Giải mã vụ máy bay không người lái Mỹ sát hại tướng Iran Soleimani

VietTimes -- Sáng sớm ngày 3/1/2020, tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bị sát hại bởi máy bay không người lái của quân đội Hoa Kỳ. Bị trúng 2 quả tên lửa AGM-114 “Hellfire”, cả chiếc xe Hyundai lẫn những người ngồi trên bị nát vụn, hiện trường chỉ còn lại một cánh tay nguyên vẹn và từ chiếc nhẫn mặt đá ruby đeo trên ngón tay, người ta xác định được đó là một phần thi thể của ông Suleimani.
Chiếc xe chở tướng Soleimani và ba người cùng đi bị trúng hai quả tên lửa, cháy rụi (Ảnh: creaders.net).
Chiếc xe chở tướng Soleimani và ba người cùng đi bị trúng hai quả tên lửa, cháy rụi (Ảnh: creaders.net).

Hành động kiểu “tiên phát chế nhân”

Tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” IS, từng gây chấn động thế giới, cuối cùng đã bị xóa sổ vào năm 2019. Tuy nhiên, những rắc rối của quân đội Mỹ ở Trung Đông không những không được giảm đi, mà thậm chí còn tăng lên. Các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq thường xuyên bị tấn công và đại sứ quán ở Iraq cũng bị bao vây, đột nhập. Dư luận Mỹ cho rằng, đồng thời với việc sa vào vũng lầy chiến tranh ở Iraq, hành động trả đũa của quân đội Mỹ cũng rất nhanh và cực kỳ mãnh liệt.

Trong hai tháng qua, các căn cứ Mỹ ở Iraq đã bị ít nhất 11 (có nguồn khác nói 30) quả tên lửa tấn công. Khi các cuộc tấn công trở nên thường xuyên, tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vào ngày 27/12, lực lượng quân đội Hoa Kỳ ở Kirkuk (một thành phố công nghiệp hóa dầu của Iraq) đã bị tấn công, một nhà thầu vũ khí của Mỹ bị chết và 4 lính Mỹ bị thương.

Cánh tay có chiếc nhẫn mặt đá Ruby còn lại giúp người ta nhận dạng thi thể của ông Soleimani sau khi tan nát do tên lửa Mỹ. (Ảnh: creaders.net).
Cánh tay có chiếc nhẫn mặt đá Ruby còn lại giúp người ta nhận dạng thi thể của ông Soleimani sau khi tan nát do tên lửa Mỹ. (Ảnh: creaders.net).

Người Mỹ nổi giận. Hai ngày sau, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích vào các thành viên lữ đoàn Kata'ib Hezbollah thân Iran ở Iraq và Syria, khiến nhiều trang thiết bị quân sự bị phá hủy và 25 người chết.

Cho đến ngày cuối cùng của năm 2019 (31/12), những người biểu tình chống Mỹ ở Iraq đã bao vây, tấn công tòa Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad và các nhân viên sứ quán đã phải sơ tán một thời gian.

Cùng ngày 31/12, ông Trump đã viết bản tweet cho rằng Iran sẽ “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” về cái chết của nhà thầu Hoa Kỳ và cuộc bao vây, tấn công đại sứ quán Mỹ. “Họ sẽ phải trả một cái giá rất lớn” – ông Trump đe dọa.

Ngày 2/1/2014, đám đông bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Iraq tiếp tục biểu tình ngồi phản đối và tuyên bố họ sẽ biểu tình ngồi cho đến khi “hang ổ của quỷ dữ” bị đóng cửa.

Di vật còn lại của ông Soleimani: cuốn kinh Coran ông luôn mang theo người (Ảnh: creaders.net).
Di vật còn lại của ông Soleimani: cuốn kinh Coran ông luôn mang theo người (Ảnh: creaders.net).

Ngày 2/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã đưa ra một lời đe dọa. Trong khi đó, truyền thông Mỹ nói có những dấu hiệu cho thấy Iran hoặc những người ủng hộ có thể đã lên kế hoạch tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn, “trò chơi đã thay đổi” và Mỹ có thể buộc phải có hành động phủ đầu kiểu “tiên phát chế nhân”.

