Tỷ lệ tiêm vaccine suy giảm: Cứ 4 phút lại có 1 người chết vì COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một trong những câu hỏi quan trọng nhất thời hậu đại dịch là làm thế nào để đối phó một loại virus dù đã trở nên ít đe dọa hơn đối với hầu hết mọi người nhưng vẫn cực kỳ nguy hiểm đối với một bộ phận dân cư.

Dịch Covid-19 kéo dài âm ỉ tiềm ẩn những hậu hoạ khôn lường nào?
Dịch Covid-19 kéo dài âm ỉ tiềm ẩn những hậu hoạ khôn lường nào?

Sau hơn ba năm, tình trạng khẩn cấp toàn cầu của đại dịch Covid-19 đã chính thức kết thúc. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch vẫn còn dư âm tới thời điểm hiện tại khi cứ mỗi 4 phút lại có 1 ca tử vong vì Covid-19, theo Bloomberg. Điều này làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về cách ứng phó với virus, gây rủi ro cho nhóm người dễ bị tổn thương và các quốc gia thiếu vaccine.

Đây là một vấn đề cấp bách nhưng không nhận được sự quan tâm đúng mực. Ở Mỹ, Covid-19 là căn bệnh gây chết người lớn thứ ba chỉ sau bệnh tim và ung thư. Tuy nhiên, không giống như các căn bệnh gây tử vong phổ biến có thể được hạn chế nhờ các bộ luật an toàn (như hút thuốc và tai nạn giao thông), với Covid-19, các chính trị gia gần như không thúc đẩy các biện pháp để giảm thiểu tác hại, chẳng hạn như tiêm chủng hay bắt buộc hoặc đeo khẩu trang trong không gian kín.

Ông Ziyad Al-Aly, giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Lâm sàng tại Trung tâm chăm sóc sức khoẻ Cựu chiến binh St. Louis thuộc bang Missouri (Mỹ), cho biết: “Covid-19 vẫn lây lan và giết chết rất nhiều người. Chúng tôi hiện đã có một số phương tiện để giảm bớt gánh nặng đó”.

Đầu tháng này, trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp, hầu hết chính phủ các nước đã chủ động nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Sau khi chi tiêu mạnh tay trong các giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã giảm đáng kể những nỗ lực chống dịch và miễn cưỡng duy trì các biện pháp phòng ngừa.

Trong khi đó, con số 20 triệu ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng lên, khiến người già và nhóm người có bệnh nền phải phó mặc sự sống cho may rủi, bởi hầu hết người dân có khả năng tiếp cận thuốc men không đồng đều và ít được bảo vệ khỏi việc lây nhiễm nếu họ không đeo khẩu trang hoặc không được tiêm vaccine định kỳ.

Tại sao các chính phủ không có kế hoạch dài hạn?

Hiện nay thế giới vẫn chưa có một kế hoạch quy mô toàn cầu và dài hạn để bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương do Covid-19 và ngăn chặn sự bùng phát trở lại của nó. Điều này một phần là do khó tạo ra sự đồng thuận xung quanh vấn đề đại dịch khi ngay từ đầu, các diễn ngôn chính trị phân cực đã làm lu mờ những chỉ dẫn cần thiết về việc chấp hành đeo khẩu trang và tiêm chủng.

_111493640_gettyimages-1208566005.jpeg
Chính phủ các nước dường như khá thờ ơ trong việc thực hiện một kế hoạch dài hạn toàn cầu để bảo vệ những người dễ bị tổn thương do Covid-19 và ngăn chặn sự bùng phát trở lại (Nguồn: BBC)

Ngay cả ở các nước phát triển, nơi vaccine được sản xuất đại trà trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người từ chối tiêm vaccine. Nhiều nghiên cứu cho thấy thực trạng từ chối tiêm chủng đã dẫn đến hơn 300.000 ca tử vong ở Mỹ. Đỉnh điểm là trong suốt thời kỳ tâm dịch năm 2021, cứ 2 ca bệnh thì có 1 ca tử vong do Covid-19. Các nghiên cứu cũng cho thấy khoảng nửa triệu người trên thế giới có thể đã được cứu sống nếu sử dụng vaccine.

“Chúng ta biết rằng việc chính trị hóa sức khỏe cộng đồng là một trong những thảm kịch của đại dịch”, ông Al-Aly nói.

Sự phối hợp toàn cầu cũng bị cản trở ít nhiều bởi chính trị. Việc Trung Quốc từ chối cho phép các nhóm điều tra nguồn gốc đại dịch do WHO dẫn đầu tiếp cận khu chợ truyền thống tại Vũ Hán, nơi bị nghi là nguồn bệnh, đã làm tăng thêm căng thẳng ngoại giao và sự ngờ vực giữa Trung Quốc và thế giới.

