2020 rõ ràng là năm của vàng khi kim loại quý này trở thành kênh trú ẩn tài sản cho các nhà đầu tư trong khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cơn sốt vàng chỉ kéo dài trong vài tháng. Những yếu tố hỗ trợ giá vàng là đồng USD suy yếu, tình hình bất ổn do đại dịch COVID-19 và lo ngại lạm phát.
Những tháng đầu năm 2021, vàng sụt giá và trượt về vùng giá cũ và chịu sự cạnh tranh gay gắt với các tài sản sinh lời khác như chứng khoán, tiền mã hóa.
Vài ngày trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2023, sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó, giá vàng bắt đầu lao dốc sáu phiên liên tục khi đồng USD mạnh lên và thị trường nhận ra khả năng Fed tăng lãi suất.
Cơ hội đầu tư dài hạn
Trong ngày đầu của tuần giao dịch cuối tháng Sáu, giá vàng thế giới bất ngờ đảo chiều sau khi liên tục sụt giảm. Giao dịch vàng mua ngay (spot gold) tăng lên 1,1% ở mức 1.782 USD/ ounce. “Mọi người đang tận dụng đợt điều chỉnh giá giảm để mua vàng, ở mức giá này, giữ vàng là có lợi, đặc biệt là về dài hạn”, theo Phillip Streible, trưởng chiến lược thị trường tại Blue Line Futures (Chicago).
Đối với những nhà đầu tư có tầm nhìn xa và không thích rủi ro, vàng là loại tài sản phòng hộ lạm phát, kênh trú ẩn trong thời kỳ khủng hoảng và nới lỏng chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp luôn khuyên khách hàng dự trữ 5% lượng tài sản bằng vàng trong thời kỳ bình thường.
Giá vàng biến động liên tục do ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế và nhu cầu mua vàng trên thế giới. Tuy nhiên, nếu đánh giá trong thời gian dài hơn, xu hướng giá vàng là đi lên. Cụ thể, giá vàng đã tăng 518% tính từ năm 2000, và tăng 40% so với 5 năm trước, theo ghi nhận của Kitco.
Theo Chintan Karnani, trưởng phân tích tại Insignia Consultants, vào cuối mỗi quý, giá vàng thường có xu hướng tăng hoặc giảm mạnh. Cụ thể, trong hai tuần cuối tháng Ba vừa qua, giá kim loại này lao dốc, sau đó đã phục hồi. Lần này giá vàng cũng có thể phục hồi trong khoảng vừa phải (range-bound) sau đợt lao dốc vừa rồi. Tuy nhiên, nhiều người trong giới chuyên gia cho rằng, trong thời gian ngắn sắp tới, không có chất xúc tác rõ ràng nào để vàng có thể tăng giá đáng kể.
Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Bank of America cho rằng, với quan điểm chính sách tiền tệ thận trọng hơn từ Fed, rủi ro tăng lãi suất sẽ khiến đà tăng giá vàng bị giới hạn về cuối năm.
Giá vàng cũng không thể bỏ qua áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ từ đầu năm tới nay. “Điều thực sự ý nghĩa với đồng USD là lợi suất thực của trái phiếu ngắn hạn”, theo George Saravelos, nhà chiến lược tiền tệ tại ngân hàng đầu tư Deutsche Bank AG. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm hiện ở mức khoảng 1,5% so với mức dưới 1% năm 2020. Đây cũng là một trong những lý do khiến đồng USD lên giá, vốn luôn là vấn đề đối nghịch với giá vàng.
"Tôi lạc quan hơn một chút về giá vàng trong quý 2, nhưng kim loại quý này sẽ không tìm được lực kéo cho đến cuối năm", ông Bart Melek, trưởng chiến lược của TD Securities cho biết.
Tuy nhiên, ông Streible dự đoán vàng sẽ vượt qua mức 1.800 USD/ounce, do nhà đầu tư đã mua đồng USD quá nhiều trong thời gian vừa qua, và việc Fed cũng không ngay lập tức tăng lãi suất và giảm chương trình mua trái phiếu để bơm tiền ra thị trường.
Những người tham gia thị trường vàng sẽ dõi theo ý kiến trình bày trước quốc hội từ một số quan chức ngân hàng trung ương Mỹ, bao gồm cả Chủ tịch Fed Jerome Powell vào ngày 22.6 để xác định hướng đầu tư vàng./.
Nguồn tham khảo:
https://www.cnbc.com/2021/06/21/gold-markets-us-treasury-yields.html
https://www.kitco.com/charts/livegold.html
https://www.marketwatch.com/investing/bond/tmubmusd10y?countrycode=bx
https://www.marketwatch.com/story/markets-are-sending-peculiar-signals-as-fed-tune-changes-heres-what-they-mean-11624046114?siteid=yhoof2
https://www.kitco.com/news/2021-04-01/Worst-quarter-in-over-4-years-Can-gold-price-turn-it-around.html