"Giáo viên ít đọc sách, không phải do họp hành liên miên!"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ở nhà trường nhiều nội dung công việc chỉ có thể thực hiện được thật tốt thông qua cuộc họp, còn việc giáo viên hiện nay ít đọc sách nguyên nhân không phải vì họp hành liên miên.

LTS: Cho rằng không phải việc họp hành và những việc vô bổ khác làm ảnh hưởng đến chuyên môn của giáo viên như bài của tác giả Minh Tuấn đã nêu, nhà giáo - Hiệu trưởng Thu Quyên (bút danh) đã có ý kiến phản hồi về vấn đề này.

Đọc bài viết “Xúc tiến chuyển đổi số, giảm mạnh những cuộc họp liên miên, lê thê trong nhà trường” rất giàu cảm xúc của nhà giáo Minh Tuấn, tôi thấy có một số nội dung cần trao đổi thêm.

Họp cũng quan trọng, nhiều cuộc họp là thiết yếu

Không chỉ ở nhà trường mà ở mọi cơ quan, tổ chức, ở mọi ngành nghề đều có những cuộc họp, và họp là cần thiết. Câu chuyện đặt ra chỉ là cuộc họp nên gồm những nội dung gì, được tổ chức bằng hình thức nào để đạt được hiệu quả tốt nhất mà thôi.

Ở một nhà trường, nếu bộ máy làm việc gồm nhiều bộ phận, phòng, ban chuyên môn và các tổ chức đoàn thể hợp thành, đương nhiên sẽ cần tổ chức những cuộc họp khác nhau cho đúng thành phần, đúng nội dung cần triển khai.

Từ góc nhìn của người dạy học thì đúng là công việc chính của giáo viên là lên lớp, soạn bài, chấm bài, nghiên cứu tài liệu, tham gia các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, dự giờ, v.v. Nhưng để thực hiện tốt các việc đó, Ban giám hiệu, bộ phận hành chính cũng như các ban ngành đoàn thể còn cần triển khai rất nhiều những kế hoạch, nội dung để giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn giảng dạy của mình. Chính vì vậy rất cần thiết có những cuộc họp từ Chi ủy-Ban giám hiệu, Liên tịch, Chi bộ, HĐSP hay các ban ngành đoàn thể khác.

Hình ảnh một cuộc họp HĐSP - Nguồn http://thtelo.vinhphuc.edu.vn/

Hình ảnh một cuộc họp HĐSP - Nguồn

http://thtelo.vinhphuc.edu.vn/

Đương nhiên, người đứng đầu nhà trường khi tổ chức các cuộc họp cần phải sắp xếp nội dung và hình thức hợp lý, tránh được sự trùng lặp và dành nhiều thời gian hơn cho trao đổi, thảo luận, để giáo viên có thể bày tỏ ý kiến, cọ xát quan điểm, phát huy trí tuệ tập thể, v.v.

Nếu không có các cuộc họp, thực tế công việc vẫn có thể triển khai được thông qua các văn bản chỉ đạo. Song thiết nghĩ, không phải giáo viên, nhân viên nào cũng hiểu đúng tinh thần, yêu cầu của văn bản, nhiều nội dung nếu không được quán triệt trực tiếp thông qua các cuộc họp và được ghi chép lại rành mạch sẽ bị “tam sao thất bản”, dẫn tới cách hiểu không đồng bộ và thống nhất từ trên xuống dưới.

Các cuộc họp cũng là rất cần thiết để đánh giá, rút kinh nghiệm cũng như tuyên dương khen thưởng và ghi nhận những thành tích mà các tập thể hay các nhân đạt được để kịp thời động viên, khuyến khích phát huy điểm mạnh. Ta vẫn thường nghe câu: “Trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” hay “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp” đề cao sức mạnh tinh thần của sự khen thưởng, khích lệ động viên. Tôi tin, tác giả bài báo sẽ đồng tình rằng một cá nhân hay tập thể được tuyên dương khen thưởng hoặc động viên khích lệ thông qua cuộc họp có nhiều người tham dự sẽ thấy vinh dự hơn rất nhiều với lời nhận xét trong báo cáo hoặc văn bản.

Quan điểm của tác giả cho rằng việc họp hành và nhiều việc “vô bổ” khác đã chiếm quá nhiều thời gian, khiến giáo viên không có thời gian đọc sách hay làm những việc khác hay ho, bổ ích hơn là hoàn toàn không thoả đáng bởi mỗi nhà trường đều có kế hoạch năm học, lịch công tác, lịch họp rất rõ ràng, cụ thể theo từng tuần, tháng, học kỳ. Hơn nữa thầy cô cũng được sắp xếp số giờ dạy phù hợp, không chệch quy định về số tiết cần đảm nhiệm trong tuần. Ví dụ: giáo viên tiểu học không quá 23 tiết, giáo viên THCS không quá 19 tiết, THPT không quá 17 tiết. Nếu quá số tiết quy định, thầy cô được thỏa thuận, được tính số tiết thừa giờ để trả lương bổ sung.