Ông Linfa Wang, nhà virus học và là giám đốc chương trình bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Y Duke-NUS ở Singapore cho biết, ngày nay các đại diện của Trung Quốc không tham gia nhiều vào nỗ lực chuẩn bị toàn cầu cho đại dịch nữa.

“Điều đó đang cản trở đáng kể sự hợp tác mang tính học thuật giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu hai siêu cường này không hợp tác thì làm sao có thể yêu cầu thế giới chuẩn bị sẵn sàng cho dịch bệnh tiếp theo?”, ông Wang nói.

Tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ dần cũng khiến cho đầu tư vào vaccine Covid-19 và phương pháp điều trị giảm đi. Trong khi các công ty sản xuất vaccine bao gồm Moderna Inc. và Pfizer Inc. vẫn đang liên tục nâng cấp các sản phẩm của họ, cố gắng làm cho chúng dễ sản xuất và lưu trữ hơn, thì nhiều phương pháp khác đã bị hủy bỏ.

Tại Mỹ, các chuyên gia dự kiến sẽ họp vào tháng 6 để tư vấn về các chủng virus mà vaccine nên nhắm tới trong nửa cuối năm. Những loại vaccine này sẽ được tung ra thị trường vào mùa Thu năm nay, với chỉ 100 triệu liều được dự kiến ​​​​ở Mỹ, theo ước tính của Moderna – ít hơn nhiều so với những năm trước.

Hậu quả khôn lường khi không ngăn ngừa triệt để

Dịch Covid-19 kéo dài ước tính ảnh hưởng đến khoảng 10% số người nhiễm bệnh. Đây được coi là một trong những thách thức y tế lớn nhất giai đoạn hậu đại dịch.

Tại Mỹ, Covid-19 ước tính gây thiệt hại khoảng 50 tỉ USD mỗi năm do tiền lương bị sụt giảm vào cuối năm 2022. Tại Vương quốc Anh, Viện Nghiên cứu Tài chính năm ngoái ước tính khoảng 1/10 người mắc Covid-19 đã phải ngừng làm việc bởi mang các triệu chứng như sương mù não, khó thở và mệt mỏi.

Căn bệnh này đặc biệt đáng sợ đối với những người có nguy cơ tái lây nhiễm cao do phải quay lại làm việc ở nơi công cộng, ít người khẩu trang và luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm vô hình. Ngoài chốn công sở, các sự kiện xã hội, như một đám cưới gia đình nhỏ hay thậm chí một chuyến bay, cũng có thể biến thành một sự kiện lây nhiễm thảm hoạ.

Chúng ta nên làm gì?

Điều may mắn nhất ở thời điểm hiện tại là thế giới đã có vaccine và các phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Phương pháp xét nghiệm có thể nhanh chóng phát hiện ra trường hợp bị nhiễm chỉ trong vài phút, bởi vậy các đợt bùng phát mới có thể nhanh chóng được phát hiện và được xử lý kịp thời.

Các chuyên gia y tế cho biết tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ chống lại thứ virus quái ác này. Theo Pfizer Inc., chỉ có khoảng 16% người Mỹ được tiêm nhắc lại vaccine hóa trị lần hai, so với gần 70% được tiêm vaccine trong đợt tiêm chủng đầu tiên. Chi phí cho vaccine tự túc tăng lên và sự cạn kiệt của vaccine có thể khiến tỷ lệ hấp thụ giảm hơn nữa. Về lâu dài, người ta vẫn hy vọng rằng những mũi tiêm hoặc các loại thuốc xịt mũi cải tiến mới sẽ mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn.

covid-vaccine-web-824x549_8133229.jpeg
Tiêm chủng là cách tốt nhất để bảo vệ chống lại virus Covid-19 (Nguồn: Reuters)

Ngoài ra, nhiều cải tiến khác - từ hệ thống thông gió, kiểm tra chất lượng không khí, đến việc nâng cấp các loại khẩu trang tốt hơn - cũng có thể trở nên hữu ích. Các chuyên gia cho biết các nước cần đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống giám sát để có thể phát hiện sớm các mối đe dọa.

Mỹ cũng đang có kế hoạch chi 5 tỉ USD cho một dự án mới nhằm phát triển vaccine tiên tiến, cải tiến phương pháp điều trị Covid-19 cùng với các hãng dược phẩm. Mục tiêu là chuẩn bị sẵn nguồn dự trữ thuốc dồi dào để chuẩn bị sẵn trong trường hợp virus đột biến.

Theo Bloomberg