu Tế Nam, nói cách khác, địa vị của lục quân cao hơn một cấp so với hải quân, không quân.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc

Ông Tập đã tuyên bố thành lập 3 quân chủng mới, là quân chủng lục quân, quân chủng tên lửa, quân chủng chi viện chiến lược. Các lực lượng tên lửa chiến lược và tên lửa quy ước (còn gọi là Nhị pháo) sáp nhập thành quân quân chủng tên lửa. Quân chủng hỗ trợ chiến lược bao gồm cơ quan tình báo quân sự, lực lượng tác chiến mạng và chiến tranh không gian. Đây là thành phần chủ chốt trong chiến lược bất đối xứng của Trung Quốc nhằm đánh bại lực lượng Mỹ tối tân hơn trong chiến tranh.

Lầu Năm Góc còn tiết lộ Trung Quốc đang tăng cường khả năng tiến hành các chiến dịch ở xa lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến đấu trong chiến tranh với Đài Loan vẫn là ưu tiên hàng đầu của PLA. “Trung Quốc đang mở rộng tiếp cận các cảng ỏ nước ngoài nhằm chuẩn bị trước sự hỗ trợ hậu cần cần thiết nhằm tiến hành thường xuyên và bền vững các đợt triển khai ở các vùng biển xa như Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Đại Tây Dương”, báo cáo cho biết.

Trung Quốc đã có những bước tiến trong việc chế tạo tên lửa với các loại tên lửa mới và bổ sung nhiều đầu đạn cho các hệ thống tên lửa cũ và mới. Trung Quốc cũng đang có kế hoạch chế tạo một loại máy bay ném bom tầm xa mới, nhằm xây dựng bộ ba hạt nhân cùng với tên lửa mặt đất và tên lửa đạn đạo chiến lược trên biển.

Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm nhiều loại tên lửa tấn công mới, đa dạng, bao gồm một loại siêu vượt âm, thành lập thêm các đơn vị tên lửa, nâng cấp các hệ thống tên lửa cũ, cũng như phát triển các phương pháp đánh chặn tên lửa đạn đạo.

Nhiều tàu ngầm tấn công và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo cũng được chế tạo và đang được tiếp tục phát triển. Trung Quốc cũng đang xây dựng năng lực chiến tranh không gian và năm 2015 đã đạt thêm tiến bộ sau vụ thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh tháng 7/2014.

Tuy nhiên Lầu Năm Góc cũng vạch rõ những yếu điểm chết người của Trung Quốc. Một trong số đó là sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào nhập khẩu dầu mỏ. Trung Quốc nhập khẩu tới 60% dầu lửa năm 2015 và con số này sẽ tăng lên 80% vào năm 2035.

Các nguồn cung năng lượng của Trung Quốc rất dễ tổn thương và bị cắt đứt khi khoảng 83% lượng dầu mỏ nước này nhập khẩu phải đi qua Biển Đông và eo biển Malacca. Các hệ thống đường ống dẫn dầu đang được xây dựng từ Nga và Kazakhstan được xem là nỗ lực nhằm duy trì chuỗi cung ứng dầu mỏ ít tổn thương hơn.

Lầu Năm Góc mô tả việc Trung Quốc phát triển năng lực phát động tấn công chính xác tầm xa là “cực kỳ nhanh”. 10 năm trước, quân đội Trung Quốc chỉ có khả năng giới hạn tấn công các mục tiêu qua 100 dặm eo biển Đài Loan. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang trang bị một loạt các tên lửa đạn đạo tầm ngắn quy ước, cũng như các loại tên lửa hành trình tấn công từ mặt đất cũng như trên không, lực lượng đặc nhiệm và năng lực tác chiến mạng có thể uy hiếp các mục tiêu trong khu vực.

Các căn cứ Mỹ tại Nhật Bản nằm trong tầm bắn của ngày càng nhiều các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, cũng như nhiều loại tên lửa hành trình của Trung Quốc. Guam có thể bị Trung Quốc dùng tên lửa hành trình tầm xa lắp trên máy bay ném bom H-6K tấn công. Năm ngoái, các máy bay này đã thực hiện những chuyến bay đầu tiên trên Thái Bình Dương.

Tên lửa DF-21 đã được trình làng trong cuộc duyệt binh cũng có thể tấn công chính xác đảo Guam, một trung tâm quân sự và là căn cứ trọng yếu trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ. Các tên lửa hành trình cũng thích hợp để tấn công các căn cứ không quân, trung tâm hậu cần, thông tin và các cơ sở mặt đất khác của kẻ địch.

Tên lửa
Tên lửa "sát thủ tàu sân bay" DF-21 của Trung Quốc
Máy bay ném bom tầm xa H-6K
Máy bay ném bom tầm xa H-6K

Trong một cuộc xung đột tương lai, PLA có kế hoạch tấn công các trung tâm hậu cần và các năng lực được sử dụng phối hợp vận tải, thông tin và hậu cần. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc được ước tính vượt 180 tỷ USD và ước tính con số này sẽ lên tới 260 tỷ USD vào năm 2020.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ quan điểm về một quân đội quốc gia  phi chính trị bởi lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, đảng cộng sản Liên Xô trước đây thiếu kiểm soát đối với quân đội là một nguyên nhân chủ chốt dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1991. Trung Quốc luôn nhấn mạnh nguyên tắc “đảng chỉ huy súng”, tuân thủ theo châm ngôn nổi tiếng của Mao Trạch Đông “quyền lực chính trị sinh ra từ họng súng”.

Tuy nhiên Lầu Năm Góc không bình luận gì về quan điểm chống Mỹ ngày càng tăng của Trung Quốc, được thể hiện ở cả trên truyền thông nhà nước kiểm soát và các ấn phẩm quân sự chính thống. Năm 2013, tờ Global Times còn xuất bản một bài báo mô tả những đòn tấn công hạt nhân sẽ giết chết 12 triệu người Mỹ như thế nào.