Giữa lúc quan hệ hai nước căng thẳng, Nga bắt giữ Tổng lãnh sự Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa lúc quan hệ giữa Nga và Ukraine đang căng thẳng, ngày 16/4, lực lượng an ninh Nga đã bất ngờ bắt giữ ông Alexander Sosonyuk, Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Ukraine tại St.Petersburg.
Ông Alexander Sosonyuk, Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Ukraine tại St.Petersburg bị Nga bắt (Ảnh: Singtao).
Ông Alexander Sosonyuk, Tổng lãnh sự của Lãnh sự quán Ukraine tại St.Petersburg bị Nga bắt (Ảnh: Singtao).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 17/4 đã đưa ra một tuyên bố cho biết ông Alexander Sosonyuk đã bị bắt giữ vào ngày 16/4. Vào thời điểm đó, ông đã gặp một người Nga và nhận được từ người này "các tài liệu có tính chất cơ mật từ các cơ quan thực thi pháp luật Nga và cơ sở dữ liệu của Cục An ninh Liên bang Nga".

Tuyên bố của FSB đã được hãng thông tấn Nga Sputnik đưa tin, nhưng bản tin không cung cấp thêm thông tin về vụ việc này.

Ngày thứ Bảy (17/4) FSB đã đưa ra một tuyên bố cho biết cơ quan này đã bắt giam ông Sosonyuk ở St.Petersburg một ngày trước đó khi ông đang nhận các thông tin cơ mật của các cơ quan thực thi pháp luật từ một công dân Nga. FSB tuyên bố rằng các hoạt động của ông Sosonyuk không phù hợp với thân phận của một nhà ngoại giao, rõ ràng là có ý đồ thù địch với Nga và Nga sẽ áp dụng hành động chống lại ông ta theo luật pháp quốc tế. Theo quy định của công ước quốc tế, các nhà ngoại giao có quyền miễn trừ ngoại giao tại nơi đóng trụ sở, nhưng họ có thể bị trục xuất khi vi phạm pháp luật hoặc có các hành vi thù địch.

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba ngày 15/4 cáo buộc Nga đã công khai đe dọa hủy diệt Ukraine (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Ukraine Kuleba ngày 15/4 cáo buộc Nga đã công khai đe dọa hủy diệt Ukraine (Ảnh: Reuters).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho rằng đây lại là một hành động khiêu khích khác của Nga nhằm gây bất ổn. Các quan chức thực thi pháp luật Nga đã bắt giữ các nhân viên của Tổng lãnh sự Ukraine tại St.Petersburg trong vài giờ. Phía Ukraine đang tìm hiểu rõ thêm tình hình và sẽ chuẩn bị các biện pháp đáp trả phù hợp với thông lệ và nguyên tắc có đi có lại.

Hãng thông tấn Mỹ AP cho biết khi Nga bắt giữ lãnh sự Ukraine, quan hệ giữa Nga và Ukraine rất căng thẳng vì vùng đông Ukraine; Nga tiếp tục đưa quân đến biên giới Ukraine và quân nổi dậy ở miền đông Ukraine được Moscow hậu thuẫn tiếp tục hoạt động.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng, bà Jen Psaki ngày 8/4 đã cảnh báo, với việc Nga tiếp tục tăng quân tới biên giới phía đông Ukraine, quân số hiện tại của quân đội Nga ở biên giới phía Đông Ukraine đã đạt mức cao nhất kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và hỗ trợ lực lượng ly khai để giành lãnh thổ. Thậm chí, từng có thông tin Mỹ đang cân nhắc triển khai tàu chiến tới khu vực Biển Đen để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo Nga ttawng quân lớn chưa từng thấy tới biên giới Ukraine kể từ 2014 (Ảnh: ABC News).

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo Nga ttawng quân lớn chưa từng thấy tới biên giới Ukraine kể từ 2014 (Ảnh: ABC News).

