Theo Đô đốc Richardson, quân đội Mỹ đã theo dõi những hoạt động của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough của Philippines mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép từ năm 2012. "Một số tàu mặt nước đã xuất hiện quanh bãi cạn, có thể đang thăm dò, khảo sát. Đây là khu vực mà chúng tôi lo ngại có thể trở thành địa điểm bồi lấp trái phép mới của Trung Quốc", tư lệnh Hải quân Mỹ nói với Reuters.
Giới quan sát từng dự báo động thái kế tiếp của Trung Quốc sẽ diễn ra ở bãi cạn Scarborough. Đây là bãi cạn duy nhất ở phần phía đông Biển Đông gần Philippines mà không bị chìm hoàn toàn. Trung Quốc vẫn thiếu căn cứ để kiểm soát phía đông Biển Đông, nên rất có thể Bắc Kinh sẽ sớm tiến hành cải tạo bãi Scarborough để phục vụ ý đồ quân sự.
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson. Ảnh:Navy Times |
Đô đốc Richardson nhận định, việc Trung Quốc theo đuổi tham vọng chủ quyền trên Biển Đông, cũng như các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo phi pháp diễn ra với quy mô lớn ở Trường Sa, có thể dẫn đến đảo ngược hàng thập kỷ về tự do đi lại ở khu vực; từ đó Trung Quốc có thể ban hành "luật lệ" mới và yêu cầu các nước phải xin phép nếu muốn đi vào vùng biển này.
Đô đốc Richardson chia sẻ nhận định rằng, việc Tòa án Trọng tài Thường trực sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines có thể trở thành động cơ để Bắc Kinh quyết tâm thành lập một Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, tương tự như việc đơn phương lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi năm 2013. "Đây chắc chắn là một mối lo ngại", ông Richardson nói, và cho biết Mỹ đang cân nhắc biện pháp phản ứng nếu Trung Quốc thực sự hành động như vậy.
Tư lệnh Hải quân Mỹ cũng nói, lực lượng này sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc tuần tra hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, bãi đá ở Biển Đông để khẳng định quyền tự do đi lại.
Theo Đô đốc Richardson, việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông khiến các nước trong khu vực đã tăng cường hợp tác cùng nhau, không chỉ về song phương mà cả đa phương. Ấn Độ và Nhật Bản đã tham gia tập trận hải quân Malabar cùng Mỹ từ năm 2014, và sẽ tiếp tục trong năm nay, dự kiến diễn ra ở khu vực gần biển Hoa Đông và Biển Đông. Mỹ - Hàn - Nhật cũng phối hợp chặt chẽ hơn bao giờ hết.
Từ năm 2014 đến 2015, các ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo và xây dựng nhiều công trình kiên cố tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp, sau đó thiết lập các cơ sở quân sự tại đây.
Trả lời phỏng vấn Zing.vn tháng 7/2015, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, từng nhận định việc Trung Quốc điều giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014 chỉ là đòn hỏa mù mang tính “giương đông kích tây” để che đậy chiến dịch xây đảo nhân tạo trái phép.
Theo Zing