Có vẻ như Mỹ ngày càng tức giận hơn. Những lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vừa dứt, các cuộc không kích trả đũa ngay lập tức bắt đầu. Vào sáng sớm ngày 3/1, hai địa điểm ở thủ đô Baghdad đã bị lực lượng Mỹ không kích, trong đó có sân bay quốc tế Baghdad.

Trong cuộc không kích này, hai nhân vật then chốt đã bị xóa sổ theo kiểu đòn tấn công chính xác vào mục tiêu đã định, hiện trường rất bi thảm.

Nạn nhân thứ nhất là Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Tử nạn cùng ông là viên sĩ quan phụ trách quan hệ công chúng và hai vệ sĩ. Được biết, khi xảy ra vụ tấn công, chiếc máy bay không người lái MQ-9 của quân đội Hoa Kỳ đã phóng hai quả tên lửa AGM-114 “Hellfire” trúng đích khiến chiếc xe Hyundai có 4 người ngồi trên đó biến thành một quả cầu lửa. Ông Soleimani bị xé thành 4 phần lớn, mặt mũi biến dạng hoàn toàn. Trên khẩu súng trường AK-47 mà họ mang theo còn dính một số vảnh vụn thi thể người, cảnh tượng vô cùng bi thảm.

Ông Soleimani từ lâu đã bị Mỹ xem là "phần tử khủng bố" cần loại bỏ (Ảnh: creaders.net).
Ông Soleimani từ lâu đã bị Mỹ xem là "phần tử khủng bố" cần loại bỏ (Ảnh: creaders.net).

Nạn nhân thứ hai là Abu Mahdi al-Muhandis, một người chỉ huy của Lữ đoàn Kata'ib Hezbollah, tổ chức bán vũ trang thân Iran của người Iraq.

Kata'ib Hezbollah là một nhánh của “Quân đội Huy động Nhân dân” (PMU) và Muhandis là nhân vật lãnh đạo số hai của tổ chức này.  

“Quân đội Huy động Nhân dân” còn được gọi là “Tổ chức Huy động Nhân dân”, viết tắt theo tiếng Anh là PMU, được thành lập năm 2014 và bao gồm nhiều nhóm vũ trang người Hồi giáo dòng Shiite, bao gồm cả Kata'ib Hezbollah. PMU trỗi dậy trong cuộc chiến chống IS, Mỹ luôn coi nó rất thân cận với Iran.

Giới bình luận quân sự cho rằng “Liên minh những con cáo Shiite” đã khiến Mỹ lo lắng nghiêm trọng. Ông Trump vốn cố gắng thúc đẩy việc rút quân đội Mỹ khỏi Trung Đông nhưng nay đã đảo ngược lập trường. Trong tương lai, việc Mỹ phải tăng quân tới Trung Đông là điều tất nhiên. Gặp phải tổn thất nghiêm trọng này, Iran và Iraq tất sẽ có những hành động liên quan. Nhân loại mới chỉ bắt đầu bước vào thập niên 20 của thế kỉ XXI và Trung Đông đã khai cuộc bằng máu. Năm 2020, khói đạn chắc chắn sẽ mù mịt.

Ông Trump cho rằng quyết định loại bỏ tướng Soleimani của ông lah hành động ngăn chặn chứ không phải khơi mào chiến tranh (Ảnh: Reuters).
Ông Trump cho rằng quyết định loại bỏ tướng Soleimani của ông lah hành động ngăn chặn chứ không phải khơi mào chiến tranh (Ảnh: Reuters).