Trước đó, ngày 16/4 Nga thông báo sẽ trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ và thực hiện các biện pháp trả đũa khác để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng 8 quan chức Mỹ sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt và sẽ được thực hiện các hành động để hạn chế và ngăn chặn các tổ chức phi chính phủ của Mỹ can thiệp vào chính trường Nga.

Quan hệ Nga – Ukraine mấy ngày qua đang ngày càng nóng lên. Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 15/4 tuyên bố Nga đã công khai đe dọa hủy diệt Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trong cuộc họp báo cùng ngày hôm đó rằng các chuyên gia và quan chức Nga đã công khai đe dọa sẽ gây chiến với Ukraine và phá hủy địa vị quốc gia của Ukraine.

Ông Kuleba lên án Nga đã làm tình hình an ninh xấu đi, nói: "Các hành động và tuyên bố khác nhau của Moscow nhằm làm gia tăng căng thẳng quân sự và phá hoại các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine."

Ông nói: "Lằn ranh đỏ của Ukraine là biên giới quốc gia. Nếu Nga vượt qua lằn ranh đỏ, họ sẽ bị thiệt hại". Ông cảnh báo chính quyền Moscow không được tiến hành bất kỳ cuộc xâm lược nào vào Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng bất kỳ hành động nào làm trầm trọng thêm tình hình ở khu vực Donbass sẽ gây ra hậu quả "rất đau đớn" cho Nga.

Hôm thứ Sáu (16/4), Tổng thống Ukraine Zelensky đã đến thăm Pháp. Phủ Tổng thống Pháp cho biết ông Zelensky đã gặp và ăn trưa với Tổng thống Pháp Macron tại Điện Elysées, sau đó hai ông đã tham gia cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Đức Merkel thông qua cầu truyền hình để thảo luận về tình hình ở Đông Ukraine.

Tổng thống Zelensky nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Macron rằng ông hy vọng sẽ khởi động lại "Cuộc đàm phán 4 bên Normandy" (gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức) để thảo luận sâu hơn về vấn đề an ninh ở Đông Ukraine. Ông Macron tuyên bố rằng ông hy vọng sẽ tìm ra một giải pháp chính trị cho tình hình ở miền đông Ukraine thông qua các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của cả Ukraine và Đức.

Tổng thống Ukraine Zelensky cùng Thủ tướng Pháp Macron trao đổi qua cầu truyền hình với Thủ tướng Đức Merken về tình hình Đông Ukraine Ảnh: Đông Phương).

Tổng thống Ukraine Zelensky cùng Thủ tướng Pháp Macron trao đổi qua cầu truyền hình với Thủ tướng Đức Merken về tình hình Đông Ukraine Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, tờ Le Figaro của Pháp đưa tin ông Zelensky bày tỏ trong cuộc họp rằng ông hy vọng rằng Pháp sẽ ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng Macron đã không đưa ra bất kỳ cam kết nào trong vấn đề này.

Theo trang tin Đa Chiều ngày 17/4, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 16/4 tuyên bố việc Nga phong tỏa Biển Đen là "phi lý" và kêu gọi Nga đảm bảo cho tàu bè tự do qua lại các cảng của Ukraine ở Biển Azov và cho phép tự do hành hải. Người phát ngôn của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một tuyên bố rằng việc Nga "tiếp tục thực hiện các hoạt động quân sự hóa ở Crimea, Biển Đen và Biển Azov đã gây ra mối đe dọa hơn nữa cho nền độc lập của Ukraine và phá hoại sự ổn định của khu vực". Người phát ngôn nói rằng việc phong tỏa Biển Đen "là một động thái không có đạo lý và là một phần trong tổng thể hành vi gây bất ổn của Nga". NATO kêu gọi Nga ngay lập tức hạ nhiệt căng thẳng, ngừng các hành vi khiêu khích và tuân thủ các cam kết quốc tế.

Hãng AP cho rằng, việc Nga bắt giữ Tổng lãnh sự Ukraine có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tình hình và gây ra xảy ra phản ứng dây chuyền, khiến tình hình căng thẳng ở miền đông Ukraine càng thêm bế tắc.