Ban đầu, ông Trump đã "làm ngơ" đại dịch vì cho rằng vẫn trong tầm kiểm soát, sau đó, ông phải điều chỉnh thông điệp của mình để phù hợp với giai đoạn khắc nghiệt này, và một số đồng minh đang thúc đẩy ông thể hiện sự đồng cảm nhiều hơn.
Một cựu quan chức chính quyền cấp cao thân cận với Nhà Trắng cho biết: "Đó thường không phải là cảm xúc đầu tiên của ông ấy".
Hai nguồn tin quen thuộc với các động thái bên trong Nhà Trắng cho biết, trong tuần qua, các cố vấn đã hai lần can thiệp để ông Trump thay đổi giọng điệu - vốn là “đặc trưng” của ông - mà thay vào đó tìm cách đoàn kết người Mỹ.
Rất hiếm khi Tổng thống Trump lùi lại sau một tuyên bố công khai nhưng ông đã dịu giọng trong cả hai lần sau khi được cố vấn nhắc nhở.
Trong lần đầu tiên, Tổng thống Trump đã có một cuộc trao đổi đầy thử thách với một nhà báo, người đã hỏi rằng ông nói gì với những người Mỹ lo sợ virus corona chủng mới, và ông Trump đã gọi anh ta là “một phóng viên khủng khiếp” vì đặt ra “một câu hỏi rất khó chịu”.
Một nguồn tin cho biết, khi thấy Tổng thống Trump bộc phát như vậy, các cố vấn đã nhắc ông hãy “nói với mọi người điều gì đó thật tình cảm và thật chân thành”.
Ngày hôm sau, Tổng thống Trump đã thử một giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Ông nói: “Đây là lúc mà cả quốc gia cùng phải hy sinh, nhưng cũng là lúc để trân trọng những người thân yêu của chúng ta.”
Trong lần thứ hai, ông Trump đã bỏ lửng mô tả của ông về căn bệnh này là “virus Trung Quốc”, vì sự can thiệp của các trợ lý, cho rằng ông không cần phải cho báo chí một cơ hội mới để tấn công mình.
Thế rồi, ông Trump đã tìm cách kiềm chế quan điểm chống Á của một bộ phân người Mỹ. Ông viết trên Twitter: “Điều rất quan trọng là chúng tôi chắc chắn bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á của mình.”
Trả lời phỏng vấn của kênh Fox News về việc liệu ông có hối hận khi từng sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc”, Tổng thống Trump nói ông không hối hận, nhưng ông cũng nói thêm: “Mọi người đều biết nó xuất phát từ Trung Quốc, nhưng tôi quyết định chúng ta không nên bàn luận về nó nữa.”
Người phát ngôn của Nhà Trắng Judd Deere cho biết: “Bất kỳ đề nghị nào cho rằng Tổng thống đang đấu tranh về giọng điệu hoặc thông điệp là hoàn toàn sai. Trong thời kỳ khó khăn này, người Mỹ đang nhận được sự an ủi, hy vọng và nguồn lực từ Tổng thống của họ.”
Trong suốt ba năm làm Tổng thống, ông Trump đã chống lại những người chỉ trích ông chứ không bao giờ trốn tránh một cuộc chiến và cũng không bao giờ xin lỗi.
Phản ứng ban đầu của ông đối với đại dịch đã để làm tình hình trở nên nghiêm trọng và dịch bệnh lan rộng khắp nước Mỹ, với số người nhiễm và tử vong cao, buộc phần lớn nền kinh tế phải ngừng hoạt động.
Các nguồn tin trong và ngoài Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ trả lời khi các cố vấn cấp cao thúc giục ông điều chỉnh ngôn ngữ. Họ nói rằng, đôi khi ông sẽ tự mình đi đến kết luận đó bằng cách xem phản hồi trên phương tiện truyền thông xã hội về bình luận của ông ấy.
Cuộc thăm dò ý kiến mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy 49% người Mỹ đã chấp thuận cho Tổng thống Trump xử lý khủng hoảng, so với 46% không đồng ý. Dù vậy, sự lây lan của virus và nền kinh tế bị tàn phá có thể gây nguy hiểm cho cuộc tái cử của ông.
Ông Trump rất mong muốn nền kinh tế sẽ hoạt động trở lại, tại thời điểm gợi ý là vào lễ Phục sinh, ngày 12/4. Đồng thời, ông cáo buộc những người muốn giữ nền kinh tế tê liệt để tăng cơ hội lật đổ ông trong cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 3/11/2020.
“Tôi nghĩ rằng có một số người nhất định muốn nền kinh tế yếu đi vì họ nghĩ rằng điều đó sẽ rất tốt để đánh bại tôi ở các cuộc thăm dò ý kiến”, ông Trump phát biểu hôm 25/3.
Quan điểm giữa giới chức cấp cao và các đồng minh khác là nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc tái cử, ông cần thể hiện một cách xử lý thành công về phản ứng của chính phủ đối với virus.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói: “Bạn có thể đứng lên hay ngã xuống dựa trên những gì bạn làm trong tòa nhà này. Điều đó hoàn toàn đúng với Tổng thống Trump.”