Cho dù vẫn còn phụ thuộc vào hải quân thừa hưởng từ Liên Xô trước đây nhưng hiện nay Nga cũng đang dần phát triển một lực lượng hải quân mới với chiến lược riêng biệt. Với lực lượng này, cùng những gì Nga đang cố gắng thực hiện nhằm nâng cấp hải quân, Mỹ nên dè chừng trước đối thủ. Nếu như không hiểu rõ năng lực và triết lý quân sự của đối thủ, Mỹ rất có thể sẽ phải hứng chịu một hậu quả hết sức bất ngờ và có thể sẽ thiệt hại đến sinh mạng quân lính Mỹ.
Chỉ cần tên lửa Kalibr của Nga tấn công vào một tàu khu trục của Mỹ ở tốc độ siêu thanh thì Mỹ sẽ không còn phủ nhận sức mạnh của Hải quân Nga được nữa.
Việc phân tích khả năng quân sự của Nga của Mỹ hiện nay thường đi theo xu hướng hoặc phóng đại đến mức khổng lồ, hoặc cho rằng sức mạnh quân sự của Nga sắp chẳng còn gì nữa. Những xu hướng này đều không chính xác và không giúp gì trong việc hoạch định đối sách.
Theo National Interest, Hải quân Nga hiện đại được xây dựng không phải để cạnh tranh với Mỹ mà là để đối phó với Mỹ và hỗ trợ cho chiến lược trở thành cường quốc Á-Âu trong thế kỷ XXI. Nga có thể yếu hơn nhiều so với Liên Xô trước đây nhưng vẫn là một cường quốc.
Lực lượng vũ trang của Nga đủ mạnh để khiến đối thủ phải bỏ ra một khoản phí tổn lớn nếu xung đột, chưa kể đến kho hạt nhân đáng gờm mà Nga sở hữu. Hải quân Nga đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược này, và dù còn nhiều thiếu sót nhưng cũng không nước nào có thể coi thường lực lượng này.
Nga vẫn là cường quốc quân sự
Nếu Nga cạnh tranh với Mỹ, Nga khó có thể chi ra những khoản khổng lồ tương xứng với Mỹ để đóng tàu và thực hiện những nhiệm vụ hầu như không có ý nghĩa với vị trí địa lý và kinh tế Nga.
Học thuyết hải quân Nga mới được ký đến năm 2030 đã tuyên bố hùng hồn về tham vọng duy trì vị thế là cường quốc hải quân lớn thứ hai trên thế giới. Trong khi lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Nga vẫn ở vị trí mạnh thứ hai trên thế giới, đặc biệt là tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) thì Nga cũng không có kế hoạch đóng tàu để biến quân đội nước này thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ.
Các tuyên bố này phản ánh truyền thống của các nhà lãnh đạo Nga, đó là dựa vào hải quân để triển khai vị thế trên toàn cầu, để chứng minh rằng Nga là cường quốc có khả năng triển khai sức mạnh ra ngoài biên giới nước mình.
Hải quân Nga có bốn sứ mệnh chính: bảo vệ các tuyến đường hàng hải và bờ biển của Nga, khả năng tấn công chính xác tầm xa với vũ khí hạt nhân và vũ khí truyền thống, triển khai sức mạnh nhờ lực lượng tàu ngầm và bảo vệ khả năng răn đe hạt nhân trên biển.
Việc duy trì vị thế của Nga trên nền chính trị quốc tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Hải quân Nga. Việc triển khai vị thế phải đi liền với triển khai sức mạnh. Quả thực, trong quãng thời gian khó khăn những năm 1990 và 2000, Hải quân Nga hầu như chẳng thể hiện được khả năng gì ngoài diễu hành và thăm cảng. Đến nay ngoại giao hải quân, đặc biệt là ở châu Á- Thái Bình Dương vẫn là một trong những nhiệm vụ chính của Hải quân Nga.
Nga mong muốn xây dựng lực lượng hải quân có thể kiểm soát được Mỹ và tích hợp các tầng phòng vệ, các tên lửa chống tàu tầm xa, máy bay, tàu ngầm, các khẩu đội tên lửa hành trình trên biển và ngư lôi. Theo cách này, Nga muốn ngăn Mỹ tiến vào vùng biển và khiến các chiến dịch tiến vào khu vực sẽ trở nên tốn kém.
