Hệ lụy từ COVID-19: Lệnh phong tỏa gây ra hàng loạt "tổn thất ngoài dự kiến"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng lệnh phong toả do Covid có thể gây ra “thiệt hại nhiều hơn là lợi ích”. Hệ lụy của nó sẽ lan toả trên diện rộng và gây tổn hại kéo dài đến nền kinh tế thế giới.

Một trung tâm xét nghiệm COVID lưu động ở Brisbane, Australia (Ảnh: News.com.au)
Một trung tâm xét nghiệm COVID lưu động ở Brisbane, Australia (Ảnh: News.com.au)

Cụ thể, những thiệt hại này bao gồm hàng triệu ca tử vong gián tiếp do phong toả Covid gây ra, gia tăng tình trạng lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình, và thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỉ USD.

Tiến sĩ Kevin Bardosh, một nhà nhân chủng học y tế ứng dụng đến từ Đại học Washington (Mỹ), đã tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện hơn 600 ấn phẩm nghiên cứu để đánh giá về các tác động xã hội tiêu cực do phong tỏa và các biện pháp can thiệp phi y tế (NPIs) khác gây ra.

Trong một chuyên đề tóm tắt về những phát hiện của mình, Tiến sĩ Bardosh lưu ý rằng Covid là “cuộc khủng hoảng toàn cầu gây rối loạn nhất kể từ Thế chiến II và việc sử dụng các biện pháp can thiệp phi y tế, bao gồm lệnh phong tỏa và hàng loạt các chính sách, đã gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong lịch sử y tế công hiện đại”.

“Ngay từ đầu, nhiều người đã lên tiếng lo ngại rằng các biện pháp can thiệp phi y tế sẽ gây ra tác hại xã hội trên diện rộng, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương và có hoàn cảnh khó khăn. Trong một vài năm tới, chúng ta sẽ thấy rõ những mối quan ngại này là hoàn toàn có cơ sở, nhưng đến khi đó thì có thể đã quá muộn để thay đổi”.

Theo bài viết của tổ chức từ thiện Collateral Global (Vương quốc Anh), “tổn hại ngoài dự kiến của các biện pháp chống dịch là đáng kể, phạm vi rộng và sẽ để lại một tổn thất kéo dài cho hàng trăm triệu người trong những năm tới”.

Những tổn hại này đã được nêu trong các tài liệu khoa học, bao gồm: sự gia tăng tỷ lệ tử vong gián tiếp do phong toả Covid, suy giảm sức khỏe tâm thần, lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình, gia tăng bất bình đẳng toàn cầu, mất an ninh lương thực, giảm cơ hội giáo dục, gia tăng hành vi và lối sống không lành mạnh, phân cực xã hội, gia tăng nợ xấu...

Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đa phần là những người trẻ, những cá nhân và quốc gia có tình trạng kinh tế xã hội thấp, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương từ trước.

Những tác hại về mặt xã hội sẽ thách thức tinh thần về ứng phó với đại dịch, có nghĩa rằng nhiều khả năng các chính sách liên quan tới Covid gây ra nhiều tác hại hơn là lợi ích mà nó mang lại. Song, vẫn cần phải nghiên cứu thêm để giải quyết lỗ hổng kiến ​​thức và tìm hiểu sự đánh đổi về chính sách, đặc biệt là ở cấp quốc gia.

Nghiên cứu kết luận rằng: “Việc lập kế hoạch và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong tương lai sẽ phải tích hợp nhiều ý kiến chuyên môn hơn để giải thích và giảm thiểu tác hại xã hội liên quan đến sự can thiệp của chính phủ”.

Chính sách về COVID phản tác dụng?

Tháng 3 và tháng 4/2020, khoảng 150 quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng chống đại dịch. Trong 2 năm tiếp theo, các chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn khác nhau như: đóng cửa trường học và nơi làm việc; giới hạn quy mô và hạn chế đi lại; kích thích kinh tế bao gồm hỗ trợ thu nhập và các chính sách y tế như quy định bắt buộc đeo khẩu trang, xét nghiệm và tiêm chủng định kỳ.

Một số chính sách này vẫn được áp dụng cho đến cuối năm 2022 và thậm chí là năm 2023.

