GS Ngô Bảo Châu: Để toán học trở nên hấp dẫn thì người học phải coi học toán là quá trình khám phá những kiến thức mới cho mình

VietTimes – "Để toán học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn thì các thầy, cô giáo phải có cách thức lôi cuốn học sinh trong các bài giảng. Còn với học sinh thì không chỉ là nắm vững lý thuyết và giải các bài tập một cách thuần túy mà phải coi việc học toán là một quá trình khám phá những kiến thức mới cho mình"- Ngô Bảo Châu nhấn mạnh như vậy khi giao lưu với sinh viên và các nhà báo. 
VietTimes phỏng vấn GS, Ngô Bảo Châu

Sách về toán học cũng như nhiều loại sách khác, có cuốn dày, cuốn mỏng. Vậy theo giáo sư, sách ngoài yếu tố giá cả thì giá trị đích thực là như thế nào?

-Theo tôi, mỗi loại sách dày hay mỏng đều có những giá trị khác nhau không chỉ vì giá cả. Tuy nhiên, sách mỏng là điều mà mọi người có thể quan tâm dễ hơn vì mất ít thời gian đọc hơn và chắc chắn là giá trị của nó cũng phải cô đọng hơn. Với những cuốn sách dầy, việc mang theo người là rất không tiện.

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm là chúng ta rất cần đến những cuốn sách mới trong khoa học để cập nhật những tri thức mới thay vì chỉ sử dụng những cuốn sách và giáo trình đã cũ. Trong vòng 5 năm, 10 năm thì chúng ta nên có những sự thay đổi để cập nhật được những kiến thức mới hơn. Dẫu vậy, những cuốn sách mới chưa chắc đã hay bằng sách cũ song điều mà bạn đọc mong muốn ở sách mới là có thêm những tri thức, ý tưởng mới và đó là điều mà các tác giả, dịch giả phải đáp ứng nhu cầu.

Tại lễ ký kết hôm nay, trong 4 cuốn sách được xuất bản đầu tiên có một cuốn về toán học ứng dụng, xin giáo sư cho biết, toán học ứng dụng có liên quan như thế nào đến những nghiên cứu của ông và toán học ứng dụng có vai trò, vị trí như thế nào trong cuộc sống?

-Về câu hỏi này, trước hết tôi cũng không thể nói nhiều vì bản thân tôi không phải là chuyên gia về toán học ứng dụng. Tuy vậy, không phải là tôi không quan tâm tới toán ứng dụng. Việc học toán ứng dụng góp phần thay đổi tư duy rất nhiều về những việc cần phải vận dụng trong cuộc sống.

Tôi xin nói đến một nhà toán học là Johan Buch ở Mỹ. Ông có nói rằng trong lĩnh vực quản trị kinh doanh có rất nhiều người giỏi toán. Đó là toán về vận trù hay những bài toán phải thực hiện trong quản trị kinh doanh. Và trong kỹ thuật, chúng ta cũng phải làm sao tính toán để đưa ra những kết quả tối ưu. Toán học ứng dụng rất khác với toán học lý thuyết vì với toán học lý thuyết thì chỉ có thể có một kết quả nhưng với toán học ứng dụng thì kết quả của ngày mai phải tốt hơn so với kết quả của ngày hôm nay.

Toán học lý thuyết thường quan tâm tới những khái niệm cần phải chứng minh. Trong khi đó, toán học ứng dụng phải quan tâm đến cấu trúc dữ liệu và giải thuật để đưa đến kết quả. Người làm toán ứng dụng cũng phải có một đặc điểm khác biệt là phải quan tâm và hiểu biết với đối tượng có nhu cầu tính toán. Toán ứng dụng không nhất thiết phải chứng minh mà thường là vận dụng các kiến thức toán học cho một nhu cầu nào đó. Có thể nói, cuộc sống rất cần đến toán học và nếu mọi người biết vận dụng các kiến thức toán học thì mọi công việc của họ sẽ đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, việc thay đổi cho dạy và học toán ở Việt Nam nhằm hướng tới ứng dụng được thì còn rất nhiều việc phải làm.