Sau đó, Hải quân Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công tầm xa với vũ khí thông thường, chống lại các mục tiêu cơ sở hạ tầng cố định và sẽ đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xung đột leo thang hạt nhân.
Học thuyết hải quân hiện nay công khai tuyên bố vai trò của hải quân trong cả chiến đấu thông thường tầm xa lẫn khả năng mang vũ khí hạt nhân phi chiến lược là các công cụ răn đe kẻ thù và định hình phương pháp hoạch định chính sách nếu như xảy ra khủng hoảng.
Cho dù số lượng tên lửa hành trình vẫn còn chưa đáng kể thì Chương trình vũ khí quốc gia giai đoạn 2018-2025 sẽ chi nhiều tiền hơn vào xây dựng kho tên lửa.
Tuy nhiên National Interest đánh giá, nhu cầu triển khai sức mạnh của Nga hiện nay vẫn tương đối thấp. Lực lượng vũ trang Nga không tham gia vào các ván đấu quyền lực và được trang bị chỉ để chiến đấu trong trường hợp lợi ích của Nga bị xâm phạm.
Tàu ngầm Nga chỉ cần giúp bảo vệ lợi ích các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo và trở thành mối đe dọa lớn đối với Mỹ là đủ. Nga là đối thủ mạnh nhất về khoa học công nghệ đối với Mỹ trong lĩnh vực tàu ngầm và cũng là hai nước lớn nhất sở hữu lực lượng tàu ngầm hạt nhân, do đó Mỹ không thể coi thường Nga.
Nga bắt đầu với chương trình xây dựng tàu khu trục và tàu hộ tống, một phần vì đó là những gì các xưởng đóng tàu Nga thành thạo nhất, và sau đó sẽ xây dựng các tàu lớn hơn. Đây là cách tiếp cận hợp lý nhằm khôi phục ngành công nghiệp đóng tàu Nga.
Tàu chiến trên mặt nước của Nga hiện đang được tích hợp hệ thống phóng thẳng VLS với các tên lửa Oniks (SS-N-26), Kalibr (SS-N-27A/30), Pantsir-M đối với phòng thủ điểm, Redut VLS đối với phòng không và các hệ thống chống ngư lôi Paket-NK.
Tàu lớn hơn sẽ mang theo hệ thống phòng không Poliment-Redut cùng radar phân kỳ. Tàu hộ tống của Nga có súng 76mm hoặc súng 100mm, cùng hệ thống vũ khí gần và 8 bộ phóng thẳng. Những tàu này có khả năng chống đỡ thấp nhưng so về giá cả thì lại phù hợp.
Tàu khu trục của Nga, cả tàu 4.000 tấn lớp Đô đốc Grigorovich và tàu 5.400 tấn lớp Đô đốc Gorshkov đều gặp rắc rối khi phụ thuộc vào động cơ tua-bin do Ukraine sản xuất. Kể từ năm 2014 đến nay, công nghiệp quốc phòng Nga đã khôi phục được khả năng sửa chữa tua-bin khí và xây dựng cơ sở để tự phát triển mẫu tua-bin của mình. Điều này khiến các chương trình đóng tàu của Nga chậm lại đến 5 năm.
Nga cũng gặp vấn đề tương tự khi bị cắt nguồn động cơ diesel từ Đức được sử dụng trong một số tàu hộ tống mới. Giờ đây Nga phải thay thế bằng các biến thể của Nga hoặc của Trung Quốc. Chương trình đóng tàu của Nga đã trải qua những ngày trì trệ tồi tệ nhất vì các lệnh trừng phạt và ngừng hợp tác quốc phòng với Ukraine.
Ngành công nghiệp đóng tàu nói chung đã trải qua giai đoạn phục hồi khó khăn, mất 25 năm, nhưng sắp tới sẽ có tương lai tươi sáng hơn. Nga đang xây dựng một xưởng đóng tàu lớn ở phía đông mang tên Zvezda với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.
Sức mạnh đáng gờm
Thực tế một phần lớn tàu Nga là di sản của Liên Xô, nhưng lực lượng này vẫn còn hiện diện. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự phục hồi của Hạm đội Biển Đen sau khi sáp nhập Crimea và sự xuất hiện liên tục trên Địa Trung hải.
