Theo quyết định phê duyệt quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, huyện Hòa Vang sẽ có tổng diện tích tự nhiên khoảng 73.317 ha, quy mô dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người. Đến 2030 Hòa Vang sẽ đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã có trung tâm hành chính đặt tại xã Hòa Phong.
Ông Tô Văn Hùng – Bí thư Huyện uỷ Hoà Vang - cho biết: “Với định hướng của Chính phủ và sự chung tay của cả hệ thống chính trị TP, đặc biệt là của người dân, các chương trình, kế hoạch đang được triển khai với quyết tâm sớm xây dựng Hòa Vang trở thành đô thị sinh thái, giàu bản sắc và được công nhận thị xã vào thời gian sớm nhất”.
Để đạt được mục tiêu này, huyện Hoà Vang sẽ phân vùng không gian gồm 2 tiểu vùng dân cư nông thôn và một tiểu vùng sinh thái.
Tiểu vùng dân cư gồm: Tiểu vùng Đông Bắc gắn với tiểu vùng dân cư phía Bắc Hòa Vang (gồm 4 xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn). Đây là khu vực phát triển trọng tâm nằm tại phía Đông khu công nghệ cao và dưới chân núi Bà Nà, trung tâm tiểu vùng tại khu vực xã Hòa Liên gắn với tổ hợp đô thị - công nghiệp công nghệ cao.
Tiểu vùng Đông Nam gắn với tiểu vùng dân cư phía Nam Hòa Vang (gồm 7 xã: Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước), trung tâm tiểu vùng đồng thời là huyện lỵ Hòa Vang đặt tại xã Hòa Phong.
Tiểu vùng sinh thái phía Tây gồm khu vực rừng, núi và đồi phía Tây thuộc các xã: Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Phú, Hoà Khương.
Khu vực nông thôn tập trung tại huyện Hòa Vang sẽ bao gồm: khu dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống được cải tạo, chỉnh trang, các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên, các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hiện có.
Về phân vùng chức năng, huyện Hoà vang sẽ gồm 4 vùng: Vùng công nghiệp công nghệ cao; vùng phát triển dân cư; vùng du lịch sinh thái và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vùng phát triển dân cư sẽ hình thành cụm dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ tại các tiểu vùng Đông Bắc, Đông Nam, đáp ứng nhu cầu ở của lực lượng lao động trong vùng.
Vùng du lịch sinh thái được định hướng phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và cộng đồng với trọng điểm là khu vực Tây Nam (xã Hòa Ninh, Hòa Phú và Hòa Khương) và khu vực Tây Bắc (xã Hòa Bắc).
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ khai thác vùng sản xuất phía Nam thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với loại hình du lịch nông nghiệp.