Theo Nikkei Asia, "gã khổng lồ" sản xuất khoai tây chiên Nhật Bản Calbee đang hợp tác với công ty đầu tư mạo hiểm Pegasus Tech Ventures tại Thung lũng Silicon để đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất đồ ăn nhẹ.
Calbee có kế hoạch đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, tập trung vào các công ty công nghệ thực phẩm của Mỹ, để giúp phát triển các món ăn nhẹ lành mạnh hơn, dây chuyền sản xuất hiệu quả hơn và các mô hình kinh doanh mới.
"Chúng tôi chắc chắn rằng AI sẽ là một bước ngoặt cho các doanh nghiệp của Calbee và ngành công nghiệp thực phẩm", một phát ngôn viên của Calbee chia sẻ với Nikkei Asia. "AI đã được triển khai trong nhiều bộ phận sản xuất, tiếp thị và giao dịch. Chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động kinh doanh của mình thông qua quan hệ đối tác với Pegasus và các công ty khởi nghiệp mà chúng tôi sẽ hợp tác".
Calbee cho biết vẫn còn quá sớm để tiết lộ số lượng chính xác các công ty khởi nghiệp hoặc số vốn mà công ty dự định đầu tư thông qua quan hệ đối tác với Pegasus.
Anis Uzzaman, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Pegasus Tech Ventures, cho biết Calbee đang nghiên cứu cách sử dụng AI để tối ưu hóa sản xuất khoai tây chiên và thậm chí tạo ra công thức làm khoai tây chiên mới bằng AI.
Pegasus Tech Ventures là công ty quản lý vốn đầu tư mạo hiểm giúp các tập đoàn đầu tư và hợp tác với các công ty khởi nghiệp bao gồm SpaceX, Airbnb, X (trước đây là Twitter) và nhiều công ty khác.
Uzzaman cho biết: "AI có thể giúp rút ngắn quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng cách mô phỏng thử nghiệm sản phẩm và sở thích của người tiêu dùng, thay vì dựa vào thử nghiệm trực tiếp kéo dài. Điều này có thể giúp Calbee đưa sản phẩm mới ra thị trường nhanh hơn".
AI cũng có thể được sử dụng để phân tích dữ liệu về thói quen, khẩu vị và sở thích văn hóa của người tiêu dùng để giúp Calbee tùy chỉnh độ dày, độ giòn, độ mặn và độ cay của khoai tây chiên cho các nhóm nhân khẩu học và thị trường khác nhau.
Uzzaman cho biết Calbee cũng đang tìm hiểu cách sử dụng AI để phát triển vật liệu đóng gói thân thiện hơn với môi trường và giữ khoai tây chiên tươi lâu hơn.
Theo đó, Calbee cho biết hợp tác với Pegasus là giải pháp "tốt hơn và nhanh hơn" để đạt được các mục tiêu công nghệ so với việc tự đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Ngoài AI, Calbee cũng đang tìm cách đầu tư vào các công nghệ thực phẩm thay thế như các sản phẩm thực phẩm từ thực vật và côn trùng, một xu hướng mới nổi ở một số vùng của châu Á. Trong khi thị trường nội địa Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, Calbee hy vọng sẽ tìm thấy các công ty khởi nghiệp có thể giúp công ty tạo ra các sản phẩm mới như đồ ăn nhẹ lành mạnh hơn phù hợp với đặc điểm nhân khẩu học đang thay đổi tại quốc gia này.
Calbee cũng đang tìm kiếm các công ty khởi nghiệp có thể giúp cải thiện tính bền vững của hoạt động sản xuất và sản phẩm, chẳng hạn như công nghệ đóng gói phân hủy sinh học.
Nhà sản xuất đồ ăn nhẹ này không chỉ muốn trở thành những nhà tài trợ chính cho các công ty khởi nghiệp, họ còn muốn thâm nhập vào thị trường châu Á.
"Thông qua khoản đầu tư này, các công ty khởi nghiệp sẽ có quyền truy cập vào các kênh phân phối và mạng lưới bán hàng rộng khắp của Calbee tại Nhật Bản và trên khắp châu Á. Khoản đầu tư này cũng có thể giúp các công ty khởi nghiệp bản địa hóa và tùy chỉnh sản phẩm cho thị trường châu Á", Uzzaman cho biết.
Ngoài việc giúp các công ty khởi nghiệp thâm nhập vào châu Á, Calbee cũng đang tìm cách tận dụng mối quan hệ đối tác này để mở rộng hơn nữa thị trường tại Mỹ.
Trong khi một số người mua sắm tại Hoa Kỳ có thể đã nhìn thấy khoai tây chiên mang nhãn hiệu Calbee trong các cửa hàng tạp hóa châu Á, thì gã khổng lồ đồ ăn nhẹ của Nhật Bản thừa nhận rằng họ "chưa tạo được dấu ấn đáng kể tại Hoa Kỳ". Họ coi việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở đây là "một cách tiếp cận đầy hứa hẹn" để phát triển hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Elon Musk chia sẻ đoạn video bắt chước giọng nói của bà Kamala Harris, làm dấy lên lo ngại về AI
Các nhà khoa học Nga có bước đột phá khi tạo ra AI tự thích ứng
Trung Quốc thúc đẩy các giao dịch đầu tư mạo hiểm của khu vực nhờ AI, EV và chất bán dẫn
Theo Nikkei Asia