Hàng triệu hộ chăn nuôi có thể bị xóa sổ?

Nếu không sớm đưa ra một mô hình chăn nuôi hiệu quả, giảm được chi phí, giá thành, thì khoảng 4 triệu hộ chăn nuôi heo, 7,9 triệu hộ chăn nuôi vịt, 2,5 triệu hộ chăn nuôi bò có nguy cơ xóa sổ vì không cạnh tranh được với thịt nhập khẩu.
Heo được nuôi ở một trang trại ở Đồng Nai.
Heo được nuôi ở một trang trại ở Đồng Nai.

Hội thảo Phát triển chăn nuôi bền vững, chủ động hội nhập cộng đồng ASEAN và TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương) do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Hội chăn nuôi Việt Nam (AHAV) tổ chức tại TPHCM ngày 22-6 có hơn 100 đại biểu tham dự để cùng bàn luận, đưa ra những gợi ý chính sách cho ngành chăn nuôi trong thời buổi hội nhập.

Theo quan sát của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tại đây các đại biểu có xu hướng phân chia làm hai phía mà thoạt nghe là đối nghịch nhau. Một phía cho rằng, một khi đã tham gia những sân chơi như TPP, thì một điều không tránh khỏi là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có năng suất thấp, giá thành cao phải bị xóa sổ. Còn một số khác lại cho rằng, Chính phủ phải có chính sách nào đó để hỗ trợ những hộ chăn nuôi nhỏ vì không thể một lúc mà xóa sổ mấy chục triệu hộ chăn nuôi nhỏ hiện nay.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu một khi TPP được ký kết, ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ông Thiên ví von, khác với khi Việt Nam tham gia vào  Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nơi có những chính sách mà Việt Nam có thể tránh được do quy định theo nhóm, với TPP nếu Việt Nam không chuẩn bị trước thì sẽ bị "dính đòn" vì lúc này ngành chăn nuôi phải ở trong cuộc đấu tay đôi với các nước thành viên khác.

Một viện trưởng khác là ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đồng ý quan điểm như vậy. Ông Thành cho biết, chậm nhất vào cuối năm nay hoặc sang đầu năm 206, 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ ký kết hiệp định này. Vì thế, ông Thành đồng ý là phải giảm đi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhường sân cho những trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn.

Ở một phía ngược lại, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam lại chưa đồng tình với quan điểm này. “Chúng ta có hơn 4 triệu hộ chăn nuôi heo, 7,9 hộ chăn nuôi gà, 2,5 triệu chăn nuôi bò, 3 triệu hộ chăn nuôi vịt nên không thể muốn bỏ là bỏ được vì còn liên quan đến đời sống của hàng triệu hộ dân này, vốn tập trung ở những khu vực nông thôn, kinh tế khó khăn”, ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, người chăn nuôi vẫn biết TPP bắt buộc Việt Nam phải thay đổi mô hình cho phù hợp, trong đó bài toàn giảm giá thành là điều bắt buộc không thể tránh khỏi. “Khi nói đến TPP, các chuyên gia trong ngành thường nói đến khái niệm ngành chăn nuôi phải sản xuất theo chuỗi nhưng không ai chỉ ra sản xuất theo chuỗi là sản xuất như thế nào cho phù hợp với đặc điểm ngành chăn nuôi nước ta hiện nay. Nói thì rất dễ nhưng làm sao để hiệu quả mới khó”, ông Lịch nói.

Là người đưa ra gợi ý, ngành chăn nuôi phải sản xuất theo chuỗi, song ông Thiên, trong bài phát biểu của mình cũng thừa nhận mình chỉ có thể nói những vấn đề tổng thế một khi Việt Nam đã trở thành một thành viên của TPP nhưng lại chưa thể đưa ra một ý kiến cụ thể cho ngành chăn nuôi phải làm gì để thích nghi với sân chơi hội nhập.

Theo TBKTSG