Chính sách thân Trung Quốc thất bại, ông Duterte sẽ quay trở lại với Mỹ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với việc Philippines tuyên bố tiếp tục thực thi Thỏa thuận VFA và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin sắp thăm Manila, các nhà quan sát cho rằng chính quyền Duterte đã từ bỏ Bắc Kinh để quay trở lại với Washington.
Giới nghiên cứu cho rằng sau khi thất bại trong chính sách thân Trung Quốc , ông Duterte đang quay lại với Mỹ (Ảnh: AP).
Giới nghiên cứu cho rằng sau khi thất bại trong chính sách thân Trung Quốc , ông Duterte đang quay lại với Mỹ (Ảnh: AP).

Philippines mới đây tuyên bố sẽ không chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" (VFA) đã ký với Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sắp đến thăm cũng tuyên bố “Mỹ là đối tác đáng tin cậy cho các đồng minh để chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc”. Các chuyên gia cho rằng mặc dù Tổng thống Philippines Duterte liên tục bày tỏ thiện chí với Bắc Kinh nhưng vẫn không được công nhận; thêm vào đó, tranh chấp giữa hai nước về các bãi đá ngầm ở Biển Đông gia tăng và Duterte tới đây sẽ quay trở lại dựa vào Mỹ.

Ông Renato Cruz De Castro, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De ​​La Salle ở Philippines, khi phát biểu tại Hội thảo về mối quan hệ Trung Quốc-Philippines và chiến lược của Mỹ tại Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn ở Mỹ, cho rằng Philippines từ lâu nay đã là đồng minh của Mỹ, nhưng sau năm 2001, chính phủ của Tổng thống Arroyo bắt đầu chuyển hướng sang quan hệ kiểu tam giác với Mỹ và Trung Quốc “We must walk on two legs” (Chúng ta cần phải đi bằng hai chân). Sau đó, Tổng thống Aquino lên nắm quyền, là một người theo chính sách thân Mỹ. chống Trung Quốc. Nhưng từ sau khi Tổng thống Duterte nhậm chức vào năm 2016, ông đã áp dụng “Appeasemnt Policy” (Chính sách xoa dịu) chưa từng có đối với Trung Quốc.

Trong nhiệm kì của mình, ông Duterte đã nhiều lần tới thăm và theo đuổi "chính sách xoa dịu" với Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Trong nhiệm kì của mình, ông Duterte đã nhiều lần tới thăm và theo đuổi "chính sách xoa dịu" với Trung Quốc (Ảnh: Tân Hoa xã).

Thất vọng với Trung Quốc

Nhà nghiên cứu cấp cao Derek Grossman của Tập đoàn Rand (Rand Corporation) cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của ông Duterte sau khi nhậm chức được tóm tắt là “Tạm biệt Washington, chào Bắc Kinh!” Mục đích là thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc và mong muốn Trung Quốc thay đổi các hành vi cứng rắn ở Biển Đông. Nhưng ông Husain Haqqani, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hudson và là cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ, cho rằng ông Duterte đặt cược nhưng đã thua.

Ông Derek Grossman nói rằng, trong nhiệm kỳ của mình ông Duterte đã đến thăm Trung Quốc nhiều lần và tích cực tham gia diễn đàn "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc nhưng đến nay ông vẫn chẳng đạt được gì. Ông hy vọng gác lại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc để cùng nhau thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, nhưng điều đó đã không xảy ra. Tất cả những điều này đều không thể xảy ra trước khi nhiệm kỳ của ông Duterte kết thúc vào tháng 6 năm sau. Trái lại, các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không ngừng tăng thêm.

Vào tháng 4/2019, chính phủ Philippines đã đệ đơn phản đối ngoại giao với Trung Quốc vì có tới 275 tàu đánh cá của Trung Quốc được phát hiện ở gần đảo Pergaca (tức đảo Thị Tứ) mà Philippines đang quản lý trên Biển Đông. Tháng 6 cùng năm, một tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cá của Philippines, điều này một lần nữa gây ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Philippines, cho rằng Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu ​​cá của họ và làm ngơ khi ngư dân Philippines bị rơi xuống biển. Lần gần đây nhất là vào tháng 3 năm nay, khi hơn 200 tàu Trung Quốc dừng lại ở bãi đá ngầm Whitson (tức Ba Đầu) trên Biển Đông. CNN đưa tin, các chuyên gia cho rằng những con tàu sơn xanh này là của dân quân biển Trung Quốc, được PLA tài trợ và là một phần quan trọng trong việc khống chế Biển Đông của Trung Quốc. Bắc Kinh bác bỏ, nói rằng các tàu này chỉ trú gió bão tại đó.

Việc Trung Quốc đưa nhiều tàu dân quân biển tới neo đậu tại các khu vực tranh chấp khiến quan hệ Trung Quốc - Philippines ngày thêm căng thẳng (Ảnh: AP).

Việc Trung Quốc đưa nhiều tàu dân quân biển tới neo đậu tại các khu vực tranh chấp khiến quan hệ Trung Quốc - Philippines ngày thêm căng thẳng (Ảnh: AP).

