1. Ảo giác rắn xoay tròn (Rotating Snake)
Hình ảnh trên được lấy cảm hứng từ ảo giác rắn xoay vòng nổi tiếng của nhà tâm lý học Nhật Bản - giáo sư Akiyoshi Kitaoka năm 2003. Khi nhìn vào bức ảnh trên, bạn sẽ thấy những vòng tròn như đang chuyển động, nhưng thực chất chúng đứng yên.
Điều thú vị là khi bạn nhìn vào một phần của bức ảnh mà không di chuyển hoặc nhấp nháy mắt, phần đó dừng "xoáy" lại (trong khi các vòng tròn ngoài tầm nhìn của bạn tiếp tục "di chuyển"). Những nghiên cứu trước đây đều cho rằng, ảo tượng này được kích hoạt do ánh mắt chuyển động chậm khi nhìn bức hình. Nhưng vào năm 2012, nhà thần kinh học Susana Martinez đã chứng minh điều ngược lại, đó là do ánh mắt di chuyển nhanh.
2. Chú mèo trên cầu thang
Bức ảnh một chú mèo đi trên cầu thang được lan truyền trên các trang web đã gây ra một tranh luận vào năm 2015. Điều kì lạ ở chỗ, khi nhìn vào bức ảnh, có người sẽ nghĩ chú mèo đang trèo lên trên song có người khẳng định 100% chú mèo bò xuống. Những người đưa ra đáp án đều có lý luận riêng và sử dụng các kiến thức về xây dựng, kiến trúc cũng như sinh học để bảo vệ quan điểm của mình và cuộc tranh cãi ngày càng gay gắt hơn. Những người nuôi mèo đều khẳng định con mèo đang đi xuống, vì chỉ khi đi xuống thì đuôi mèo mới dựng đứng lên như thế, nếu nhìn kỹ thì mắt của con mèo đang tập trung nhìn xuống đất và con mèo trên đang đi xuống từng bậc từng bậc một.
3. Ảo ảnh "chân ải chân ai" gây tranh cãi
Bức ảnh được đăng tải bởi tài khoản Reddit Blood Reaper với lời mô tả: "Cái này thật là hại não mà” với tấm hình chụp một đôi nam nữ ôm nhau trên bãi biển. Nó sẽ không có gì đặc biệt nếu bạn không nhìn xuống phần chân của họ. Nhiều người băn khoăn không biết đâu là chân của người đứng trước, đâu là chân người đứng sau hay một người có cả hai đôi chân. Lời lý giải hợp lý nhất đó là chiếc quần của chàng trai có hai màu. Phần trắng ở giữa, màu đen ở phía hai bên.
4. Ảo giác bàn cờ
Ảo giác khó tin này được đề xuất lần đầu bởi giáo sư Đại Học MIT Edward Adelson. Mặc dù ô vuông đề chữ A có vẻ tối màu hơn ô vuông B, thực chất chúng có cùng tông màu xám! Đây được gọi là "ảo giác bóng tối bàn cờ", hiệu ứng này liên quan đến cách mà não của chúng ta giải thích màu sắc và bóng tối. Ô vuông A được bao quanh bởi các ô màu sáng hơn, làm cho nó trở nên tối đi, trong khi ô vuông B được bao quanh bởi các ô màu tối hơn, làm cho nó trông sáng hơn. Bóng tối cũng "gây rối nhận thức" và "khuếch đại hiệu ứng".Nếu không tin, bạn thử mở ảnh bằng Photoshop để kiểm tra mã màu nhé!
5. Ảo ảnh đôi giây màu xanh-ghi hay hồng-trắng
Đầu tháng này, màu sắc của một đôi giây khiến thế giới lại được một phen tranh luận nảy lửa. Nicole đã đăng hình ảnh đôi giây của mình lên mạng để tham khảo ý kiến của mọi người về màu sắc của nó liệu đây là màu xanh ghi hay hồng trắng.
Nicole cho biết, màu sắc thực sự của đôi giày Vans Old School Zephy True này là màu hồng trắng. Hiện tượng này được lý giải là do bước sóng của các màu sắc khác nhau phản xạ khác nhau khi đi qua võng mạc. Não bộ của con người có khả năng lọc màu nền và ánh sáng xung quanh để giúp mắt nhận thức được màu sắc chính xác của đồ vật. Thế nhưng, với những bức ảnh có chiều sắc tố xanh thì khả năng nhận thức màu sắc sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế trong trường hợp này, nhiều người đã bị ảo giác thị giác đánh lừa.
6. Chiếc váy gây tranh cãi
Năm 2015, cuộc tranh cãi xung quanh màu sắc của một chiếc váy đã thu hút sự chú ý của cả dư luận khiến báo đài và giới khoa học cũng phải vào cuộc. Hai ý kiến màu sắc được đưa ra: xanh – đen hay trắng – vàng, người tham gia đều có chính kiến bảo vệ quan điểm của mình.
