Ngày 10.12, báo Sự thật Komsomol (Nga) đăng nội dung cuộc điện đàm giữa các ông Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin với tổng thống Mỹ George H.W. Bush (Bush cha), vào các ngày 8.12 và 25.12.1991, mới được giải mật gần đây. Trong những lần điện đàm với Tổng thống Mỹ, các ông Yeltsin và Gorbachev đã “thông báo” cho ông Bush biết họ đã lãnh đạo đất nước như thế nào và tại sao Liên Xô tan rã.
Ông Yeltsin đã gọi điện cho tổng thống Bush ngày 8.12.1991, ngay sau khi ký kết Hiệp định Belovezh (hiệp định xác nhận chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Xô viết, thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG), dành 28 phút để thông báo với Bush về sự kiện này và về kế hoạch tương lai. Ngày 25.12.1991, ông Mikhail Gorbachev cũng gọi điện thoại cho ông Bush để thông báo tình hình.
Sau nhiều năm, giờ đây mọi chuyện đã được làm sáng tỏ: cả hai cuộc điện đàm này đều được mật vụ Mỹ ghi âm, đưa vào lưu trữ mật, và chỉ được giải mật vào năm 2008. Sau đó, bản sao băng ghi âm đã được chuyển giao cho Trung tâm tưởng niệm Yeltsin mới được thành lập gần đây tại thành phố Yekaterinburg của Nga.
Những nội dung không rõ ràng, đa nghĩa trong hai cuộc điện đàm này của các vị cựu tổng thống Liên Xô và Nga này đã khiến phó chủ nhiệm Phòng Công dân Liên bang Nga, ông Georgy Fyodorov, thắc mắc đến mức phải gửi công văn đến Tổng Công tố viện.
Công văn có đoạn: “Căn cứ nội dung các cuộc điện đàm được công bố thì trên thực tế, Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachev đã báo cáo chi tiết với Tổng thống Mỹ về các yếu tố dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết. Chúng tôi yêu cầu Quý viện kiểm tra để làm rõ: nội dung của các cuộc điện đàm này có phạm vào những điều khoản quy định về tội “phản quốc” và “tiết lộ bí mật quốc gia” hay không; nếu có vi phạm, nhất thiết phải truy tố”.
Ngày 18.12, trả lời phỏng vấn Sự thật Komsomol về việc này, ông Georgy Fedorov cho biết: “Qua bài viết của báo, tôi biết được nội dung các cuộc đàm phán giữa Gorbachev và Yeltsin với Bush về sự sụp đổ của Liên bang Xô viết. Những thông tin này khiến tôi rất bức xúc nên đã yêu cầu Tổng Công tố viện kiểm tra xem đó có phải là hành vi phản quốc, cố tình tiết lộ bí mật quốc gia và phối hợp hành động với ngoại bang hay không. Tôi đã thực hiện việc này trong khuôn khổ các điều kiện pháp lý cho phép”.
Theo luật định, trong thời hạn 30 ngày Tổng Công tố viện phải trả lời các cá nhân, tổ chức đã gửi yêu cầu, về những biện pháp sẽ được viện này thực hiện. Vì vậy, vụ việc vẫn chưa kết thúc tại đây.
Theo Thanh niên