Sự thật là Hải quân Nga hiện đang hoạt động tích cực hơn hẳn trước đây.
Lực lượng tàu chiến trên mặt nước của Nga là sự kết hợp giữa di sản của Liên Xô cùng các tàu hộ tống và tàu khu trục mới. Khoảng 30% số tàu từ thời Liên Xô đã được hiện đại hóa, số còn lại phải đợi đến năm 2020. Nga có thể vẫn sẽ giữ lại các tàu tuần dương lớp Kirov và lớp Slava trong một thời gian dài nữa, đặc biệt là khi tàu Đô đốc Nakhimov hoàn thành chương trình hiện đại hóa tốn kém.
Phần lớn các tàu từ thời Liên Xô được cho là vẫn sử dụng được, đặc biệt là đội tàu đổ bộ cũ, không cần thiết cho các hoạt động viễn chinh và cũng không cần hiện đại hóa. Nga đã thực hiện chiến dịch ở Syria bằng các tàu chở hàng cũ của Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga mua lại với giá rẻ.
Nga khó xây dựng được loại tàu khu trục mình mong muốn thì có thể xây dựng các tàu hộ tống lớn hơn cho đến khi vấn đề về động cơ được giải quyết. Những tàu cũ thời Xô Viết cũng có thể trang bị tên lửa Kalibr để phục vụ chiến lược và tầm nhìn của Nga, với lực lượng hải quân mà nước này đang cố xây dựng.
Tuy nhiên, lực lượng chiến đấu trên mặt nước của Nga vẫn gặp vấn đề với chuyện “phân biệt đẳng cấp”, căn bệnh từ thời Liên Xô, mà triệu chứng là xây dựng quá nhiều tàu thuộc nhiều lớp khác nhau, không chú trọng vào một lớp nhất định. Điều này không phải là một vấn đề mà chỉ là một đặc điểm của Hải quân Nga.
Lực lượng tàu ngầm đáng nể của Hải quân Nga
Giống như Liên Xô trước đây, thiết bị tốt nhất của Hải quân Nga chính là tàu ngầm, cho dù lực lượng này hiện nay chỉ bằng 1/5 so với Liên Xô. Nga hiện sở hữu 10 tàu lớp Akula, 8 tàu lớp Oscar, 3 tàu Victor III, và 3 tàu lớp Sierra.
Hạm đội tàu ngầm hạt nhân SSBN có 6 chiếc Delta IV và 3 chiếc Delta III, thêm cả 3 tàu ngầm lớp Borei mới được xây dựng. Tàu ngầm chạy bằng điện-diesel gồm 14 tàu Project 877, 6 tàu Project 636.3 được nâng cấp ở Hạm đội Biển Đen và 6 tàu khác đang được xây dựng ở Hạm đội Thái Bình Dương.
Một số tàu sẽ đi vào hoạt động vào những năm 2020 hoặc 2030, trong khi đó một số tàu đã được tăng hạn phục vụ và được hiện đại hóa. Hiện nay một số tàu SSN và SSGN của Nga đang chờ được nâng cấp. Một số tàu không được sử dụng thường xuyên, nhưng với chiến lược hải quân tập trung bảo vệ các đường tiếp cận biển thì những tàu này cũng không cần đi xa khỏi bờ biển Nga.
Nga cũng dự định nâng cấp các tàu ngầm lớp Akula và Oscar với các hệ thống và tên lửa mới. Tàu Oscar sẽ được trang bị thêm hai loại tên lửa Kalibr và Oniks. Tàu ngầm lớp Sierra sẽ vẫn được sử dụng vì vỏ tàu làm bằng Titan rất bền. Trong khi đó Nga đang xây dựng thêm 5 tàu SSBN lớp Borei và đang hoàn thiện con tàu SSGN thứ hai lớp Yasen, tàu Kazan. Con tàu này là phiên bản nâng cấp của tàu Severodvinsk và quả thực là tàu hàng đầu của lớp này.
