Khi chữ ký của Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn Đạo luật H.R.3364 cấm vận Nga, Triều Tiên và Iran vừa mới ráo mực, Washington lại đề xuất Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) dự thảo Nghị quyết số 2371 cấm vận Triều Tiên và điều hoàn toàn bất ngờ đã xảy ra: cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ nghị quyết này, còn chủ nhân Nhà Trắng thì mừng ra mặt và có lời cảm ơn Matxcơva và Bắc Kinh đã không sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ văn kiện ấy.
Như “tiếng sấm giữa ban ngày”
Việc Triều Tiên bất chấp các lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng như của Mỹ để liên tục thử tên lửa đường đạn đã trở thành “chuyện cơm bữa”. Tính đến nay, HĐBA LHQ đã 6 lần thông qua nghị quyết cấm vận Triều Tiên và lần gần đây nhất là Nghị quyết số 2356 ngày 2/6/2017 đều nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Đặc biệt, ngày 2/8/2017 cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật H.R.3364 trong đó có nội dung cấm vận gắt gao nhất đối với Triều Tiên.
Có vẻ cấm vận như thế vẫn chưa đủ và ngày 5/8/2017 Mỹ lại đề xuất lên HĐBA LHQ bản dự thảo Nghị quyết số 2371 tiếp tục cấm vận Triều Tiên với lý do “trừng phạt Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa” mà Washington cho là liên lục địa trong tháng 7/2017. Hành động này của Mỹ được ví như “tiếng sấm giữa ban ngày” bởi không ai có thể nghĩ rằng Mỹ lại có thể liên tục “bắn phá” Triều Tiên bằng “loạt đạn liên thanh” cấm vận như thế!
Nhưng điều khiến dư luận và giới phân tích ngạc nhiên và bị bất ngờ hơn là cả Nga-quốc gia vừa bị Mỹ giáng đòn cấm vận bằng Đạo luật H.R.3364, đã cùng với Trung Quốc ủng hộ bản dự thảo Nghị quyết 2371 và vì thế HĐBA LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết này với số phiếu thuận tuyệt đối là 15/15.
Ngay sau sự kiện này, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Sanders, ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump này tỏ lời cảm ơn Nga và Trung Quốc đã hợp tác với Mỹ để Nghị quyết 2371 của HĐBA LHQ cấm vận Triều Tiên được thông qua trót lọt.
Nghị quyết 2371 do Mỹ đề xuất có gì mới?
Trước hết cần nhận thấy Nghị quyết 2371 có gì mới so với những nghị quyết trừng phạt trước đây của HĐBA LHQ cấm vận Triều Tiên. Xem xét và so sánh các nghị quyết này, có thể thấy Nghị quyết 2371 có mấy điểm đáng chú ý.
(1) Mức độ cấm vận gắt gao hơn, gây thiệt hại lớn hơn. Nếu các biện pháp cấm vận trước chi gây thiệt hại tới hàng trăm triệu USD thì lần này mức độ thiệt hại lên tới trên 1 tỷ USD trong tổng số 3 tỷ xuất khẩu của Triều Tiên.
(2) Trong khi các nghị quyết trước đây không cấm xuất khẩu than phục vụ các mục tiêu đời sống dân sinh thì Nghị quyết 2371 cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu than của Triều Tiên.
(3) Nghị quyết 2371 bổ sung thêm 4 khoáng sản của Triều Tiên vào danh mục các mặt hàng cấm xuất khẩu, gồm đồng, niken, bạc và kẽm.
(4) Cấm Triều Tiên tăng số lượng người xuất khẩu lao động so với con số hiện nay.
(5) Liệt 11 quan chức và 10 thực thể của Triều Tiên, trong đó có Đại sứ Triều Tiên tại Ai Cập Pak Chun-il và cựu Đại sứ Triều Tiên tại Myanmar Kim Sok-choi vào “danh sách đen” do có liên quan tới các hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
(6) Cảnh báo hạn chế các quyền lợi của Triều Tiên với tư cách là một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.
(7) Cấm thành lập liên doanh mới hoặc đầu tư thêm vào các dự án hiện hữu tại Triều Tiên.
(8) Kêu gọi các quốc gia có liên quan nối lại các cuộc đàm phán 6 bên, nhấn mạnh việc sử dụng biện pháp ngoại giao và chính trị giải quyết hòa bình “hồ sơ” hạt nhân Triều Tiên và cần tránh các hành động có thể khiến tình hình ngày càng leo thang căng thẳng.
Do đâu cả Nga và Trung Quốc đều ủng hộ?
