Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang bị chỉ trích gay gắt vì xen vào cuộc vận động tranh cử tổng thốg Mỹ sau khi giám đốc của cơ quan này loan báo ông sẽ duyệt lại cuộc điều tra về email của bà Hillary Clinton.
Các cơ quan của liên bang lâu nay vẫn cố gắng tránh can dự vào chính trị đảng phái để bảo toàn sự độc lập và thẩm quyền của mình, nhưng năm nay FBI đã bị cuốn vào việc điều tra cả hai ứng cử viên hàng đầu.
Trong một động thái được giới truyền thông Mỹ gọi là "bất ngờ tháng mười", FBI thông báo họ đang điều tra lại một loạt những email mới phát hiện mà có thể dẫn đến nhiều thông tin hơn về cách thức mà bà Clinton, ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, xử lý thông tin mật trong email khi bà còn là nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ giai đoạn 2009-2013.
Trước đó, Giám đốc FBI James Comey trong tháng 7 đã khép lại cuộc điều tra về cách thức mà bà Clinton xử lý những email chứa thông tin mật, tuyên bố rằng bà đã "cực kỳ bất cẩn" nhưng nói không đến mức phải đưa ra cáo buộc hình sự nhắm vào bà.
Với việc xem xét loạt email mới nhất này, FBI đang cố gắng xác định xem chúng có chứa thông tin mật hay không và nếu có thì liệu chúng có chứa bằng chứng cho thấy có nỗ lực nào để che giấu những email này khỏi những nhà điều tra hay không.
Đối thủ Đảng Cộng hòa của bà Clinton, Donald Trump, cũng bị FBI để mắt tới. Những đặc vụ FBI hồi mùa hè đã điều tra những liên kết khả dĩ giữa những cố vấn của ông Trump và những nhân vật tài chính của Nga. Khi điều tra vụ xâm nhập email của phe Dân chủ, FBI tìm hiểu xem liệu Nga có đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống để có lợi cho ông Trump hay không bằng những vụ tấn công mạng. FBI cũng điều tra thứ có thể là kênh liên lạc email bí mật giữa Tổ chức Trump, tập đoàn kinh tế tư nhân của ông Trump, với một ngân hàng Nga.
Không có cuộc điều tra nào đã đưa tới bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy ông Trump có liên hệ trực tiếp với chính phủ Nga. Và FBI bây giờ tin rằng vụ xâm nhập email của phe Dân chủ là một nỗ lực của Nga nhằm gây gián đoạn cuộc bầu cử thay vì giúp ông Trump đắc cử.
Kenneth Gross, người từng làm trưởng bộ phận chấp pháp tại Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ cho rằng việc Giám đốc Comey khơi lại cuộc điều tra email của bà Clinton chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống tạo nên một tình huống "gần như vô lương tâm."
Ông Gross cho biết giám đốc FBI đã mắc một "loạt những sai lầm" từ tháng 7 khi ông chỉ trích bà Clinton là "cực kỳ bất cẩn" trong việc xử lý những email trước khi kết luận bà không làm gì phi pháp, và sau đó để ngỏ khả năng ông sẽ báo cáo lại với Quốc hội nếu có diễn tiến mới.
"Tôi không nói rằng ông ấy không nên xem xét những email bổ sung, nhưng chắc chắn việc ông ấy đưa ra bất kỳ cách hành xử nào mà sẽ khơi ra những vấn đề pháp lý trong khi chỉ còn 11 ngày nữa là tới cuộc bầu cử ... thì thật không thể giải thích nổi," ông Gross nói. Ông Gross hiện đang phụ trách mảng luật chính trị tại công ty luật Skadden Arps.
Kể từ thông báo mở lại cuộc điều tra của ông Comey, một số người chỉ trích đã so sánh ông với J. Edgar Hoover, giám đốc của FBI và cơ quan tiền thân của nó từ năm 1924 đến 1972. Một số nhà sử học cáo buộc ông Hoover cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 1948 bằng cách bí mật tuồn cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Thomas Dewey thông tin về đối thủ Đảng Dân chủ là Tổng thống đương nhiệm Harry Truman, người giành chiến thắng đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử gây bất ngờ nhất trong lịch sử của Mỹ.
Theo New York Times, tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần đầu tiên lên tiếng ám chỉ quyết định của ông Comey mở lại cuộc điều tra email liên quan đến ứng cử viên Hillary Clinton là "vi phạm các nguyên tắc điều tra".
Trong khi đó, bất chấp "cú sốc tháng 10" do ông Comey tung ra và những ảnh hưởng bất lợi, trừ một cuộc thăm dò cho thấy ông Trump đang dẫn trước bà Clinton 1 điểm, tất cả những chỉ số thăm dò của HuffPost PollSter đều chỉ ra rằng bà Clinton vẫn đang giành ưu thế tại hầu hết các bang then chốt. Ông Trump đang dẫn trước tại các bang Nevada và Arizona, nhưng lại thua ở các bang Florida và Pennsilvania, là những nơi truyền thống ủng hộ Đảng Cộng hòa và ông Trump buộc phải thắng mới có hy vọng.
HuffPost PollSter chỉ rõ bà Clinton vẫn đang dẫn trước 6 điểm trên quy mô toàn quốc, một khoảng cách vững chắc đảm bảo cho bà 341 phiếu đại cử tri (cần 270 phiếu để đắc cử). thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cũng cho thấy bà Clinton lại nổi lên sau "quả bom" của giám đốc FBI Comey và lại dẫn trước ông Trump 6 điểm như trước khi xảy ra sự kiện này.
Bà Clinton có 98% cơ hội để giành ghế tổng thống theo HuffPost PollSter, còn theo New York Times tỷ lệ này đang ở mức 87%.