Ngoài ra khi sắp xếp thời khóa biểu, các thầy cô đều có thời gian nghỉ ngơi (tiết trống) để có thể thư giãn, chuẩn bị cho tiết học sau, hoặc đọc sách tại thư viện nhà trường v.v.

Thực tế công tác tại trường, tôi thấy hầu hết giáo viên đều có nguyện vọng xếp thời khóa biểu sao cho gọn, cho tiện, cho liền để các thầy cô có thêm thời gian nghỉ liền hoặc làm việc khác. Điều này là do mong muốn cá nhân chứ không phải chủ quan lãnh đạo nhà trường ép buộc.

Giáo viên ít đọc sách, không phải do họp hành liên miên

Cũng có thực tế, là [ở Hà Nội] hiện nay các nhà trường hầu hết đều trang bị đầy đủ các tài liệu, sách tham khảo, thậm chí sách nâng cao trình độ chuyên môn v.v. tại thư viện nhưng hầu như giáo viên không đọc, không mượn bởi họ cho rằng không có thời gian. Đây là do sự sắp xếp thời gian biểu chưa khoa học, chưa hợp lý của mỗi cá nhân giáo viên chứ không phải do quá tải vì các cuộc họp. Tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT Thông tư ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông hợp nhất, Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT ngày 09 tháng 6 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quy định:

1.Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;

b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Như vậy có thể nói, giáo viên đủ thời gian để nghiên cứu, đọc sách, làm những công việc khác chứ không phải là việc họp đã choán hết thời gian.

Còn một thực tế khác chi phối rất mạnh đến việc phân bổ quỹ thời gian hàng ngày của thầy cô mà chúng ta cần đối diện để vạch giải pháp: thầy cô đang phải lo quá nhiều cho cuộc sống của mình và gia đình. Một giáo viên đứng lớp 16 năm, dạy cấp THCS, mức lương hiện nay (tính cả thâm niên và phụ cấp nghề nghiệp) mới được 7.200.000đ. Gia đình cô có 2 con nhỏ độ tuổi đi học, 2 bố mẹ, thu nhập của chồng khoảng gần 10 triệu đồng. Tính ra một tháng tiền học của 2 con ít nhất hết 5 triệu; còn tiền ăn, tiền nhà, tiền nước, tiền điện, xăng xe, điện thoại, việc khóc, việc cười, dự phòng lúc ốm đau v.v. Đây là ví dụ mức lương của một giáo viên đã đóng góp 16 năm cho sự nghiệp giáo dục, còn các thầy cô mới vào nghề, mức thu nhập còn ít hơn nhiều. Vậy sao thầy cô giáo có thể toàn tâm toàn ý cho việc giảng dạy, nghiên cứu, đọc sách, học tập nâng cao trình độ…? Không phải thầy cô không muốn mà vì thầy cô còn phải lo quá nhiều cho cuộc sống hiện tại của mình như xin việc làm ngoài giờ tăng thêm thu nhập. Mong sao có chế độ đãi ngộ, trợ giúp như cho con giáo viên miễn học phí, bảo hiểm hay các chính sách khác để thầy cô có thêm động lực và điều kiện phát triển chuyên môn, yêu nghề hơn, gắn bó với nghề hơn.

Chia sẻ và đồng cảm với các thầy cô, nên chăng các nhà hoạch định chính sách, các cấp lãnh đạo có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa để xã hội dành thêm nguồn lực cho giáo dục, để giáo dục thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, để giáo viên yên tâm sống bằng nghề, chuyên chú hết mình cho cống hiến sáng tạo, ngành Giáo dục ngày càng thu hút được nhiều người tài bởi các thầy cô có ấm no, hạnh phúc thì mới có thể yên tâm công tác và thăng hoa trong từng bài giảng.

Thiết nghĩ nếu thầy cô mỗi người đều đặt mình vào vị trí công tác, vai trò, trách nhiệm của những đồng nghiệp khác thì sẽ dễ thấu hiểu dễ chia sẻ hơn, dễ cùng nhau làm tốt hơn nhiệm vụ của bản thân và của cả tập thể nhà trường.

Mỗi nhà trường đều phải đổi mới, vươn lên không ngừng. Công việc nào trong nhà trường cũng đều có ý nghĩa, có giá trị, có thuận lợi riêng và khó khăn riêng. Thầy cô hãy đoàn kết tương trợ nhau và cùng trách nhiệm cất lên những tiếng nói tham mưu, hiến kế để cùng nhịp với xã hội, đất nước tiến lên phía trước.