Dưới đây là nội dung chi tiết của buổi họp báo thuyết trình vụ Su-24M bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi do Thượng tướng Viktor Nikolayevitch Bondarev - Tư lệnh Quân chủng Không quân - Vũ trụ Nga chủ trì.
Thượng tướng Viktor Nikolayevitch Bondarev - Tư lệnh Quân chủng Không quân - Vũ trụ Nga trong buổi họp báo. Ảnh: Bộ quốc phòng Nga
Diễn biến chi tiết vụ đụng độ trên không hôm 24/11
Liên quan tới việc xuất hiện nhiều dị bản xoay quanh bối cảnh đòn công kích của tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ vào máy bay Su-24M của Nga trên bầu trời Syria hôm 24/11 vừa qua, tôi muốn đem tới cho quý vị toàn cảnh sự thật về sự kiện phản bội chưa từng có tiền lệ này.
Quá trình thực thi nhiệm vụ xuất kích chiến đấu trong ngày 24/11 đã xảy ra một vụ khai hỏa dẫn đến sự việc bất thường: tổn thất chiến đấu của chiếc Su-24M số hiệu 83.
Vào hồi 9h15' giờ Moskva, một phi vụ chiến đấu được tiến hành để bắn phá các mục tiêu gần khu vực Kepir-Motlu-Zahiya ở phía bắc Syria.
Tham gia phi vụ này là hai tổ bay Su-24M, trong đó có tổ bay của trung tá phi công Peshkov Oleg Anatoliyevitch và đại úy hoa tiêu vũ khí Murakhtin Konstantin Valeryevitch lái chiếc Su-24M số hiệu 83 mang theo 4 quả bom OFAB-250-270.
Bản đồ đường bay của chiếc Su-24M bị bắn rơi. Ảnh: Bộ quốc phòng Nga
Hai tổ bay này sẽ có mặt tại khu đợi cơ trên bầu trời thị trấn Maarat al-Numan tại các độ cao 5.800 m và 5.650 m.
Cất cánh từ sân bay Hmeymim lúc 9h42', chiếc Su-24M bay vào trong tầm phủ sóng của radar phòng không Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc 9h52' và sẽ bị radar của Thổ Nhĩ Kỳ giám sát trong vòng 34 phút.
20 phút sau khi tới khu đợi cơ, biên đội Su-24M nhận được lệnh từ sở chỉ huy đơn vị ở sân bay Hmeymim gọi tới bắn phá các nhóm phiến quân ở khu vực mục tiêu được phân công.
Biên đội đã lần lượt vào công kích 2 mục tiêu được phân công, rồi vòng trái quay lại công kích nốt 2 mục tiêu còn lại.
Hồi 10h24', sau khi ném bom mục tiêu cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 5,5 km về phía nam, chiếc Su-24M của trung tá phi công Peshkov Oleg và đại úy hoa tiêu vũ khí Murakhtin Konstantin đã bị trúng đạn tên lửa đối không.
Đối tượng phóng là một chiếc F-16 của Căn cứ không quân số 8, xuất kích từ sân bay Diyarbakir trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Khi phân tích đoạn video ghi màn hình quản lý vùng trời của Sở chỉ huy Phòng không - Không quân Syria, chúng tôi phát hiện một mục tiêu bay với tốc độ 810 km/h từ phía Thổ Nhĩ Kỳ theo hướng bay 190 độ về phía biên giới.
Khi tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận chiếc Su-24M ở khoảng cách 5 km tới 7 km tương ứng với cự ly phóng tên lửa, và cũng có nghĩa là nó đã ở trong không phận của Syria, nó đã ngoặt gấp sang phải rồi bổ xuống thấp trước khi biến mất khỏi màn hình rađa quản lý vùng trời.
Theo dữ liệu kiểm tra khách quan của các khí tài phòng không, chiếc máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã ở trong không phận Syria tới 40 giây với độ sâu xâm phạm tới 2 km, còn máy bay ném bom của Nga không hề xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ bay trên chiếc Su-24M chỉ huy biên đội đã xác nhận có vụ phóng tên lửa. Sau khi không kích mục tiêu và vòng trái theo hướng bay 130 độ, họ đã phát hiện bên mạn trái máy bay có chớp lửa kèm một dải khói trắng và đã báo cáo ngay cho chỉ huy bay ở sở chỉ huy mặt đất.
Hồi 10 giờ 25, chỉ huy bay xác nhận tín hiệu tốp tình báo chiếc Su-24M biến mất trên màn hiện sóng của rađa nhìn vòng. Khi được tiếp tục gọi hỏi thì tổ bay của trung tá Peshkov Oleg Anatoliyevitch trên chiếc Su-24M đã không trả lời.
Được biết thời gian cần thiết để chiếc máy bay tiêm kích F-16C từ vị trí trực ban phòng không tại sân bay của Căn cứ không quân Diyarbakir tới vị trí phóng tên lửa là 46 phút, gồm 15 phút chuẩn bị xuất kích và 31 phút bay tới tuyến phóng tên lửa.
Vì thế, việc đánh chặn chiếc Su-24M từ vị trí trực ban tại sân bay Diyarbakir là không thể thực hiện được, do thời gian F-16 bay đánh chặn cần thiết còn lớn hơn cả khoảng thời gian tối thiểu để Su-24M công kích mục tiêu trong 12 phút.
Kết quả nghiên cứu dữ liệu kiểm tra khách quan từ hệ thống rađa phòng không của Syria cũng xác định có một cặp F-16C hiện diện ở độ cao 2.600 m tại khu vực trực ban trên không trong khoảng 1h15' (từ 9h11' tới 10h26').
Điều đó cho thấy đây là một cuộc đánh chặn có chủ định trước và được các máy bay tiêm kích thực hiện từ vị trí phục kích trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Lược đồ đường bay của chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ từ sân bay Diyarbakir. Ảnh: Bộ quốc phòng Nga
Đáng chú ý là việc máy bay tiêm kích ngừng cơ động ở vị trí đợi cơ để chuyển hướng bay tới tuyến phóng tên lửa chỉ trong khoảng thời gian 1'40" ngay trước khi máy bay Su-24M tiến sát tới biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ nhất.
Cách thức máy bay F-16C tiếp cận tuyến phóng tên lửa không theo đường bay vòng thường gặp khi truy đuổi, cho thấy nó được dẫn đường từ sở chỉ huy mặt đất.
Các thao tác cơ động của máy bay Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phóng tên lửa bên trên lãnh thổ Syria, như chuyển hướng gấp gáp và hạ độ cao xuống dưới mức độ cao trinh sát thấp nhất của hệ thống phòng không, cũng cho thấy hành động bội phản và có chủ đích của chúng.
Các khí tài kiểm tra khách quan tại sân bay Hmeymim và chiếc Su-24M chỉ huy biên đội không hề nhận được bất kỳ cảnh báo nào từ biên đội tiêm kích đánh chặn Thổ Nhĩ Kỳ trên các kênh liên lạc vô tuyến như đã thỏa thuận trước.
Việc mau mắn của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ khi đưa tin về sự kiện này cũng là điều đáng ngạc nhiên.
Phi công F-16 Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới phóng tên lửa đối không lúc 10h24' thì chỉ 1 tiếng rưỡi đồng hồ sau, đoạn video quay cảnh chiếc máy bay bị bắn rơi đã xuất hiện trên tài khoản Youtube của một hãng truyền hình tư nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Góc quay cho thấy địa điểm quay phim nằm trong khu vực kiểm soát của các nhóm phiến quân gốc bắc Kavkaz và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Người quay phim đã biết trước cả thời gian lẫn địa điểm để có thể quay được toàn cảnh vụ việc.
Sự xuất hiện nhanh chóng của các nhóm phiến quân quanh hiện trường máy bay bị bắn rơi và việc tung clip lên Internet sau 1 tiếng rưỡi đồng hồ ngay sau khi vụ việc xảy ra cho thấy, bọn khủng bố đã được báo trước về hành động gây hấn có chủ đích.
Tất cả những điều này chứng tỏ dự mưu bắn rơi máy bay và các tin tức liên quan tới hành động của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, của các nhóm phiến quân và của truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện truyền thông đại chúng.
Kể từ sau khi ký Bản ghi nhớ ngày 23/10/2015 giữa Bộ quốc phòng Nga và Mỹ là bên chỉ đạo lực lượng liên quân, chỉ huy liên đội không quân Nga đã nghiêm túc tuân thủ các biện pháp nhằm tránh các sự vụ phát sinh giữa máy bay chiến đấu Nga và liên quân tham gia chiến dịch.
Theo những thỏa thuận này, sở chỉ huy Không quân Nga tại sân bay Hmeymim đã thông báo trước cho đại diện Không quân Mỹ các thông tin về đội hình, đường bay và khu vực không kích của biên đội 2 chiếc Su-24M.
Vì vậy mà những tuyên bố của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ về việc họ không nhận ra đó là máy bay Nga chỉ nhằm gây nhiễu thông tin.
Hơn nữa, giới chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã vi phạm tất cả các quy phạm pháp luật quốc tế về bảo vệ không phận.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh với quý vị rằng sau thảm kịch này, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã không có bất kỳ động thái xin lỗi hay đề nghị tham gia tìm cứu tổ bay.
Vài lời điểm qua về chiến dịch cứu hộ phi công bị bắn rơi
Tôi xin cảm ơn tất cả các thành viên tham gia chiến dịch về sự điềm tĩnh, bền bỉ, chính xác và hiệp đồng mà họ đã thể hiện trong tình huống đầy khó khăn vào ban đêm và bị đám phiến quân vây đánh, để rồi đưa được người phi công này về lại sân bay.
Ngay sau khi đại úy Murakhtin trở về an toàn, máy bay ném bom của chúng tôi đã tiến hành một trận không kích dữ dội và hủy diệt xuống khu vực mà các nhóm phiến quân với trang bị tận răng đang đổ về để lùng bắt phi công.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi tự hào về các phi công Quân chủng Không quân Vũ trụ, về các kỹ thuật viên, các chỉ huy và nhân viên bảo đảm đang thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu chống khủng bố quốc tế tại Syria.
Và tôi muốn chuyển những lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và đồng đội của cố trung tá Peshkov Oleg và đội viên đội đặc nhiệm thuộc Hải quân đánh bộ Alexandr Pazynitch đã hy sinh cùng chiếc Mi-8 khi cứu tổ bay của chúng ta.
Chúng tôi sẽ không bỏ mặc gia đình các đồng chí đó và sẽ chu cấp cho họ mọi sự trợ giúp cần thiết.
Theo Trí Thức Trẻ