Quyết định bất ngờ không kích của ông Trump gây sốc cho Lầu năm góc và đồng minh

Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter ngày 4/1: “Iran là một vấn đề chưa được giải quyết trong nhiều năm. (Tôi) sử dụng Twitter này như một lời cảnh cáo nếu người Iran dám tấn công người Mỹ hoặc tài sản của Mỹ, chúng tôi đã khóa 52 mục tiêu của Iran (vâng, 52 là số con tin Mỹ bị Iran bắt cóc khi trước). Một số mục tiêu trong số đó cực kỳ quan trọng đối với Iran và văn hóa của họ, chúng sẽ bị tấn công nhanh và mạnh! Mỹ không muốn thấy bất kỳ mối đe dọa nào nữa!”.

Cùng ngày, The New York Times dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng và các quan chức chính phủ giấu tên nói, ông Trump đột nhiên ra lệnh áp dụng biện pháp cực đoan nhất để loại bỏ chỉ huy Lữ đoàn Quds Soleimani đã khiến giới lãnh đạo Lầu Năm Góc kinh ngạc.

Các quan chức này cho biết trong nội bộ chính phủ đã có quan điểm khác nhau về việc có nên ra tay hay không. Ông Trump lúc đầu vào ngày 28/12/2019 đã phản đối việc giết Suleimani, nhưng việc tòa Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad bị dân quân thân Iran tấn công vào ngày 31/12 đã khiến ông thay đổi lập trường.

The New York Times dẫn một nguồn tin tiết lộ rằng, ngày 3/1 ông Trump đang ở Mar-a-Lago và đang thảo luận về cuộc bầu cử. Nửa chừng ông đột nhiên đi ra ngoài và tiếp tục họp với các cấp dưới sau khi quay trở lại. Trong vòng vài phút ra ngoài đó, ông Trump đã đưa ra quyết định phê duyệt dùng máy bay không người lái tiến hành “chặt đầu” tướng Soleimani.

Điều khá mỉa mai là vào năm 2012, ông Trump đã chế giễu Tổng thống Barack Obama khi đó, nói rằng Nhà Trắng luôn muốn bắt đầu một cuộc xung đột với Iran để giành được thêm lá phiếu cử tri trước cuộc bầu cử. “Để được bầu lại, Obama sẽ phát động cuộc chiến chống Iran”, “không thể cho phép Obama chơi con bài Iran, phát động chiến tranh, sau đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đảng Cộng hòa cần phải chú ý!”.

Liên quan đến quyết định đảo ngược của ông Trump, cựu chuyên gia phân tích của CIA Elissa Slotkin cho rằng mặc dù các cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều đã cân nhắc loại bỏ Soleimani, nhưng đã không tiến hành do lo ngại rằng việc này có thể khiến Mỹ phải đối mặt với giá đắt hơn, chẳng hạn như Iran hành động trả đũa hoặc chiến tranh kéo dài rồi mới kết thúc.

Hàng vạn người Iran tham gia lễ tang ông Soleimani và biểu tình chống Mỹ (Ảnh: Reuters)
Hàng vạn người Iran tham gia lễ tang ông Soleimani và biểu tình chống Mỹ (Ảnh: Reuters)

Elissa Slokkin phân tích cho rằng, quyết định kiểu “được ăn cả, ngã về không” của ông Trump không tách khỏi chính trị trong nước. Ông sẽ phấn đấu để tái cử trong năm nay lại đang đối mặt với vụ luận tội của Quốc hội. Ông có thể muốn cho các cử tri thấy sự kiên quyết của mình. Slokkin phân tích, ông Trump ra lệnh ám sát tướng Suleimani; một mặt, có thể do coi người này rất nguy hiểm, nếu không trừ bỏ tất sẽ thành đại họa; mặt khác, ông Trump sẽ tìm cách tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay. Ngoài ra, ông cũng sẽ phải đối mặt với phiên tòa luận tội tại Thượng viện vào tháng tới, có lẽ ông có ý định sử dụng vụ ám sát để thể hiện sự cứng rắn và lôi kéo được nhiều cử tri hơn.

Ông Tom Tugendhat, cựu chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh đã phê phán mạnh mẽ vụ tập kích của ông Trump, nói, những người được gọi là đồng minh nên “khiến kẻ kịch bất ngờ và không kịp trở tay, chứ không phải là để người của mình (bị bất ngờ)”.