Ông Castro cho biết sau sự kiện đó năm nay, Hải quân, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Bộ Ngoại giao Philippines đều đã nâng cấp các hoạt động quốc phòng của họ, nhưng Tổng thống Duterte vẫn im hơi lặng tiếng. "Ông ấy đã không xuất hiện cho đến khoảng tháng 4, tuyên bố rằng ông ủng hộ Bộ trưởng Quốc phòng của mình. Nhưng vài ngày sau, thái độ của Duterte thay đổi, chỉ trích hành động của Bộ Quốc phòng Philippines có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn với Trung Quốc, rất nguy hiểm. Bộ trưởng Quốc phòng khi đó đã đề xuất tìm kiếm sự trợ giúp của Mỹ và đã bị Duterte phủ quyết, nói rằng nó sẽ gây ra một cuộc chiến tranh và quyết định "chính sách xoa dịu mới là ưu tiên hàng đầu", Castro nói.

Tuy nhiên, ông Husain Haqqani thuộc Viện Hudson cho rằng với tham vọng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, khả năng ông Duterte nhận được sự ủng hộ từ Bắc Kinh là rất nhỏ, thêm vào đó là sức ép của cuộc bầu cử ở Philippines vào năm tới, ông Duterte đang chuyển hướng quay sang Mỹ.

Ông Husain Haqqani , nghiên cứu viên thuộc Viện Hudson: ông Duterte đặt cược vào Trung Quốc nhưng đã thua (Ảnh: VOA).

Ông Husain Haqqani , nghiên cứu viên thuộc Viện Hudson: ông Duterte đặt cược vào Trung Quốc nhưng đã thua (Ảnh: VOA).

Quay trở lại liên minh với Washington

Trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông trong chiến dịch tranh cử năm 2015, ông Duterte tuyên bố rằng ông là một người "cánh tả thực sự". Khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã thể hiện rõ thái độ chống Mỹ, ông công khai chỉ trích chủ nghĩa thực dân Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Vào tháng 9/2016, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines khi đó là Perfecto Yasay khi phát biểu tại Washington đã kêu gọi Mỹ nên đối xử với Philippines bình đẳng chứ không nên coi họ là "những chú em da nâu".

Thế giới quan chống thực dân và chống Mỹ của ông Duterte đã sớm được phản ánh trong “chính sách đối ngoại độc lập” trong nhiệm kỳ của ông, đó là giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và đa dạng hóa các mối quan hệ tiềm năng, bao gồm Trung Quốc. Vào tháng 2 năm ngoái, ông Duterte tuyên bố sẽ chấm dứt "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" (VFA), một hiệp định quân sự quan trọng được ký với Mỹ vào năm 1998, cho phép quân đội Mỹ tiến hành huấn luyện và tập trận ở Philippines.

Bất chấp việc ông Duterte liên tục yêu cầu chấm dứt VFA, chính phủ Philippines đã ba lần hoãn việc hủy bỏ thỏa thuận này. Vào ngày 21/7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố công khai rằng "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" sẽ không bị chấm dứt, mà chỉ bổ sung một số phụ lục để tiếp tục thực hiện thỏa thuận.

Thái độ của ông Duterte đối với Hoa Kỳ cũng đã thay đổi 180 độ kể từ giữa năm ngoái. Ông Grossman chỉ ra rằng vào tháng 7 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Philippines dưới sự lãnh đạo của ông Duterte đã lần đầu tiên công khai thừa nhận trọng tài quốc tế năm 2016 có lợi cho Manila. Vào tháng 9 năm ngoái, tổng thống Duterte, người đã "nhiệt tình nói về Bắc Kinh và có thái độ tiêu cực với Washington nửa năm trước, đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nói rằng phán quyết của Tòa trọng tài là một thực tế và không thể bị phủ nhận, Philippines sẽ tiếp tục ủng hộ phán quyết này. Đây là điều chưa từng có".

Nhà nghiên cứu cấp cao Derek Grossman của Tập đoàn Rand : Philippines hiện không có ai để dựa, ngoại trừ Mỹ (Ảnh: Rand Co,).

Nhà nghiên cứu cấp cao Derek Grossman của Tập đoàn Rand : Philippines hiện không có ai để dựa, ngoại trừ Mỹ (Ảnh: Rand Co,).

Ông Grossman cho rằng sự thay đổi thái độ của ông Duterte đối với Mỹ chứng tỏ rằng "Philippines không có ai để dựa vào ngoại trừ Mỹ, bởi vì Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa sống còn đối với Philippines".

Nhà nghiên cứu cấp cao Patrick M. Cronin, chủ tịch Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson, cho rằng sự thay đổi chính sách đối ngoại có vẻ quan trọng này thực ra là chiến lược của ông Duterte. Ba lần đình chỉ việc hủy bỏ VFA cho thấy ông Duterte không muốn xé bỏ thỏa thuận, nhưng đe dọa Mỹ bằng cách chấm dứt thỏa thuận. Cronin nói rằng “Duterte thích chơi trò chơi chính trị này, nhưng ông ta thực sự là một tổng thống vịt què, bởi vì sự ủng hộ của liên minh Mỹ - Philippines trong quân đội và toàn bộ xã hội Philippines chưa bao giờ mạnh mẽ như vậy từ sau Chiến tranh Lạnh”.