Nguyên nhân của sự biến đổi màu sắc kỳ diệu này nằm ở cách thức chúng ta nhận thức màu sắc. Theo Andrew Lotery, giáo sư ngành nhãn khoa từ Đại học Southampton (Anh), sự khác biệt trong cách chúng ta nhận thức màu sắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như điều kiện ánh sáng, thiết bị xem hình, thậm chí cả tuổi tác và giới tính người xem. Ánh sáng và thiết bị sử dụng gây tác động đến màu sắc của hình nền. Sự thật thì khoa học đã kết luận chiếc váy nổi tiếng này có màu xanh đen.
7. Ảo giác triệt tiêu
Nếu bạn nhìn ra được cả 12 chấm đen trong hình sau cùng một lúc thì quả là siêu phàm. Xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000 trong một tạp chí nghiên cứu của Jacques Ninio và Kent A. Tất cả có 12 dấu chấm đen được chia đều trên bền mặt xám, nhưng khi bạn nhìn vào một số chấm thì những chấm ngoài tầm nhìn sẽ biến mất. Tại sao lại như vậy?
Theo Ninio giải thích: Khi những đĩa trắng viền đen trong một lưới nhấp nháy bị giảm kích cỡ và có viền đen, chúng có xu hướng biến mất khỏi mắt người. Một người sẽ chỉ có thể nhìn một vài chấm trong một lần lướt qua. Ở những vùng chúng không thể được nhìn thấy, những đường xám sẽ tạo cảm giác rằng chúng chạy liên tục, tạo ra những đường che không thực sự tồn tại.
8. Điều gì “vô lý” trong bức họa này
Danh họa người Ý Leonardo Da Vinci đã thực hiện bức “Salvator Mundi - người giải cứu thế giới” khoảng năm 1500. Các chuyên gia hội họa từ lâu đã chỉ ra một chi tiết khác thường trong bức họa này. Bức tranh khắc họa chân dung Chúa cứu thế với phong cách hội họa Phục hưng, trong tay ngài đang cầm một quả cầu thủy tinh, nhưng các chuyên gia hội họa đã chỉ ra rằng quả cầu thủy tinh trong tay Chúa dường như hoàn toàn trong suốt, trong khi thực tế, ánh sáng sẽ bị bẻ ngoặt hướng đi.
Trước nay, Da Vinci luôn được nhìn nhận là một thiên tài đa lĩnh vực với tư duy, kiến thức vượt tầm thời đại mà ông đang sống. Việc ông khắc họa quả cầu thủy tinh sai nguyên lý khoa học gần như chắc chắn là một chủ ý của vị danh họa. Lý do đằng sau đó vẫn là một bí ẩn. Nhiều chuyên gia lý giải rằng Da Vinci muốn nhấn mạnh sự kỳ diệu của Chúa với quả cầu hoàn toàn trong suốt trong tay ngài.
9. Tin hay không? Sàn nhà thực sự bằng phẳng!
Văn phòng trưng bày các loại gạch lát và ốp trang trí của công ty Casa Ceramica có trụ sở tại thành phố Manchester, Anh, khiến không ít người nhạc nhiên và thích thú với ý tưởng lát gạch mới lạ bên ngoài hành lang, theo Popular Mechanics. Hành lang của công ty dường như bị lõm xuống như một hố sụt lớn. Dù trên thực tế, mặt sàn hoàn toàn bằng phẳng. Nguyên nhân là do các nhà thiết kế sắp xếp khéo léo những viên gạch để tạo ra ảo ảnh quang học có dạng 3D. Mới đầu ai đi qua hàng lang cũng đều bước đi rất cẩn thận. Nhưng khi đi qua rồi họ mới biết đây chỉ là hiệu ứng hình ảnh đánh lừa thị giác người nhìn. Ngoài việc tránh được hành động chạy nhảy ngoài hành lang một cách khéo léo và tế nhị, cách làm sáng tạo trên cũng nhằm mục đích tạo ra một hành lang với chủ đề ảo ảnh, vượt xa mong đợi về mục đích sử dụng của những viên gạch lát.
10. Ảo ảnh Café wall - tường café
Hình ảnh nổi tiếng này đã được nhà tâm lý học Richard Gregory đặt tên là "Ảo giác tranh tường quán cà phê” vào những năm 1970. Loại ảo giác quang học cổ điển có từ cuối những năm 1800. Có thể bạn sẽ thấy đây là những đường đen-trắng "xô lệch" vào nhau, nhưng thực chất, chúng là những đường thẳng song song với nhau. Các nhà khoa học chứng minh, chính khoảng cách giữa các ô và hàng gạch, cùng độ tương phản giữa hai màu trắng - đen là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.