Chia sẻ với các thành viên của Hội cổ động viên Nam Định ông Nguyễn Quân cho biết: “Cháu phải hiểu tình cảnh của bác: cả buổi chiều, tối qua khi nắm được thông tin về vụ nữ khán giả bị thương do pháo sáng, bác về nhà không tắm rửa, không thay quần áo (dù quần áo bị ướt đẫm mồ hôi). Nhưng cứ cầm bút lên là bác bức xúc, căm giận kẻ quá khích, không thể viết nổi. Bài viết này (lời xin lỗi cộng đồng) bác viết 4 tiếng đồng hồ mới xong, bình thường chỉ 20 phút”.
Những người có trách nhiệm và lòng tự trọng luôn tự vấn lòng mình trước những sự việc đang xảy ra xung quanh như thế, dù tôi tin chắc Hội cổ động viên Nam Định không bao giờ ủng hộ những hành vi như thế.
Không khác gì “chảo lửa” Bung Karno
Thực ra, người ta nói nhiều đến việc pháo sáng làm 1 nữ cổ động viên bị thương khá nặng mà quên đi hành vi lạng lách, đốt pháo từ đường Giải Phóng bị cảnh sát giao thông nhắc nhở. Rồi việc dàn kèn đồng suốt buổi thổi bài Hồn tử sĩ trên khán đài, không hay chút nào…Dàn kèn này của ai? Ai chỉ đạo thổi như thế? Sao không ai can ngăn?
Hãy cùng nhau chung tay ngăn chặn các hành động quá khích trước khi mọi chuyện quá muộn! Ảnh VietTimes.
|
Bản thân ông Nguyễn Quân cũng buồn bã chia sẻ: “Cháu có biết: Chú bắt nhịp hô "Nam Định, Nam Định, Nam Định" thì có đến 30% đồng thanh hô "H. chó". Chú quá xấu hổ.
Phải sang cánh gà khán đài B 15-16 bắt nhịp hô Nam Định, thì ở đây "Nam Định, Nam Định, Nam Định" ầm ầm. Còn pháo sáng: Chú cũng là nạn nhân, khói sộc vào miệng, vào mắt!”. Đắng lòng.
Câu chuyện bầu Hiển treo thưởng 3 tỷ đồng cho XSKT.Cần Thơ, hay tiếng còi của trọng tài Ngô Duy Lân không thể là cái cớ để chuẩn bị sẵn pháo ở nhà, đến sân và... bỗng dưng muốn đốt. Lại càng không thể chĩa thẳng pháo vào đám đông để sát thương người dân vô tội như thế!
Rồi cảnh cổ động viên quây lại tấn công 2 CSCĐ khiến họ bị thương phải rút lui. Rồi pháo sáng không chỉ bắn sang khán đài A gây trọng thương cho khán giả mà còn bắn ra cả ngoài sân vận động, may mà không xảy ra hỏa hoạn.
Nên nhớ: “Pháo sáng là loại pháo sử dụng trong hoạt động cứu nạn đặc biệt là trên biển và cả trong quân đội, khi đốt có thể cháy lên đến nhiệt độ 1.600oC và làm nấu chảy thép. Đó là những tính chất vật lý của pháo sáng, nói vậy là đủ thấy sự nguy hiểm”. Theo điều tra của chúng tôi, ngay cả khi mua pháo người bán bao giờ cũng khuyến cáo tránh việc bắn thẳng vào người đối diện vì tính sát thương rất cao.
Những nhà quản lý bóng đá hãy nhìn hình ảnh này để biết mình cần phải làm gì. Ảnh chụp màn hình
|
Mới đây, chúng ta vừa lên án việc trên “chảo lửa” Bung Karno chủ nhà Indonesia xếp chữ "Fuck You Loser" hướng về phía cầu thủ Malaysia, đốt pháo sáng, tấn công bằng gạch đá, gậy gộc cổ động viên Malaysia.
Những âm thanh, hành động diễn ra trên sân Hàng Đẫy, xem ra cũng không khác bên Indonesia là mấy.
Có cổ động viên chân chính Nam Định đã chia sẻ: “Chúng ta vừa tôn vinh một cô gái đã mất nhưng lại làm trọng thương một cô gái khác đang sống”. Người khác tâm sự: “Hôm qua gia đình em ngồi ngay cạnh bạn nữ này. Khi phát hiện có 1 quả pháo bay thì chỉ kịp định hình và ôm con”. Có người bức xúc: “Ngay cả khi người ta đang đổ máu vậy các bạn vẫn đang vui vẻ nhảy múa, cỗ vũ”, một sự vô cảm tập thể đáng lên án.