Đây cũng là mục đích chính chuyến thăm Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới đây, nhằm "củng cố tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Philippines", Cronin nói.

Ông Austin sẽ nói về điều gì trong chuyến thăm Philippines?

Ông Lloyd Austin đã bắt đầu chuyến thăm Đông Nam Á từ ngày 23/7. Ông sẽ đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Hành trình này là một chuyến đi vòng quanh Biển Đông.

Nhà nghiên cứu cấp cao Patrick M. Cronin, chủ tịch Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson (Ảnh: VOA).

Nhà nghiên cứu cấp cao Patrick M. Cronin, chủ tịch Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Viện Hudson (Ảnh: VOA).

Patrick Cronin cho biết đây là một phần trong chính sách của chính quyền Joe Biden nhằm hồi sinh liên minh.

Ông Cronin nói rằng ông Austin sẽ đưa ra một tuyên bố rõ ràng tại Singapore vào thứ Hai, cho thấy Mỹ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài La Hay và làm rõ những chủ trương của Mỹ. Cronin chỉ ra rằng mặc dù Austin sẽ không đưa ra tuyên bố cụ thể về chủ quyền của bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham đang tranh chấp với Philippines), nhưng ông muốn chứng minh rằng chính quyền Joe Biden sẽ hoàn toàn ủng hộ Philippines cùng chủ quyền và quốc phòng của họ.

Ông Cronin nói: “Ông Austin cũng sẽ nói về nguồn cung ngắn hạn của loại vắc-xin COVID-19 và Tổng thống Duterte đã nhiều lần tuyên bố rằng họ thực sự muốn có vắc-xin ... Đối với các mục tiêu trung và dài hạn, họ cũng nên thảo luận về hợp tác cơ sở hạ tầng. .. và việc bán vũ khí. Philippines gần đây đã thể hiện sự quan tâm đến máy bay chiến đấu F16, v.v.".

Ông Hussain Haqqani cho rằng, đối mặt với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, chiến lược của Mỹ trước hết là dựa trên việc củng cố liên minh bốn nước (QUAD), một bộ phận hợp thành quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tiếp đó, tập trung vào việc hồi sinh mối quan hệ lâu đời của Mỹ ở Đông Nam Á. Ví dụ, xây dựng lại quan hệ với Philippines, nước từng là đồng minh thân thiết trong quá khứ và xây dựng lại "Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng" cho phép các lực lượng Mỹ hoạt động tại Philippines. Tương tự, liên minh có thể được nâng cấp, nhưng phải làm cho các nước khác ở Đông Nam Á cũng có những hành động tương tự.

Cựu trợ lý Ngoại trưởng phụ trách châu Á và Thái Bình Dương, David R. Stilwell, cho biết tại một hội thảo tuần này rằng chính quyền Obama đã có lập trường kiên định để xoay chuyển thương mại của Philippines giúp họ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tiếp đó là phán quyết của Tòa trọng tài La Hay khiến có người ở Washington bỏ qua và để Philippines “ngả nghiêng trước gió”.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ đánh dấu dự hợp tác chặt chẽ trở lại quan hệ quân sự Mỹ - Philippines? (Ảnh: AP).

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ đánh dấu dự hợp tác chặt chẽ trở lại quan hệ quân sự Mỹ - Philippines? (Ảnh: AP).

Hạ nghị sĩ Rick Larsen, một thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện và đồng chủ tịch "Nhóm công tác Mỹ - Trung Quốc" của Hạ viện, gần đây đã tuyên bố trong một cuộc thảo luận tại Viện Hudson rằng Mỹ đang làm được rất nhiều việc với các đồng minh của mình ở Biển Đông. Trong mấyg năm qua, tàu chiến Mỹ đã 21 lần đi xuyên qua eo biển Đài Loan, tiếp tục cho thế giới thấy, không chỉ với Trung Quốc, các vùng biển quốc tế được tự do di chuyển, gửi đi tín hiệu để răn đe Trung Quốc”.

Ông Patrick Cronin ở Viện Hudson đã thăm dò về khả năng xây dựng lại một mạng lưới thương mại đa phương, rộng lớn hơn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển thành đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia, trong khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và thiếu các chính sách quan hệ thương mại quốc tế.

Ông Cronin trích dẫn một cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Pew, chỉ ra rằng hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đã mất nhiều niềm tin vào Trung Quốc, mà đặt nhiều niềm tin vào Mỹ. Mỹ có thể cần xem xét xây dựng lại các quan hệ thương mại đa phương và quay trở lại cuộc chơi để đối trọng với tham vọng phát triển nhanh chóng của Trung Quốc.