Mặc dù Nga đang gặp vấn đề với việc đóng tàu, nhưng mọi kế hoạch xây dựng tàu ngầm vẫn diễn ra tốt đẹp. Nga có thể sản xuất tàu Kilo chạy bằng điện- diesel trong khoảng 18 tháng và có thể hoàn thiện đơn đặt hàng 6 tàu (như của Việt Nam) rất nhanh chóng. Hạm đội tàu điện- diesel có thể được thay thế bằng tàu ngầm nâng cấp lớp Project 636.3 chỉ trong 8-10 năm. Những tàu ngầm này rất rẻ, chạy êm và có thể tấn công các địa điểm ở châu Âu với tên lửa Kalibr.
8 tàu SSBN mới dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021 và 7 tàu SSGN lớp Yasen sẽ hoàn thành vào năm 2023. Như vậy đến giữa những năm 2020, Nga sẽ có thêm những tàu này trong lực lượng tàu ngầm.
Tạm thời, Nga đang thiết kế một tàu ngầm thế hệ thứ năm làm cơ sở cho tàu SSN, SSGN và SSBN mới. Các tàu này là biến thể giá rẻ và sẽ là mô-đun trước. Nga hiện đang có 12 tàu ngầm chạy bằng hạt nhân đang trong quá trình xây dựng.
Rõ ràng Nga có thể xây dựng vài tàu ngầm hạt nhân cùng một lúc. Giả sử tàu ngầm thế hệ thứ năm được đưa ra vào năm 2023-2025, Nga có thể bắt đầu tái đầu tư vào các tàu ngầm cũ của Liên Xô vào đầu những năm 2030. Hải quân Nga có thể có 13 tàu SSN và SSGN vào năm 2030, trong đó 6 tàu lớp Yasen mới cùng các tàu ngầm được xây dựng từ năm 2025-2030.
Tàu lớp Yasen là một tàu đặc biệt, được sử dụng với mục đích đưa lãnh thổ Mỹ vào vòng nguy hiểm trong trường hợp xảy ra xung đột. Theo những tuyên bố chính thức, tàu ngầm này là đối thủ tiên tiến nhất mà Mỹ phải đối mặt ở dưới nước. Nga chỉ có thể đủ tiềm lực để xây dựng một số tàu này, nhưng như vậy cũng đã đủ để Mỹ dè chừng. Chỉ một tàu lớp Yasen trên Đại Tây Dương có thể mang theo 32 tên lửa Kalibr mang đầu đạn hạt nhân. Và rõ ràng với sức mạnh như vậy, Nga không cần quá nhiều tàu ngầm này.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga hiện vẫn gặp phải nhiều vấn đề, từ các hệ thống phòng không khó khăn trong việc tích hợp đến hệ thống đẩy khí độc lập không hoạt động. Tuy nhiên tàu của Nga vẫn đang được nâng cấp và cải tiến, trở nên lớn hơn về trọng tải.
Thay vì xây dựng tàu khu trục 17.000 tấn chạy bằng hạt nhân, Nga nâng cấp tàu khu trục nhỏ Gorshkov thành Super Gorshkov. Tương tự với các tàu hộ tống cũng vậy. Kế hoạch này giúp Nga tiết kiệm tiền để tập trung vào các khoản chi thực tế hơn.
Và các chiến hạm Nga sẽ tiếp tục được trang bị tên lửa Kalibr. Nga sẽ tiếp tục phát triển các tàu chạy bằng điện- diesel và hạt nhân, trong khi vẫn sữa chữa và nâng cấp các tàu của Liên Xô với các hệ thống tấn công thế hệ mới để tiết kiệm chi phí.
Những năm tới, Nga sẽ vẫn phải khắc phục các vấn đề trong việc đóng tàu và tìm cách tích hợp các hệ thống, đồng thời vẫn phải phát triển các hệ thống vũ khí thế hệ mới. Nga sẽ tiếp tục chế tạo các tàu ngầm chạy bằng diesel và tàu ngầm hạt nhân và sửa chữa một số hệ thống hiện tại của Liên Xô bằng các hệ thống tấn công thế hệ hiện tại như một biện pháp tiết kiệm chi phí.
Tóm lại, Nga đang cố gắng khôi phục sức mạnh Hải quân sau nhiều năm trì trệ và xây dựng lại một lực lượng hải quân chiến đấu xa bờ. Và Mỹ nên chuẩn bị để đối phó với điều này trong tương lai gần, National Interest kết luận.