201116-new-york-covid-test-ew-1158a.jpeg
Cộng đồng y tế công cộng dường như “quá lạc quan về lợi ích của các biện pháp can thiệp của mình và xem nhẹ hoặc bỏ qua tác hại của chúng” (Ảnh: NBC News)

Một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra và kết quả là các chính sách kiểm soát dịch bệnh này vẫn được tiếp tục thực hiện. Song, nếu nhìn tổng quan thì dường như cộng đồng y tế công đã “quá lạc quan về lợi ích của các biện pháp can thiệp của mình và xem nhẹ hoặc bỏ qua tác hại của chúng”, báo cáo cho hay.

Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, “không phải tất cả các tác động xã hội đều là tiêu cực đối với tất cả mọi người”, ví dụ như tăng thời gian dành cho gia đình và phục hồi một số hệ sinh thái tự nhiên.

Tiến sĩ Bardosh đã phân tích các tác hại xã hội trên 10 hạng mục: sức khỏe, kinh tế, thu nhập, giáo dục, an ninh lương thực, lối sống, các mối quan hệ, cộng đồng, môi trường và quản trị. Các phát hiện cấp cao bao gồm: 14-18 triệu ca tử vong vượt mức, trong đó 5-6 triệu ca tử vong do Covid được báo cáo; hàng chục triệu ca rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở giới trẻ; thiệt hại kinh tế và kinh doanh lâu dài, bao gồm nợ chính phủ và tư nhân tăng vọt; và tổn thất 6 nghìn tỉ USD thu nhập của người lao động trên toàn thế giới.

Các nghiên cứu từ Bắc Mỹ cho thấy tỷ lệ tử vong gia tăng chủ yếu là do tăng huyết áp và bệnh tim, tiểu đường, dùng thuốc quá liều, bệnh Alzheimer và tử vong do tai nạn. Từ đó, dễ nhận thấy tỷ lệ tử vong không phải do mắc Covid được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới đối với nhiều tình trạng bệnh, bao gồm cả sự gia tăng dự đoán về bệnh tim mạch và ung thư.

Suy giảm sức khỏe tâm thần

Các quy tắc về đại dịch đã góp phần làm gia tăng sự kỳ thị, một phần do các câu chuyện được thêu dệt trên phương tiện truyền thông nhằm làm gia tăng nỗi sợ hãi và sự tuân thủ của xã hội đối với các quy tắc được đặt ra.

Theo báo cáo, đại dịch đã làm gia tăng tần suất sử dụng phương tiện truyền thông của công chúng. Cụ thể, mức tiêu thụ tin tức toàn cầu đã tăng vọt vào năm 2020, chủ yếu là tin tức truyền hình (bao gồm cả các cuộc họp báo trực tiếp), mạng xã hội và tin tức trên internet. Điều này đã thách thức các tiêu chuẩn báo chí và làm trầm trọng thêm các mối đe dọa đối với quyền tự do truyền thông.

Việc gia tăng sử dụng phương tiện truyền thông cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm sức khỏe tâm thần. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các tin tức từ các nguồn chính trị chiếm đa số trong việc đưa tin về khủng hoảng đại dịch, điều này cho thấy tầm ảnh hưởng trung tâm của nhà nước và các chuyên gia y sinh trong việc xây dựng tin tức về đại dịch.

Nhiều bài học được rút ra

Dữ liệu về tác hại của COVID-19 sẽ thúc đẩy sự nhận thức về tính phức tạp của các thử nghiệm chính sách quy mô lớn, như chính sách giãn cách xã hội và quản lý đời sống xã hội của chính phủ.

Đầu tháng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức hạ cấp đại dịch COVID-19, cho rằng nó không còn đủ điều kiện để xét vào diện tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Vài ngày sau, WHO cũng tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu của bệnh thủy đậu.

32373LD-highres-7334-168318342-1295-8405-1683296099.jpeg
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị về vaccine Covid-19 ở Brussels, Bỉ hồi tháng 2 (Ảnh: AFP)

Tuy nhiên, chỉ trong tuần này, tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã cảnh báo thế giới phải chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo – đại dịch mà ông nhận xét là “thậm chí còn nguy hiểm hơn”. Đại dịch này được dự đoán khả năng cao đến từ “Bệnh X” đáng sợ - mã ký hiệu của WHO cho một căn bệnh gây ra bởi một loại vi trùng chưa từng được biết đến, thậm chí còn chưa được khám phá.

Theo News.com.au