Nga và Trung Quốc đều ủng hộ Nghị quyết 2371 xuất phát từ nhiều lý do, có thể là lý do của Nga được Trung Quốc chấp nhận, hoặc lý do của Trung Quốc được Nga ủng hộ, và cũng có thể cả hai nước đều có chung một lý do. Nhìn chung có mấy lý do sau.
Một là, cả Nga và Trung Quốc nhận thấy trong điều kiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã “căng như dây đàn” sau khi Quốc hội Mỹ thông quan Đạo luật H.R.3364, trong đó có nội dung cấm vận Triều Tiên, không nên tiếp tục đối đầu với Mỹ tại HĐBA LHQ vì sẽ khiến tình hình tiếp tục căng thẳng thêm, có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Hai là, tuy phía Mỹ đánh giá rằng Nghị quyết 2371 của HĐBA LHQ là biện pháp cấm vận “gắt gao nhất từ trước tới nay” nhưng nhìn chung không nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế Triều Tiên, trong đó đáng lưu ý nhất là không cấm hoạt động cung cấp dầu và sản phẩm dầu sang Triều Tiên.
Ba là, Nghị quyết 2371 không ảnh hưởng nhiều lắm tới hoạt động thương mại song phương Trung Quốc-Triều Tiên cũng như Nga-Triều Tiên, trong đó không cấm hoàn toàn các nước sử dụng lao động người Triều Tiên mà hiện đang có khá đông đảo ở Nga mà chỉ hạn chế ở mức như hiện nay.
Bốn là, Nghị quyết 2371 không đưa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào “danh sách đen”. Nếu Mỹ vẫn đưa ông Jong-un vào danh sách này thì chắc hẳn Trung Quốc và Nga sẽ phủ quyết.
Năm là, Nghị quyết 2371 vẫn chủ trương nối lại các cuộc đàm phán 6 bên để quyết hòa bình “hồ sơ” hạt nhân Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao và chính trị. Từ trước tới nay, Trung Quốc và Nga đều khẳng định rằng đối thoại mới là chính sách giải quyết tận gốc để thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên tham gia vào các cuộc đối thoại. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố sẽ cùng với Nga và Trung Quốc đảm bảo rằng chủ trương đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Sáu là, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bị Quốc hội Mỹ dồn vào thế bí, buộc ông phải ký phê duyệt Đạo luật H.R.3364 có tác dụng vô hiệu hóa một số quyền hành pháp rất quan trọng của chủ nhân Nhà Trắng, ông Donald Trump rất cần có một thắng lợi ngoại giao nào đó để thể hiện rằng mình vẫn có quyền lực độc lập trong chính sách đối ngoại.
Dường như “cảm thông” với Tổng thống Mỹ Donald Trump bị dồn vào thế bí bách này, cả Nga và Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết 2371 để đem lại cho nhà lãnh đạo Mỹ một thắng lợi ngoại giao. Chính vì vậy mà Tổng thống Donald Trump đã ngay lập tức bày tỏ sự cảm ơn đối với Nga và Trung Quốc đã không sử dụng quyền của họ để phủ quyết Nghị quyết 2371 [1].
Tuy nhiên, tư duy chính trị thông thường của Nga và Trung Quốc chẳng “ăn nhằm” gì với logic “khác thường” của ông Donald Trump. Ngay sau khi Nghị quyết 2371 được thông qua, Tổng thống Donald Trump đã có hành động khác thường với tuyên bố đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với "sức nóng của lửa và cơn thịnh nộ" nếu họ tiếp tục có những hành động leo thang liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này. Đồng thời, ông Donald Trump còn tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho Chính quyền Kiev “để ngăn chặn hành động xâm lược của Nga” ở Miền Đông Ukraine. Trong khi Matxcơva chưa có bình luận gì, thì Bình Nhưỡng đã có hành động đáp trả và cho biết đang nghiên cứu kế hoạch tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu của Mỹ ở Guam, phần lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương [2,3].
Vậy nên, thế giới sẽ phải sẵn sàng đối mặt với tư duy “vốn đã không bình thường” từ trước tới nay của Bình Nhưỡng đang đối đầu với logic cũng “không bình thường” từ chủ nhân mới của Nhà Trắng ở Washington. Nghĩa là, thế giới sẽ phải sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra./.
***
Tài liệu trích dẫn:
[1] Россия и Китай пoддержали МОР КНДР. http://maxpark.com/community/13/content/5947142
[2] Россия и Китай ошиблись, поддержав мор Северной Кореи.
http://kolokolrussia.ru/geopolitika/rossiya-i-kitay-oshiblis-podderjav-mor-severnoy-korei#&hcq=Z503Trq
[3] Trump promises North Korea 'fire and fury' over nuke threat. http://edition.cnn.com/2017/08/08/politics/north-korea-missile-ready-nuclear-weapons/index.html