“Chúng tôi sẽ tiếp tục trợ giúp nền kinh tế cho đến khi nào không còn cần nữa”, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố ngày 17/3 về việc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ đến hết năm 2023.
Câu chữ lúc bấy giờ của ông Powell đã phần nào hé lộ việc Fed đang thận trọng từng bước đối phó với lạm phát, và chính sách sẽ sớm được điều chỉnh để phù hợp với tình hình kinh tế nước Mỹ, theo phân tích của ông Jeremy Stein, cựu quan chức Fed, giáo sư khoa kinh tế tại Đại học Harvard.
Quả thực, chỉ đúng 3 tháng sau dự báo Fed sẽ duy trì lãi suất cực thấp đến hết năm 2023, Fed ra tuyên bố về dự định nâng lãi suất hai lần ngay trong năm 2023, mặc dù vẫn cam kết giữ chính sách tài khóa hỗ trợ như hiện tại (lãi suất ngắn hạn gần 0% và mua vào một lượng trái phiếu trị giá 120 tỉ USD mỗi tháng) để giữ đà khôi phục việc làm. Tuyên bố lần này của Fed ngay lập tức đem đến phản ứng tiêu cực trên cả thị trường vàng và cổ phiếu.
Giá vàng lao dốc
Giá vàng giảm 1,1% xuống còn 1.839 USD một ounce, ngay sau khi Fed đưa ra tuyên bố sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ sau khi đại dịch diễn ra. Giá vàng giao dịch trong tương lai ổn định ở mức 1.861 USD/ ounce.
“Fed có kế hoạch loại bỏ hết hỗ trợ và đây chỉ là động thái phản ứng đầu tiên”, theo Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại OANDA. Ông cho rằng hành động của Fed quyết liệt hơn thị trường kỳ vọng và vàng sẽ còn rớt giá xuống thấp nữa, vào khoảng 1.830 USD/ ounce.
Ông Moya cho rằng Fed sẽ là ngân hàng trung ương cuối cùng siết chặt chính sách tiền tệ, nên đồng đô la Mỹ yếu đi như hiện tại sẽ tiếp tục, và đô la còn mất giá thì vàng còn cơ hội. Về bản chất, vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát, nên lạm phát gia tăng thì gia vàng còn được hỗ trợ. Những người tham gia thị trường vàng vẫn theo dõi chặt chẽ diễn biến xung quanh tuyên bố của Fed.
Lo lắng trên thị trường cổ phiếu
Trái phiếu chính phủ Mỹ được lợi đầu tiên sau tuyên bố của Fed. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,569% so với mức 1,498% ngày trước tuyên bố. Đây là mức tăng tỉ suất lợi nhuận trong một ngày lớn nhất kể từ 18.3.
Đúng như dự đoán, khi lợi suất trái phiếu đi lên thì thị trường cổ phiếu đi xuống. Chỉ số Dow Jones ngày 16.6 giảm 0,8% tương đương 265 điểm, chỉ số cổ phiếu blue-chip cũng giảm đến 382 điểm, S&P giảm 0,5% và tổng hợp Nasdaq giảm 0,2% ngay sau tuyên bố của Fed được đưa ra. Mặc dù mức giảm không lớn, nhưng trên thực tế, 77% số cổ phiếu S&P đều giảm giá, chứng tỏ các nhà đầu tư lo ngại về lợi suất trái phiếu cao làm giảm lợi nhuận tương lai của cổ phiếu.
Tuy nhiên, một số loại cổ phiếu vẫn tiếp tục lên giá khi tình hình dịch bệnh ổn định và giao thông mở cửa trở lại. Cổ phiếu hãng du thuyền du lịch Royal Caribbean và Norwegian Cruise Line tăng lần lượt 2 và 3%, tương tự là cổ phiếu của hai hãng hàng không United Airlines và American Airlines. Ngược lại, lĩnh vực công nghệ là một trong những lĩnh vực diễn biến tệ nhất trong thời gian gần đây do lo ngại về lạm phát gia tăng và lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên.
“Thị trường có thể đang phản ứng với thay đổi trong lộ trình tăng lãi suất, khi mà giờ đây có nhiều quan chức Fed hơn đang ám chỉ đợt tăng giá có thể đến ngay trong năm 2022”, theo Mike Loewengart, giám đốc chiến lược đầu tư tại Etrade.
Nguồn:
https://www.wsj.com/articles/federal-reserve-interest-rates-bond-purchases-march-2021-11615917632?mod=hp_lead_pos2
https://www.cnbc.com/2021/06/16/fed-holds-rates-steady-but-raises-inflation-expectations-sharply-and-makes-no-mention-of-taper.html
https://www.cnbc.com/2021/06/15/stock-market-futures-open-to-close-news.html
https://www.cnbc.com/2021/06/16/gold-markets-dollar-us-federal-reserve.html
https://www.marketwatch.com/articles/stock-market-today-51623833776?mod=mw_more_headlines
https://www.marketwatch.com/investing/stock/rcl