Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (Thứ Sáu ngày 22/07), giá vàng giao tháng Tám trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile giảm $7,60 (-0,6%) xuống đóng cửa ở $1.323,40/oz, tương ứng giảm nhẹ 0,3% trong cả tuần và đánh dấu tuần rớt giá thứ hai, sau khi trượt mạnh 2,3% trong tuần trước đó – theo dữ liệu của FactSet.
Tương tự vàng, phiên cuối tuần trước, giá bạc giao Tháng Chín cũng rớt 12,6 cents (-0,6%) xuống chốt ở $19,689/oz. Tính trong cả tuần, giá bạc giảm 2,4%, trước đó là bảy tuần leo giá liên tiếp.
Còn trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 10h14’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.316,80/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.317,44/oz.
Dự báo về diễn biến giá vàng tuần này trong cuộc khảo sát của Kitco News, cả giới phân tích lẫn các nhà đầu tư đều chung một nhận định lạc quan.
Adrian Day, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Adrian Day Asset Management, đánh giá, giá vàng đang cho thấy khả năng kháng cự đáng ngạc nhiên. Thị trường sẽ sớm tập trung vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và khả năng thay đổi về chính sách tiền tệ, yếu tố bất lợi đối với USD. Do vậy, giá vàng có thể tăng trong tuần mới.
Số liệu kinh tế đáng thất vọng của Anh, công bố hôm cuối tuần 22/7, sẽ làm tăng đồn đoán châu Âu sẽ tăng cường các biện pháp kích thích, theo Phil Flynn, nhà phân tích thị trường tại Price Futures Group.
Bob Haberkorn, nhà môi giới hàng hóa tại RJO Futures, cho rằng giá vàng có thể tăng trong khi chứng khoán hạ nhiệt sau khi liên tục lập kỷ lục trong thời gian qua. “Chứng khoán đang ngày càng trở nên mạo hiểm và điều này có lợi cho giá vàng tuần tới. Dường như đang có dòng tiền chờ đợi để đổ vào vàng. Trong dài hạn, không có dấu hiệu cho thấy thị trường lo ngại giá vàng sẽ quay lại mốc 1.100 USD/ounce hay thậm chí là 1.200 USD”, Haberkorn cho biết.
Ira Epstein, giám đốc bộ phận Ira Epstein thuộc Linn & Associates, và Sean Lusk, giám đốc phòng hộ thương mại tại Walsh Trading, cũng dự đoán giá vàng sẽ tăng và bình luận rằng các quan chức Fed không thể đưa ra bất kỳ điều gì trong phiên họp chính sách vào tuần tới để thay đổi viễn cảnh “chủ hòa”. Trong khi đó, thị trường đang bước vào giai đoạn khi nhu cầu vàng theo mùa bắt đầu tăng trở lại.
Trong khi đó, Ken Morrison, biên tập viên bản tin Morrison on the Markets, lại cho rằng giá vàng sẽ giảm và cho biết, trong tuần kết thúc vào 22/7, giá vàng đã đạt mục tiêu 1.310 USD/ounce nhưng USD mạnh lên và thị trường tài chính ổn định tiếp tục là “làn gió ngược” đối với giá vàng.
Morrison dự đoán giá vàng sẽ tái thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.300 USD/ounce trước phiên họp chính sách Fed.
Còn tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Hai ngày 25/7), giá vàng SJC tiếp tục trôi sâu.
Cụ thể, đến thời điểm 10h24’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,23 – 36,56 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm 90 nghìn đồng so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh giảm 70 nghìn đồng chiều mua và 90 nghìn đồng chiều bán về yết ở 36,38 – 36,46 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 80 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,60 – 36,75 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 35,81 – 36,26 triệu đồng/lượng (MV-BR).
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng một triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T