Ngày 17/2, ngay sau khi truyền thông quốc tế đưa tin cho rằng Trung Quốc đã bí mật triển khai tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), phóng viên Báo điện tử Infonet đã có cuộc trao đổi nhanh với giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á.
Ông Carl Thayer cho rằng, cho đến nay các mối lo ngại của Mỹ và những quốc gia khác về việc quân sự hóa trên Biển Đông đều tập trung vào các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép.
Hành động trả đũa của Bắc Kinh
Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, từng chứng kiến nhiều hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trước đó. Đường băng mà Trung Quốc xây dựng ở đây đã dài tới 3.048 m, đồng thời Bắc Kinh cũng xây dựng một số căn cứ cho máy bay dân sự và quân sự ở Phú Lâm.
Năm ngoái, phiên bản mới nhất của chiến đấu cơ J-11 BH/BHS đã được triển khai tới đây. Các bức ảnh xuất hiện gần đây cũng cho thấy Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình xây dựng trái phép trên hai đảo là Đá Bắc và Đảo Cây, thuộc nhóm đảo An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa.
Theo Giáo sư Carl Thayer, việc triển khai một hệ thống phòng không vô cùng phức tạp và nguy hiểm tới Biển Đông của Trung Quốc không còn nghi ngờ gì là động thái nhằm trả đũa các hoạt động của máy bay Mỹ cũng như chiến dịch tuần tra tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn của Hoa Kỳ.
Tri Tôn là một phần của quần đảo Hoàng Sa nhưng được xem là “một người ngoài” bởi vị trí của đảo nằm ớ phía Tây của nhóm đảo chính.
Ông Carl Thayer khẳng định: “Việc triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa đất đối không HQ-9 cũng là một động thái cho thấy trong tương lai gần Trung Quốc có thể triển khai các hệ thống tương tự tới quần đảo Trường Sa, viện dẫn lý do là để phòng vệ trước các mối đe dọa từ Mỹ”.
Giáo sư Carl Thayer tham dự Hội thảo Biển Đông lần thứ 4 của CSIS. Nguồn: Strait Times |
Giáo sư Thayer cho rằng hành động của Bắc Kinh làm dấy lên nhiều nguy cơ và đe dọa tới việc Mỹ tuần tra hàng hải ở các khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Hệ thống HQ-9 cũng đe dọa tới những máy bay hỗ trợ cho hoạt động của Hải quân Mỹ khi tiến hành tập luyện tự do hàng hải ở Hoàng Sa trong tương lai.
Trước đây, Giáo sư Carl Thayer từng có nhiều nghiên cứu về Biển Đông và những hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc. Trong một tài liệu mà ông viết về đảo Phú Lâm, giáo sư cho biết, năm 1990, Bắc Kinh đã xây dựng 365 m đường băng trên đảo Phú Lâm, từ đó đến nay độ dài của đường băng đã tăng nhiều lần. Đường băng này đủ chỗ cho nhiều chiến đấu cơ hoạt động như Su-27, Su-30MKKs, máy bay ném bom H-6 hay các máy bay vận tải quân sự cỡ lớn.
Các cơ sở gần kề với đường băng gồm có bốn nhà chứa máy bay, giao thông hàng không do radar Type 791 X kiểm soát. Các cơ sở hạ tầng quân sự khác mà Bắc Kinh xây dựng ở Phú Lâm gồm có các bến tàu hải quân có khả năng làm nơi neo đậu của tàu khu trục các cỡ và kho tiếp nhiên liệu. Quân đội Trung Quốc cũng xuất hiện ở Phú Lâm để bảo vệ đường băng và các cơ sở quân sự khác.
Giáo sư Thayer cũng khẳng định, Trung Quốc đã xây dựng một số cơ sở quân sự ở những nơi khác tại Hoàng Sa. Cụ thể như, một trạm dự báo thời tiết đặt ở đảo Hoàng Sa và hệ thống pha vô tuyến duy nhất ở đảo Hữu Nhật; các bến tàu ở đảo Quang Hòa cũng đang được mở rộng; một hệ thống tình báo điện tử (SIGINT) cũng được triển khai ở Đảo Đá từ năm 1995.
Trạm tình báo điện tử này có thể cung cấp những cảnh báo trên mặt đất và trên không cũng như hỗ trợ các nhiệm vụ không quân hay hải quân. Ngoài ra, ông Thayer cũng cho biết, nhiều nguồn tin báo cáo rằng Bắc Kinh cũng đã đưa tên lửa hành trình chống hạm HY-2 tới đảo Phú Lâm.
Bằng chứng của phương Tây
Ngày 17/2, CNN dẫn thông báo của Chính quyền Đài Loan cho biết họ nhận được thông tin tình báo về sự tồn tại của một số khẩu đội tên lửa ở khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa và Đài Bắc đang theo dõi sát sao tình hình.
Nhiều quan chức Mỹ cũng xác nhận họ đã thấy nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh của Công ty ImageSat International cho thấy rõ 2 khẩu đội với 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar xuất hiện tại Phú Lâm.
Fox News phân tích một bức ảnh vệ tinh chụp hôm 3/2 ở Phú Lâm vẫn còn trống không nhưng đến ngày 14/2 đã thấy hình ảnh của tên lửa. Các quan chức Mỹ nhận định đây có thể là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, gần giống S-300 của Nga.
Ông Vương Nghị cáo buộc truyền thông phương Tây dựng chuyện tại cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop ở Bắc Kinh. Nguồn: Reuters |
Trước thông tin trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua (17/2) đã cáo buộc “truyền thông phương Tây dựng chuyện”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi trả lời lập lờ rằng “không biết rõ tình hình”. “Việc triển khai tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc đều hợp pháp và mọi cơ sở được xây dựng liên quan đến phòng thủ quốc gia. Đây không phải là hành động quân sự hóa”, Reuters trích lời ông Hồng Lỗi cho biết.
Phản ứng trước việc Trung Quốc đưa hệ thống tên lửa phòng không tới phú Lâm, dư luận quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại về hành động gây hấn và phi pháp này. Theo Kyodo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng, Gen Nakatani cho biết nước này “đang tìm hiểu thông tin với sự quan ngại sâu sắc” và kêu gọi có lời giải thích rõ ràng.
“Nhật Bản không bao giờ chấp nhận những hành động đơn phương nhằm tạo ra sự đã rồi với mục đích không rõ ràng”, ông Suga khẳng định.
Theo Infonet