Việt Nam có rất nhiều thành tích cao trong các cuộc thi Olympic Toán học quốc tế. Tuy nhiên, về mặt bằng chung thì toán học của chúng ta trong giáo dục đại học lại vẫn ở một số điểm dừng nhất định. Xin giáo sư cho biết một vài ý kiến về thực tế này.

-Việc chúng ta có được nhiều thành tích toán học với quốc tế, trước hết phải nói đến công tác tuyển chọn và bồi dưỡng kiến thức của nước ta được tiến hành rất tốt. Còn với toán học trong giáo dục đại học chưa được như mong muốn thì điều đó liên quan đến đội ngũ giảng dạy. Số lượng giảng viên toán có bài báo đăng trên các tạp chí toán học trong và ngoài nước hiện chiếm tỷ lệ không nhiều và đó là tình trạng chung, không riêng gì ngành toán.

 Thực tế là đa số các giảng viên không chỉ ngành toán chỉ tập trung vào việc dạy học mà chưa tập trung vào nghiên cứu để có công trình được công bố trên các tạp chí. Tình hình này cần được cải thiện và những năm gần đây, việc tính điểm cho giảng viên căn cứ vào những nghiên cứu được công bố là rất đáng hoan nghênh.

Cũng xin nói thêm là chất lượng dạy toán ở các đại học trọng điểm là rất tốt. Tuy nhiên, với một số nhóm trường thì chất lượng vẫn còn hạn chế. Nhiều trường chỉ có 20% giảng viên trình độ tiến sĩ và 5% là có công trình công bố trên các tạp chí thì làm sao có chất lượng dạy tốt được. Đầu vào của các trường có thể khá nhưng với chất lượng thầy có hạn thì đầu ra không được như mong muốn là chuyên đương nhiên.

Giáo sư có nhận xét gì về chương trình toán học phổ thông của Việt Nam hiện nay?

-Trước hết, tôi không thể đưa ra đánh giá một cách sâu sắc như quý báo trông đợi. Về cơ bản, tôi tin là việc dạy toán ở bậc phổ thông ở nước ta là tương đối tốt và đã trang bị được những kiến thức cơ bản cho học sinh. Tuy nói như vậy nhưng không có nghĩa là chúng ta không cần những sự đổi mới.

Sự đổi mới ở đây là có liều lượng chứ không nhất thiết phải giảm bớt hay đưa thêm ngay kiến thức vào bậc đại học. Khi đổi mới chúng ta cần nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm của các nước khác xem họ đã đưa vào chương trình đại học như thế nào. Đặc biệt trọng tâm, việc dạy toán ở phổ thông là phải dựng được các mô hình toán học cho các ứng dụng cụ thể cùng các kiến thức cơ bản về xác suất và thống kê.

Việc dạy và học toán ở cấp THPT hiện nay liệu có làm thui chột đi tư duy của học sinh không khi mà việc thi tốt nghiệp lại tập trung vào hình thức thi trắc nghiệm?

-Đúng là việc học và thi tốt nghiệp ở cấp THPT với môn toán và nhiều môn khác đang có sự khác nhau. Trong quá trình học, học sinh được học và thi theo hình thức tự luận nhưng khi thi tốt nghiệp lại hoàn toàn là trắc nghiệm. Việc tổ chức thi tốt nghiệp theo hình thức trắc nghiệm rõ ràng là tiết kiệm hơn nhưng chưa thể đánh giá hết năng lực của học sinh. 

Đầu vào của các khoa toán nói riêng và đại học nói chung mà chỉ dựa vào kết quả thi trắc nghiệm của kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn là chưa đủ. Nói một cách hình tượng, đánh giá một con người như thế nào thì không thể dựa vào các chỉ số như chiều cao và cân nặng mà còn rất nhiều yếu tố khác.

Có cách nào để việc học toán trở nên thú vị hơn với người học, đặc biệt là với học sinh các cấp phổ thông?

-Đây là điều mà cá nhân tôi rất trăn trở suy nghĩ. Để toán học trở nên hấp dẫn và thú vị hơn thì các bậc thầy phải có cách thức lôi cuốn học sinh trong các bài giảng. Còn với học sinh thì không chỉ là nắm vững lý thuyết và giải các bài tập một cách thuần túy mà phải coi việc học là một quá trình khám phá những kiến thức mới cho mình.