Dường như hôm qua sân Hàng Đẫy đã mất kiểm soát, từ việc để hàng chục quả pháo sáng lọt vào sân để việc xử lý nạn quá khích trên sân cỏ. Mặc dù được khuyến cáo trước trận đấu nhưng BTC sân đã làm việc thiếu trách nhiệm để cho mọi việc thoát khỏi tầm tay để lại hình ảnh xấu cho bóng đá Việt Nam.
Trước những hành động "điên rồ" như thế, chuyện thắng-thua trên sân cỏ đã bị che mờ, người thắng trận cũng chả vui gì cho cam. Để rồi sau trận đấu, các bên dù có liên quan hay không đều có đích chung đó là vào bệnh viện, để thăm hỏi nạn nhân.
Hãy cùng nhau chung tay
Đến giờ, sau gần 2 thập kỷ làm bóng đá chuyên nghiệp, V.League vẫn chưa hoàn thiện, đó đây vẫn còn những cách hành xử chưa đúng chuẩn của các bên liên quan. Nhưng không thể vì vậy mà chúng ta được quyền đốt pháo, bắn thẳng pháo hiệu vào chỗ đông người, những người dân vô tội. Khi đã xẩy ra hậu quả xấu, lại càng không nên biện hộ, đưa ra “thuyết âm mưu” bào chữa, hãy để cho cơ quan chức năng đưa ra kết luận thay vi đánh lận con đen.
Vẫn biết, quản lý hội cổ động viên luôn là chuyện khó, thậm chí là quá khó. Đối với những quốc gia châu Âu vẫn để xảy ra tình trạng bao loạn, chết người. Nhưng chắc chắn khi bình tâm lại, những người có trách nhiệm của Hội cổ động viên Nam Định sẽ biết phải làm gì để không để xảy ra vụ việc tương tự. Những cổ động viên chân chính, yêu bóng đá thành Nam khi đến sân sẽ biết mình phải làm gì để bảo vệ chính mình và hình ảnh đẹp của Hội.
Đi xem bóng đá có nhất thiết đem theo pháo không? Ảnh Netxt Sport
|
Việc những người có trách nhiệm như BTC sân, CLB Hà Nội, CLB Nam Định, Hội cổ động viên Nam Định đã có hành động thiết thực, thăm hỏi động viên người bị hại. CLB Hà Nội đã nhận trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí bệnh viện cho nạn nhân.
Nhưng trước khi có một án phạt được tuyên, chúng ta phải cùng nhau thống nhất hãy phi bạo lực khi đến sân, chuẩn chỉnh trong các hành động cỗ vũ trên khán đài.
Sau sự cố đáng tiếc trên sân Hàng Đẫy, GĐKT Nguyễn Văn Sỹ cùng CLB Nam Định cúi đầu xin lỗi CĐV bị thương do pháo sáng, ông thẳng thắn: “Những thành phần làm xấu đi hình ảnh CĐV bóng đá Nam Định chúng tôi sẽ loại bỏ, những người yêu bóng đá Nam Định sẽ loại bỏ hình ảnh đó”.
Nhớ lại, Ban kỷ luật VFF từng ra bản án nhằm răn đe hành vi đốt pháo sáng và phá hoại diễn ra trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 V-League thì ngay sau đó Ban giải quyết khiếu nại đã xóa án. Nay xin các vị hãy nhìn vào hình ảnh đau thương trên sân Hàng Đẫy để tự vấn an! Xin đừng đùa trên nỗi đau người hâm mộ!
Tôi muốn cùng chia sẻ của một cổ động viên ngồi khán đài A sân Hàng Đẫy hôm đó: “Bạn sẽ nghĩ gì khi vợ bạn, con bạn khi đến sân thì lành lặn, vui vẻ nhưng bỗng dưng có cuộc điện thoại từ sân bóng và bạn phải lao đến bệnh viên chăm người thân người be bét máu. Họ đang giết bóng đá đấy!”. Hãy cùng nhau chung tay ngăn chặn các hành động quá khích trước khi mọi chuyện quá muộn!