Tuyên bố công khai chỉ trích Trung Quốc về vấn đề biển Đông của vị chỉ huy quân đội Malaysia hôm 18.10 cho thấy những hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc như xây dựng đảo nhân tạo phi pháp, xây hải đăng trên đảo nhân tạo... không hề được lòng các quốc gia hàng xóm của Trung Quốc.
Trước đó, dù có tuyên bố một phần diện tích biển Đông, nhưng Malaysia không hề chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Quốc một cách công khai, một phần vì muốn giữ mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
"Tôi muốn giải quyết các vấn đề được tạo ra bởi sự khiêu khích không chính đáng của người Trung Quốc khi họ xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông", Zulkefli Mohd Zin, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Malaysia nói tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, theo Reuters cho biết.
Nhận xét của ông Zulkefli về "sự khiêu khích không có cơ sở" của Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc hoàn thành hai ngọn hải đăng trên những đảo nhân tạo phi pháp mà họ xây dựng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng là một phần kế hoạch để "tăng tính hợp pháp" của yêu sách chủ quyền phi lý của họ.
Hành động bá quyền của Trung Quốc ở biển Đông, gồm cả việc xây dựng một đường băng quân sự khổng lồ trên các đảo nhân tạo, đã thu hút sự chú ý cũng như phẫn nộ của cộng đồng quốc tế.
"Bẫy chủ quyền"
Nhiều chuyên gia phân tích, nhà ngoại giao và quan chức hải quân nước ngoài cho rằng hai ngọn hải đăng phi pháp này là một cái "bẫy chủ quyền" tinh vi của Trung Quốc nhằm củng cố cho tuyên bố chủ quyền phi lý của họ trên biển Đông.
Những động thái dù nhỏ này đóng một vai trò rất lớn trong chiến lược "củng cố chủ quyền bằng cách ép buộc các nước khác phải thừa nhận chủ quyền Trung Quốc với hành động ghi nhật ký hành trình của họ", ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nhận định.
"Nếu tàu chiến và tàu buôn các nước khác, trong đó có Mỹ, buộc phải sử dụng và ghi những hải đăng này vào nhật ký hành trình, nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc", ông Storey nói.
Những ngọn hải đăng này góp phần củng cố chiến lược "dần dần thay đổi hiện trạng trên biển" của Bắc Kinh, ông Storey nhấn mạnh.
Cách giăng "bẫy chủ quyền" của Trung Quốc
Hiện nay hải quân Mỹ và hầu hết các nước trên thế giới đều sử dụng các công nghệ điện tử vệ tinh để xác nhận vị trí tàu chiến của mình trên biển.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định như thời tiết xấu... tàu chiến, tàu hàng phải dựa vào những ngọn hải đăng để xác định địa điểm và qua lại an toàn trên biển, lúc bấy giờ cái "bẫy" của Trung Quốc tại biển Đông sẽ phát huy tác dụng.
Một số chuyên gia giải thích việc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS giúp tàu chiến và các tàu thương mại dễ dàng xác định vị trí của mình trên biển và giảm bớt sự phụ thuộc vào hải đăng.
Nhưng khi tiến sát đến các hòn đảo, bãi đá ngầm, thì thiết bị GPS có thể không hoạt động không chính xác, và tàu bè vẫn phải dựa vào các hải đăng để xác định vị trí, lúc ấy dĩ nhiên những ngọn hải đăng đó sẽ xuất hiện trong nhật ký hành trình của các con tàu.
Ông Trevor Hollingsbee, cựu chuyên gia phân tích tình báo hải quân Anh, cho rằng việc xây dựng hải đăng trên hai bãi đá bồi đắp này của Trung Quốc là một động thái "khá gian xảo".
"Thế giới ngày càng ít sử dụng hải đăng, nhưng luôn có những nơi vai trò của chúng là không thể thiếu được đối với những người đi biển, và trong trường hợp này là tại biển Đông", Hollingsbee nói về âm mưu của Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích cho rằng với việc xuất hiện ngày càng nhiều trong nhật ký hành trình của tàu bè các nước, những ngọn hải đăng phi pháp của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được ghi nhận trong các hải đồ, hải trình quốc tế.
Điều ấy có thể sẽ giúp Trung Quốc xây dựng một bức tranh pháp lý dài hạn về "sự chiếm giữ hiệu quả", một yếu tố quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền theo luật pháp quốc tế, bất chấp những phản đối ngoại giao chính thức của các nước khác.
Thiên Hà - Theo Reuters, International Business Times, Một thế giới