Nhà máy xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) đắp chiếu nằm chờ |
Nhà máy xử lý 650 tấn/ngày sẽ hoạt động trong quý 3/2026
Liên tiếp trong các đợt tiếp xúc cử tri, người dân sinh sống ở khu vực bãi rác Khánh Sơn (huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm và quá tải ở đây. Nhất là khi mỗi ngày, Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải, nhưng dự án nhà máy xử lý rác thải được TP Đà Nẵng công bố thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề rác thải, vẫn án binh bất động, khiến cử tri càng lo lắng.
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng – cho biết, theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, tổng lượng chất thải rắn toàn TP Đà Nẵng đến năm 2030 là 2.510 tấn. Trong đó, rác thải sinh hoạt là 1.700-1.800 tấn. Trên cơ sở đó, TP sẽ xây dựng 2 nhà máy 650 tấn và 1.000 tấn để xử lý số lượng chất thải rắn này.
Riêng đối với nhà máy 650 tấn thì đây là dự án mà TP Đà Nẵng sẽ trả phí thông qua hoạt động cung cấp và xử lý dịch vụ.
Tính đến ngày 18/9/2023, dự án đã được Sở Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 3. Giấy chứng nhận đầu tư này giải quyết được 3 vấn đề chính: Khẳng định dự án này sẽ tiếp tục, với công suất 650 tấn; quý 3/2026 nhà máy sẽ đi vào hoạt động với công nghệ lò đốt cơ học đã được cơ quan thuộc Bộ TN&MT thẩm định; vấn đề bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe của người dân cũng như công tác giải tỏa, bồi thường.
"Đà Nẵng quan điểm rác thải là tài nguyên"- ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - khẳng định.
“Hiện nay, chúng tôi đang triển khai hàng loạt giải pháp để thực hiện dự án này. Xây dựng quy hoạch tỷ lệ 1/500, chuẩn bị hồ sơ thẩm định môi trường, công nghệ… với quan điểm là đảm bảo hoạt động dự án và an toàn về sức khoẻ của người dân.
"Đến nay, các nội dung và tiến độ đang được kiểm soát tốt. Dự án nhà máy xử lý rác thải quy mô 1.000 tấn/ngày đêm đang được triển khai, lựa chọn hình thức đầu tư để nhà đầu tư đồng hành với TP trong việc xây dựng và vận hành” - ông Chương nói.
Cũng theo ông Chương, bên cạnh việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải thì việc đầu tư hộc chôn lấp đang được tiến hành, nhằm đảm bảo phương án dự phòng, lưu trữ xử lý tạm trước khi chuyển vào nhà máy để xử lý.
Rác thải là tài nguyên
Ông Lê Quang Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho rằng: “Cần nhìn nhận khách quan rằng, Đà Nẵng là TP được rất nhiều giải về môi trường và được đánh giá là một TP thực hiện rất tốt công tác môi trường, thì không hà cớ gì chúng tôi để bãi rác Khánh Sơn tồn tại như một lát cắt xấu về môi trường.
Cũng xin nói thêm là ngay từ đầu, chúng tôi quan niệm rác thải là tài nguyên, nên với quan điểm đó, và cách tiếp cận như vậy thì hiện nay TP đang triển khai quy hoạch khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn. Ở đây không đơn thuần chỉ là các hộc chứa rác mà sẽ hình thành các khu xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế và kể cả những khâu tái chế và khu vực xử lý phế thải của vật liệu xây dựng”.
Theo ông Nam, hiện TP Đà Nẵng đang triển khai các bước đầu tư của dự án. Dự án xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, là công nghệ tương đối phù hợp với hiện tại, phù hợp với môi trường và quy định của các cơ quan chức năng.
“Chúng ta đi sau nên sẽ lựa chọn công nghệ cho phù hợp, đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe nhất trong vấn đề môi trường. Với quan điểm đó, tôi xin khẳng định một lần nữa là Đà Nẵng luôn xác định xử lý rác thải là vấn đề sống còn và là xem là tài nguyên, nên sẽ không có chuyện ưu tiên cho việc chôn lấp”- Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ông Nam cho biết thêm: "Khi các nhà máy xử lý rác 650 tấn hay là nhà máy 1.000 tấn và kể cả khu chế biến tận dụng phế thải xây dựng... thì vẫn rất cần khu vực chôn lấp, cho dù có thiêu đốt kiệt đi thì vẫn còn tro xỉ và cũng cần đầu tư khu vực chôn lấp".
“Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đầu tư nhiều vào xử lý rác và đến nay, bãi rác Khánh Sơn được đánh giá là bãi rác tốt trên cả nước, khi Đà Nẵng đã đầu tư nhà máy xử lý nước thải rỉ rác rất lớn. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, bãi rác Khánh Sơn đã tồn tại mấy chục năm nay rồi, và trước đây chưa được quan tâm đúng mức, thì bây giờ TP Đà Nẵng phải giải quyết các vấn đề tồn tại”- ông Lê Quang Nam nhấn mạnh.