Giá trị lịch sử và văn hóa của bức tường di sản
Từ Paris (Pháp), nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi thông tin: “Tôi đã biết sự hiện diện của bức phù điêu này trong nhiều năm trước, khi tìm hiểu tài liệu do họa sĩ Victor Tardieu để lại. Trong lần thăm Trường Mỹ thuật Hà Nội năm 2018, tôi có ý định tham quan bức phù điêu ấy, nhưng đáng tiếc là giờ đây nó nằm trong con đường cấm phía bên kia bức tường của trường”.
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi tìm lại các tài liệu lưu trữ và nhận thấy, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã chuẩn bị việc tham dự triển lãm Thuộc Địa Paris 1931 từ ngày 16/3/1929, theo báo cáo của Victor Tardieu. Tiếp đó, ngày 12/10/1929, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã có sơ đồ triển lãm Paris dưới công văn số 506.
“Theo báo cáo của Tardieu, dưới số hiệu 506D, một phù điêu trang trí sảnh lớn của Cung Đông Dương (Palais Indochine) do ba sinh viên của Trường Mỹ thuật Đông Dương là Georges Khánh, Vũ Cao Đàm và Lê Tiến Phúc thực hiện, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Charles-Jean Christian (Viện Lịch sử Nghệ thuật Quốc gia Pháp, IHNA, lưu trữ 125, Tardieu). Cũng theo báo cáo trên, phù điêu có kích thước : dài 39 m, cao 2m” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho biết.
Bức phù điêu không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn là giá trị mỹ thuật, văn hóa cao. Vì tác phẩm của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương các khóa đầu để lại không nhiều, điêu khắc lại càng hiếm. Cho đến giờ, còn lưu giữ được nhiều tranh tường của các họa sĩ thời kỳ đầu mỹ thuật Đông Dương nhưng điêu khắc thì cực hiếm.
Nguồn ảnh: Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi và IHNA, Tardieu lưu trữ
|
Nhà sưu tầm Văn Quân nhận xét: “Đó là nghệ thuật điêu khắc hàn lâm của những ngôi sao điêu khắc sáng nhất Trường Mỹ thuật Đông Dương”. Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, giảng viên môn lịch sử mỹ thuật ở Canada nhận định: “Không những nó có giá trị lịch sử mà còn xứng đáng giá trị nghệ thuật. Những phù điêu “thuần Việt” sau này khó mà “qua mặt” được hai phù điêu này”.
“Từ tài liệu này, chúng ta còn biết bức phù điêu trang trí ấy bắt đầu được thực hiện từ tháng 9/1929, hai năm trước khi triển lãm Thuộc địa Paris 1931. Tôi tin rằng trong hai năm nghiên cứu, học hỏi và thể hiện, các họa sĩ vang danh nền mỹ thuật của chúng ta đã tung hoành múa bút, để tâm hồn mỹ thuật ngút ngàn bay cao và qua vài hình ảnh tìm lại, tác phẩm ấy xứng đáng trình diện trước những con mắt ngưỡng mộ và khắt khe nhất” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi nói.
Cần “giải cứu” và bảo tồn di sản
“Hai bức phù điêu di sản văn hóa bị kẹt giữa hai bức tường là do Bộ Công an xây nhà nên bức tường mới “áp vào phù điêu”. Bộ cũng khoanh vùng “cấm” đoạn phố Trần Quốc Toản nối ra đường Nam Bộ. Vì thế việc tiếp cận, ngắm nhìn hai bức phù điêu cho đến hiện tại là gần như không thể” - Ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết.
Ông Chương cũng cung cấp thêm khi còn là đại biểu Quốc hội khóa 11, ông từng lên tiếng về việc này.
“Các cơ quan có thẩm quyền nên khảo sát để đưa ra các biện pháp bảo vệ tốt nhất di sản hiếm hoi này. Theo thiển ý của tôi nên chuyển bức phù điêu này vào Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, để khỏi phải dầm mưa dãi nắng làm hư hỏng thêm” – Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đề nghị.
Ảnh chụp 3 sinh viên Lê Tiến Phúc, Georges Khánh và Vũ Cao Đàm trước phác họa bức phù điêu (lưu trữ Victor Tardieu)
|
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Long có ý kiến: “Theo tôi, các cơ quan hữu quan cần lập hội đồng đánh giá hiện trạng vật lý và cấp độ/giá trị di sản (cấp quốc gia?) của các phù điêu này.. Tất nhiên cần có sự hợp tác tích cực của Bộ Công an và Thành phố Hà Nội. Rất cần lập hồ sơ để công nhận di sản và tìm phương án bảo tồn tối ưu nhất cho hiện vật”.
“Sau khi được công nhận di sản, nếu chưa thể khai mở không gian này để nhân dân tiếp cận, thì có thể chọn phương án làm phiên bản (dập khuôn và đúc lại) để bày ở Bảo tàng Mỹ Thuật và Bảo tàng Trường Mỹ thuật Việt Nam.
Phương án bảo tồn nguyên trạng trên tòa nhà hiện nay là tốt nhất, vì giữ được phù điêu và cả tòa nhà còn lại của Trường Mỹ thuật Đông Dương - một kiến trúc độc đáo về một xưởng vẽ thời kỳ 1929-1930” – Nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phạm Long nhấn mạnh.
Nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước đã cùng nhau đưa ra ý kiến về hai bức phù điêu này và cũng đang bàn bạc thảo luận về một lá đơn gửi cơ quan chức năng để đề nghị bảo tồn bền vững cho tác phẩm.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu