Liệu một ngân hàng trung ương có đủ khả năng làm biến mất 2.500 tỉ USD mà không ai nhận ra (?!). Đó là kế hoạch táo bạo mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu thực hiện với mục tiêu thu hẹp bảng cân đối kế toán mà không gây ra nhiều tác động tới nền kinh tế.
Tiến trình này – còn gọi là thắt chặt định lượng (QT) – đã diễn ra từ khoảng giữa năm 2022. Fed đã có khởi đầu tốt đẹp khi giảm quy mô bảng cân đối tới gần 500 tỉ USD.
Tuy nhiên, những gợn sóng xuất hiện trong hệ thống ngân hàng mới đây đã cho thấy tình hình bất ổn phía trước.
Một số nhà phân tích cho rằng, Fed có thể dừng QT sớm hơn dự định. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ vẫn có đủ thời gian và công cụ để thực hiện QT.
Nghe có vẻ như một cuộc tranh luận về kỹ thuật hết sức phức tạp, nhưng nó chính là "trái tim" của chính sách tiền tệ hiện đại.
Vì sao QT quan trọng?
Fed, cũng giống như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới, phải dựa vào nới lỏng định lượng (QE) – mua tài sản, đặc biệt là trái phiếu chính phủ với quy mô lớn – để thúc đẩy kinh tế trong thời kỳ suy thoái.
Để QE có tác dụng trong tương lai, QT cần phải có tác dụng ở thời điểm hiện tại. Việc gia tăng bản cân đối kế toán vào những thời kỳ suy thoái hoặc biến động chỉ bền vững nếu như nó được giảm đúng lúc, bằng không sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, Fed đã thực hiện QE 4 đợt, và nghiên cứu kỹ lưỡng về cách mà nó vận hành. Ngược lại, Fed mới chỉ thực hiện QT có 1 lần, trong giai đoạn từ năm 2017 - 2019, và dừng sớm khi nhận thấy thị trường tiền tệ bắt đầu bị bóp méo. Bởi vậy, có rất nhiều điều chưa chắc chắn về hậu quả của QT.
Hiểu đơn giản, QT là quá trình đảo ngược của QE. Ví dụ, QE liên quan tới việc ngân hàng trung ương mua trái phiếu (bơm tiền ra - PV), thì QT nhằm thu hẹp khoản tiền đó. Hay khi QE được triển khai nhằm giảm lãi suất dài hạn, thì QT sẽ làm tăng lãi suất.
Các nhà nghiên cứu ước tính, động thái thu hẹp bảng cân đối kế toán quy mô 2.500 tỉ USD của Fed trong vài năm tới sẽ có tác động tương tự như việc nâng lãi suất khoảng 0,5%.
Nhiều người cho rằng điều này đã xảy ra, khi Fed nâng lãi suất dài hạn vào thời điểm công bố kế hoạch QT trong năm ngoái. Các quan chức Fed từng nói rằng QT sẽ thú vị giống như ngồi nhìn lớp sơn khô dần.
Vấn đề ở đây là, khi lớp sơn đó khô dần, QT càng trở nên nguy hiểm. Đây cũng là sự khác biệt của nó đối với QE.
Cụ thể, khi nền kinh tế đang trong trạng thái tốt, các ngân hàng trung ương có thể dần dần rút khỏi QE. Nhưng trong trường hợp QT, vấn đề ở chỗ, phải đến khi nó gây ra bất ổn trên thị trường, lúc đó Fed mới nhận ra rằng họ đã đi quá xa. Điều này từng được ghi nhận vào năm 2019.
Ban đầu, việc hút tiền từ hệ thống ngân hàng thương mại - vốn đang ngập trong thanh khoản - có vẻ diễn ra bình thường. Song, khi việc hút tiền về kéo dài, thanh khoản sẽ ngày càng bị cạn kiệt, và chi phí huy động vốn của các ngân hàng có thể tăng mạnh mà không có nhiều cảnh báo sớm.
Những dấu hiệu tương tự đã bắt đầu xuất hiện trong ít tuần qua. Một số ngân hàng, bị giảm các khoản tiền gửi gần đây, đã chuyển sang thị trường quỹ liên bang để vay tiền dữ trữ từ các bên cho vay khác nhằm đáp ứng được các quy định về pháp lý. Lưu lượng vay mượn hàng ngày trên thị trường này trong tháng 1 ở mức trung bình 106 tỉ USD, cao nhất kể từ năm 2016.
QT sẽ kéo dài bao lâu?
Cho đến thời điểm hiện tại thì mới chỉ có các ngân hàng cỡ nhỏ là chịu tác động. Đây là một tín hiệu lạc quan cho thấy hệ thống tài chính đang trở lại trạng thái tiền đại dịch của chúng, trong đó các ngân hàng lớn cho các ngân hàng nhỏ hơn vay tiền.
Tuy nhiên, nó làm dấy lên câu hỏi rằng, liệu các ngân hàng khác có chịu tình trạng tương tự (?) Và khi nào điều này xảy ra (?).
Nhưng nếu nhìn vào các khoản nợ phải trả của Fed, viễn cảnh đó còn lâu mới xảy ra. Khoảng 3.000 tỉ USD đang là khoản tiền dự trữ của các ngân hàng (dưới dạng tiền gửi tại ngân hàng trung ương). Thêm 2.000 tỉ USD khác tiền từ các doanh nghiệp tham gia giao dịch chứng khoán kho bạc với Fed.
Ông Waller từng nói rằng QT có thể vận hành trơn tru cho đến khi dự trữ ngân hàng đạt khoảng 10% GDP, thời điểm này Fed sẽ giảm bản cân đối kế toán chậm hơn để tìm ra quy mô phù hợp với hệ thống tài chính.
Nếu lượng dự trữ và repo nghịch đảo thay thế được cho nhau, như ông Waller chỉ ra, thì dự trữ ngân hàng hiện chiếm khoảng 19% GDP.
Bởi vậy, QT có thể được tiếp tục trong vài năm nữa, và bảng cân đối kế toán của Fed tiếp tục thu hẹp.
Nhưng nhiều vấn đề có thể xảy ra. Đầu tiên, các ngân hàng có thể cần nhiều tiền dự trữ hơn so với trước đại dịch COVID-19 bởi tài sản của họ mở rộng nhanh hơn so với phần còn lại của nền kinh tế. Thứ hai, quan trọng hơn, repo nghịch đảo đến từ các quỹ thị trường tiền tệ (MMF) vốn có chức năng thay thế tiền gửi ngân hàng đối với các doanh nghiệp đang muốn tìm lãi suất cao. Nếu nhu cầu này tăng, sức nặng của QT đối với dự trữ ngân hàng sẽ giảm nhiều hơn.
Trong viễn cảnh này, dự trữ ngân hàng có thể bị thiếu hụt trước cuối năm nay, theo các chiến lược gia đến từ hãng đầu tư T. Rowe Price. Bản cân đối kế toán của Fed sẽ bị kẹt ở khoảng 8 nghìn tỉ USD, gần gấp đôi so với mức tiền đại dịch. Điều này sẽ làm dấy lên nhiều quan ngại về khả năng thực hiện QE của họ trong tương lai.
Thêm nữa, tranh cãi về trần nợ sẽ tiếp tục gây thêm rắc rối trong vài tháng nữa. Do Kho bạc không thể vay mượn cho đến khi Quốc hội nâng trần nợ, cơ quan này đang hết dần tiền mặt của họ ở Fed. Khi tiền rời khỏi tài khoản của Kho bạc, phần lớn sẽ đi vào hệ thống ngân hàng, từ đó giúp các ngân hàng làm mới khoản dữ trữ.
Nhưng khi Quốc hội nâng trần nợ, Kho bạc sẽ cần phải tăng hoạt động vay mượn.
Đối với các ngân hàng thì điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ nhanh chóng mất đi khoản dự trữ.
Fed đã tạo nên một cơ sở cho vay để lường trước trường hợp như vậy. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất trắc về cơ chế này, bởi vậy mà rất khó đoán về những hậu quả mà QT có thể mang đến./.
Kinh tế Mỹ tiếp tục bứt tốc, thêm sức ép nâng lãi suất cho Fed
Fed và kịch bản lạm phát chữ U
Giảm tốc nâng lãi suất, Fed vẫn giữ quan điểm 'diều hâu' về thắt chặt tiền tệ
Theo The Economist