Chốt phiên giao dịch đầu tuần (Thứ Hai ngày 19/12), giá vàng giao Tháng Hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile đảo chiều nhích nhẹ $5,30 (+0,5%) lên đóng cửa ở $1.142,70/oz. Tuần trước, vàng đã trượt giá tổng cộng 1,8% và có thời điểm còn rơi xuống mức $1.129,80/oz – khoét đáy kể từ đầu Tháng Hai.
Trong khi đó, giá bạc giao Tháng Ba vẫn rơi tiếp 12,6 cents (-0,8%) xuống chốt ở $16,09/oz, nới rộng mạch suy 4,6% vừa thiết lập trong tuần trước đó.
Với các kim loại quý khác, giá đồng giao Tháng Ba giảm 6,5 cents (-2,5%) về $2,50/pound; giá bạch kim giao Tháng Một giảm $16,80 (-1,8%) về $917,30/oz, giá palladium giao Tháng Ba trượt $18,55 (-2,7%) về $678,70/oz.
Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 8h49’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.137,67/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco cũng được yết ở $1.138,10/oz.
Về diễn biến thị trường, chỉ số ICE Dollar Index – đo lường sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác trong rổ tiền tệ - đã khẽ giảm 0,1%, sau khi đạt đỉnh 14 năm trong tuần trước đó. Tất nhiên, đây là một tin tốt đối với vàng – thứ hàng hóa được định giá và giao dịch bằng đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng cao khi lợi tức trái phiếu tăng làm giảm sức hấp dẫn của việc đầu tư vào kim loại quý như vàng và bạc.
Sau khi Cục dự trữ liên bang (Fed) tuyên bố đợt tăng lãi suất đầu tiên trong năm, cùng tín hiệu về lộ trình thắt chặt chính sách tốc độ cao hơn trong năm 2017, lợi tức trái phiếu Kho bạc đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Điều này cũng lý giải lý do tại sao, giá vàng lại có một tuần giao dịch thê thảm đến vậy.
Dẫn lời trên Market Watch, ông Ira Epstein, Giám đốc quản lý tại Linn Group nhận định, phiên tăng giá hôm Thứ Hai chưa phá đà giảm của giá kim loại quý. Tuy nhiên, nó có thể đẩy giá kim loại tăng 20USD/oz trong ngắn hạn. Một phần nguyên nhân đẩy giá đi lên là hoạt động tất toán vị thế bán khống.
Bất chấp đợt giảm nhiều tuần liên tiếp, giá vàng và bạc vẫn tăng so với đầu năm, lên 8%, hướng tới năm tăng đầu tiên kể từ năm 2012. Giá bạc tăng hơn 16% từ đầu năm, mạnh nhất từ 2010, sau khi giảm 12% vào năm ngoái.
Bám sát diễn biến từ thị trường quốc tế, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Bảy ngày 17/12), giá vàng SJC trong nước cũng tăng khá tốt.
Cập nhật đến thời điểm 9h06’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 35,85 – 36,50 triệu đồng/lượng (MV-BR), tăng 150 nghìn đồng chiều mua và 200 nghìn đồng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn này điều chỉnh tăng 50 nghìn đồng lên niêm yết ở mức 36,00 – 36,50 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 500 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,20 – 36,35 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 33,36 – 33,81 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng 5,14 triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).