Ngay cả với những người học chuyên toán các bài toán đố cũng có những điều rất hay. Đó là những thử thách cho người làm toán. Cá nhân tôi từ bé cũng rất là thích toán và với nhiều bài toán chỉ giải được nếu có kiến thức rộng. Vì thế, phải cố mà học đến lúc giải được mới thôi. Những thách thức ban đầu phải vượt qua được thì mới có hứng thú đi tiếp.

Toán học liên quan đến tư duy logic cùng các chỉ số thông minh (IQ) và quản lý cảm xúc bản thân (EQ). Toán học có rất nhiều công cụ và có những công cụ đó thì có thể giải quyết được những bài toán của mình. Và công cụ ở đây có lẽ là EQ, tức là sự nhạy cảm với các tình huống thực tế. Vậy trong làm toán với mỗi người thì các yếu tố IQ và EQ có vai trò như thế nào?

-Cá nhân tôi, trong những công việc của mình, con đường khám phá khá là cần đến các công cụ của bản thân mình. Tuy nhiên, nhiều khi từ điểm xuất phát đến những đích cần đạt tới đôi khi không đơn giản. Nếu như đi vào những con đường mà chưa thể đến được những điểm cần đến thì cần phải làm rõ những dữ kiện cho mình. Tố chất của mỗi con người mà cụ thể là các chỉ số IQ  và EQ là rất quan trọng. Nhưng mỗi người đều cần phải rèn luyện để cải thiện các chỉ số đó cho mình.

Trong việc dạy toán, giáo viên cùng học sinh và phụ huynh hiểu nôm na là có 2 mục đích chính. Thứ nhất là để thi cử và thứ hai là giúp học sinh phát triển tư duy logic, tư duy sáng tạo. Xin giáo sư cho biết, có thể làm gì để dung hòa giữa mục đích thi cử và phát triển tư duy toán học?

-Về mục đích phục vụ thi cử, chúng ta khỏi phải bàn. Còn về mục đích thứ hai, đó không gì khác là nhằm phát triển cho sự hoàn thiện con người. Tuy nhiên, đa số các bậc phụ huynh  thường có mục đích ngắn hạn hơn là dài hạn. Vì thế, vai trò của người thầy là rất quan trọng. Các bậc phụ huynh trước mắt muốn con mình thi cử có kết quả. Nhưng qua đó, việc phát triển tư duy logic và sáng tạo cũng cần nằm trong các bài toán đặt ra cho học sinh. Việc dung hòa giữa hai mục đích chính là nhiệm vụ, là sứ mạng của người thầy trong việc dạy toán cho học sinh.

Hơn 4 năm nay, mỗi lần về nước tôi đều trực tiếp giảng dạy cho các giáo viên chuyên toán. Đó là việc mà Bộ GD-ĐT và các địa phương sắp xếp, tổ chức cho tôi với họ. Tuy nhiên, tôi không chỉ quan tâm đến hệ thống các trường chuyên và rất mong muốn được giảng dạy, giao lưu với các đối tượng giáo viên khác. Vấn đề khó nhất chính là có đủ thời gian để làm việc đó hay không và nếu quay video để đưa lên YouTube thì không biết có ý nghĩa hay không. Dù sao thì được giảng dạy trực tiếp với tôi vẫn hứng thú và có ý nghĩa hơn.

Cuối cùng, xin giáo sư đưa ra một vài lời khuyên với thế hệ trẻ dù rằng toán học không phải là sự lựa chọn của họ.

-Cá nhân tôi, có lẽ cũng chưa đủ tư cách để đưa ra một lời khuyên cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, tôi mong rằng các bạn trẻ nên sống một cách tốt đẹp, biết ước mơ và luôn phấn đấu. Trong cuộc sống cần phải biết cân bằng giữa đam mê của mình với những thứ khác. Không chỉ tập trung vào học toán, cần phải dành thêm nhiều thời gian cho những kiến thức khác mà trong đó có cả nghệ thuật.

Xin cám ơn giáo sư!

GS. Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn báo chí

GS. Ngô Bảo Châu trả lời phỏng vấn sinh viên