Bất ngờ tung ra gói tài trợ 12 tỷ USD
Theo “The Washington Post” ngày 24/7, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đã tuyên bố kế hoạch tài trợ gói 12 tỷ USD cho nông dân. Ông cho biết, kế hoạch này đã được thảo luận trong mấy tháng trước nhằm đảm bảo cho các hộ nông dân và chủ nông trại không bị thiệt hại trước các biện pháp “trả đũa mậu dịch phi pháp” của Trung Quốc, EU và các nền kinh tế khác trong khi chính phủ đang tích cực tìm kiếm cân bằng lại quan hệ mậu dịch với các nước.
Ông Sonny Perdue nói, Tổng thống Donald Trump đã ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp bảo vệ nông dân, cung cấp cho họ viện trợ cứu tế ngắn hạn; đồng thời ông nhấn mạnh chính phủ đốc sức cho một hiệp nghị thương mại tự do, công bằng, cùng có lợi, về lâu dài sẽ mở cửa thị trường, giúp nông dân Mỹ tham gia cạnh tranh toàn cầu. Kế hoạch tài trợ này lên tới 12 tỷ USD, tương đương với mức thiệt hại 11 tỷ USD mà nông dân Mỹ phải chịu trước các biện pháp trả đũa về thuế quan của Trung Quốc và EU…
Ông Sonny Perdue nói, nông dân Mỹ vốn đã bị Trung Quốc đối xử không công bằng qua hành vi mậu dịch phi pháp; trong cuộc chiến tranh thương mại đang không ngừng leo thang, họ lại bị giáng mạnh bởi hành động tăng thuế trả đũa phi pháp của Trung Quốc. Được biết, biện pháp tăng thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu để trả đũa đòn trừng phạt của Mỹ hôm 6/7 của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều nông sản của Mỹ như cao lương, đậu tương, các chế phẩm thịt lợn, thịt gia cầm, sữa bò; ngoài ra còn có hoa quả, hạt quả và các nông sản đặc chủng khác. Ông cho biết, biện pháp hỗ trợ công bố hôm 24/7 chỉ là phương án giải quyết ngắn hạn, nhưng “nó sẽ giúp chính phủ có thời gian để đạt tới một hiệp nghị mậu dịch lâu dài” để mang lại lợi ích cho nông nghiệp và toàn bộ kinh tế Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 24/7 nêu rõ: có chứng cứ cho thấy tiến độ vận chuyển các sản phẩm từ các nông trại Mỹ ra nước ngoài tiêu thụ đã bị chậm trễ do sự siết chặt bất thường hoặc kiềm tỏa về trình tự nhập khẩu của phía quốc gia nhập khẩu; đồng thời những sự chậm trễ này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và mức độ bán chạy của những sản phẩm dễ hư hại.
Quyết định này cũng là cách đánh tín hiệu cho các đối thủ biết Mỹ quyết không là phía đơn phương chấm dứt cuộc chiến thương mại trong thời gian ngắn sắp tới.
Trang web của VOA hôm 24/7 cũng đưa tin, cùng ngày ông Donald Trump đã đe dọa sẽ tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng hóa của các quốc gia không có thiện chí tiến hành đàm phán với Mỹ; ông cho rằng, thuế quan là một trong những phương án tốt để giải quyết vấn đề thương mại toàn cầu.
Ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Thuế quan là thứ vĩ đại nhất! Các quốc gia đối xử bất công với Mỹ hoặc đàm phán với Mỹ để đạt được hiệp nghị thương mại công bằng, bằng không sẽ bị tiếp tục tăng thuế. Điều đơn giản đó ai cũng đều biết. Xin hãy nhớ rõ, chúng ta đang bị cướp đoạt két bạc; tất cả rồi sẽ tốt lên!”.
Ông Donald Trump và chiếc mũ in dòng chữ 'Làm cho người nông dân vĩ đại trở lại'
|
Vì sao ông Donald Trump khẩn cấp hỗ trợ nông dân và nông nghiệp Mỹ?
Do ông Donald Trump quyết định tăng thuế suất đánh vào một số mặt hàng nông sản của các bạn hàng mậu dịch lớn như Trung Quốc, các nước EU… nên bị đối phương áp dụng các biện pháp trả đũa, các loại nông sản Mỹ trị giá hàng tỷ USD chịu tai vạ nên các hộ nông dân và các chủ trang trại liên tiếp kêu ca, phê phán chính quyền.
Hãng CNBC bình luận, trong cuộc chiến tranh thương mại lần này, đậu tương, thịt lợn, thịt bò là những mặt hàng bị thiệt hại nghiêm trọng nhất, động chạm đến lợi ích và giới hạn cuối cùng của các nông dân những vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu – những nơi là nguồn phiếu để đưa ông Donald Trump vào Nhà Trắng năm 2016. Điều này rõ ràng cũng rất bất lợi đối với ông Trump và Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Chính vì thế, ông Trump đã quyết định đưa ra kế hoạch hỗ trợ này.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue thì khoản tiền này sẽ do một số cơ quan trực thuộc bộ này chi ra; sẽ trực tiếp hỗ trợ những người trồng đậu tương, cao lương; tài trợ cho các hãng thu mua, tiêu thụ nông sản và chính phủ trực tiếp thu mua các nông sản.
Phản ứng của các giới về kế hoạch khẩn cấp của ông Trump
Biểu đồ cho thấy giá đậu tương ngày 24.7 bắt đầu tăng
|
Hãng CNBC cho biết, Hiệp hội đậu tương ra tuyên bố: “Tuy chính phủ thừa nhận việc áp đặt thuế quan dẫn đến xuất khẩu bị giảm, giá cả bị giảm; biện pháp của chính phủ khiến những người trồng đậu rất phấn khởi, nhưng kế hoạch cứu trợ này chỉ là sự giúp đỡ ngắn hạn”. Hiệp hội trồng đậu nhấn mạnh chính phủ cần đề ra chiến lược lâu dài về mậu dịch nông sản để giải quyết tình trạng sản lượng qua thừa và giá đậu giảm; họ đề nghị hãy hủy bỏ biện pháp thuế quan bất lợi cho nông sản.
Ngoài ra, hãng Bloomberg đưa tin, gói cứu trợ nông nghiệp 12 tỷ USD này cũng khiến các nghị sỹ Cộng hòa trong Quốc hội phản ứng vì nó không giải quyết được vấn đề gốc là chính sách mậu dịch của Nhà Trắng. Các nghị sỹ đại diện cho các vùng nông nghiệp chủ yếu đang gây áp lực với chính phủ để buộc ông Trump từ bỏ chính sách thuế quan. Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Wisconsin Ron Johnson nói: “Tôi nói thay quan điểm của các nông dân. Thứ họ cần là mậu dịch chứ không phản tài trợ. Đó là điều đơn giản nhất”. Thượng nghị sỹ Cộng hòa bang Oklahoma James Lankford thì gọi kế hoạch này “đã đi sai phương hướng”.
Thế nhưng, ông Donald Trump không hề có ý định thỏa hiệp. Hôm 24/7 ông đã phát biểu tại bang Kansas – một vùng sản xuất nông sản chủ yếu: “Nông dân sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất. Hãy chú ý, chúng ta đang mở cửa thị trường, các vị xem sẽ xảy ra điều gì? Chỉ cần nhẫn nại một chút là được”. Ông nói, kế hoạch tài trợ nông nghiệp này không cần Quốc hội phê chuẩn.
Do tác động của việc công bố kế hoạch tài trợ nông nghiệp này, giá đậu tương tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) lập tức tăng trở lại sau khi xuống đến đáy vào ngày hôm trước.