Ngày 20/6, Hàn Quốc đã lên án việc Triều Tiên đe dọa thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân vào nhiều căn cứ quân sự của Mỹ trên đất Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh điều này cho thấy rõ ràng đề nghị đối thoại gần đây của Bình Nhưỡng chỉ là một sáng kiến hòa bình giả tạo.
Trước đó, Ủy ban quốc phòng của Triều Tiên tuyên bố rằng quân đội nước này từ lâu đã đặt các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc vào tầm ngắm của các cuộc tấn công chính xác và Bình Nhưỡng có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định lời đe dọa của Triều Tiên cho thấy một loạt những lời đề nghị về đối thoại liên Triều của Bình Nhưỡng chỉ là mánh khóe tuyên truyền.
Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Jeong Joon-hee cho hay Chính phủ Hàn Quốc hy vọng cộng đồng quốc tế không bị chia rẽ trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống Bình Nhưỡng.
Bộ cũng bác thông tin rằng Chính phủ Hàn Quốc sẽ không đàm phán với Triều Tiên từ nay đến tháng 9 tới, khi mà việc thực thi các biện pháp trừng phạt nói trên bước vào tháng thứ sáu.
Người phát ngôn nêu rõ: “Điều quan trọng là Triều Tiên cần có những hành động mạnh mẽ hướng tới việc phi hạt nhân hóa. Chính phủ chúng tôi chưa đưa ra khung thời gian cụ thể để đánh giá ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt này cũng như hoạch định chính sách đối với Triều Tiên.”
Cùng ngày, Phái viên hạt nhân của Triều Tiên, Vụ phó Vụ Bắc Mỹ Bộ Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui đã đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc để tham dự Đối thoại Hợp tác Đông Bắc Á (NEACD), nơi có sự tham gia của các quan chức chính phủ và học giả đến từ toàn bộ 6 nước tham gia đàm phán sáu bên về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo kế hoạch, bà Choe Son-hui sẽ tham dự NEACD được khai mạc ngày 21/6 và kéo dài 3 ngày. Phái viên hàng đầu của Mỹ về chính sách Triều Tiên Sung Kim cũng sẽ tham dự cuộc đối thoại này.
NEACD do Viện nghiên cứu về hợp tác và xung đột toàn cầu (IGCC) thuộc Đại học California ở San Diego (Mỹ) tổ chức.
Đây là một cơ hội đối thoại không chính thức giữa Triều Tiên và các bên tham gia đàm phán hạt nhân gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ.
Cuộc đàm phán 6 bên nêu trên được tổ chức lần gần đây nhất là cuối năm 2008. Những nỗ lực ngoại giao nối lại cuộc đàm phán nhằm chấm dứt những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên hầu như không đạt được kết quả đáng kể gì, trong khi Bình Nhưỡng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Theo TTXVN