Theo dữ liệu của Coindesk, cập nhật tới 12h15 ngày 1/10 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin giao dịch ở mức 27.050,37 USD/BTC, tăng 0,41% trong 24 giờ. Thanh khoản của đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất thị trường ở mức 7,27 tỉ USD, giảm tới 61,62% so với ngày 30/9. Vốn hóa của Bitcoin đạt 527,51 tỉ USD, chiếm 48,2% tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa.
Vốn hóa toàn bộ thị trường ghi nhận vào thời điểm 12h19 là 1.120,33 tỉ USD, tăng khoảng 5 tỉ USD so với 24 giờ trước. Đồng thời, khối lượng giao dịch trong 24 giờ trên thị trường giảm 22,67% so với ngày 30/9, đạt 31,22 tỉ USD.
Tương tự, nhiều đồng tiền mã hóa khác cũng có xu hướng tăng trong 24 giờ qua. Trong đó, đồng ETH giao dịch ở mức 1.675,75 USD/ETH, tăng 0,31%. Solona (SOL) và Tellor (TRB) - những đồng tiền mã hóa phổ biến khác - cũng đồng loạt tăng.
Vào lúc 12h15, trong 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất, hầu hết đều có xu hướng tăng so với 24h trước đó, chỉ riêng đồng Ripple (XRP) điều chỉnh nhẹ ở mức 0,23%.
Dòng vốn từ Trung Quốc có thể đẩy giá Bitcoin
Bitcoin có thể nhận được “dòng vốn đáng kể” từ Trung Quốc trong vài tháng tới trong bối cảnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu với tốc độ cao nhất trong suốt nhiều năm qua
Markus Thielen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và chiến lược tại Matrixport cho biết: “Sự quen thuộc với Bitcoin của các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời điểm nền kinh tế trong nước đang suy yếu có thể khiến dòng vốn đáng kể này đổ vào Bitcoin trong vài tháng tới”.
Dữ liệu chính thức mới nhất do Bloomberg tổng hợp cho thấy dòng vốn chảy ra của Trung Quốc đã đạt 49 tỉ USD trong tháng 8, dòng vốn chảy ra hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12 năm 2015, có khả năng gây thêm áp lực cho đồng nhân dân tệ.
Ông Thielen cho biết: “Tỷ giá USD/CNY đang giao dịch ở mức cao nhất trong 17 năm khi nền kinh tế Mỹ đang mở rộng mạnh mẽ trong khi nền kinh tế Trung Quốc dường như có đà tăng trưởng yếu”.
Ông Thielen tin rằng áp lực tiếp tục lên đồng nhân dân tệ và “sự thiếu tăng trưởng” của các công ty địa phương có thể khiến các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, xem xét các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của đất nước, tiền mã hóa có thể trở thành một trong số ít các kênh có sẵn, ông lập luận: "Tiền mã hóa có thể là một trong những sự lựa chọn khả thi duy nhất".
Nhà đồng sáng lập của BitMEX, ông Arthur Hayes tin rằng dòng vốn thoát khỏi Trung Quốc có thể đã chảy vào vàng hay để trả những khoản nợ nước ngoài bằng USD. Ông cũng hy vọng rằng một phần số vốn có thể "tìm đến" với bitcoin.
Vào cuối năm 2016, có những báo cáo cho thấy nhà đầu tư Trung Quốc đang lựa chọn Bitcoin như một cách để rút vốn. Thời điểm đó, khối lượng giao dịch bên ngoài Trung Quốc cho thấy có sự liên hệ giữa giá CNY và Bitcoin. Tới cuối năm 2017, Bitcoin đã lập đỉnh.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng đồng tình với quan điểm trên. Nhà phân tích tiền mã hóa Edward Engel của Singular Research lập luận rằng thời thế đã thay đổi và dòng chảy vốn khỏi Trung Quốc hiện nay có thể sẽ không có nhiều tác động như trước kia.
Engel nói trong một tuyên bố với Cointelegraph: “Lần cuối cùng tôi nghe nói về điều gì đó tương tự là vào năm 2017–2018, khi những kẻ lừa đảo sử dụng Bitcoin để hỗ trợ các ngân hàng ngầm, nhưng tất cả chúng ta đều biết Trung Quốc đã bịt những lỗ hổng đó cách đây không lâu”.