Ban Điều hành Eximbank vừa trình Hội đồng Quản trị thông qua và ban hành Nghị quyết 247/2020/EIB/NQ-HĐQT về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo các chỉ số an toàn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo đó, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỉ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỉ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020).
Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích của Eximbank chủ động tăng 414 tỉ đồng so với kế hoạch 2020.
Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Eximbank giảm 10,3%. Bên cạnh đó, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận Eximbank trước thuế là 1.318 tỉ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020.
Tuy nhiên, nhà băng này cho biết kế hoạch lãi trước thuế năm 2020 vẫn cao hơn 22% so với kết quả đạt được năm 2019.
Ngân hàng tin tưởng cùng với đà hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2021 như tất cả các tổ chức quốc tế độc lập đã dự báo, thì các tài sản xử lý nợ chuyển sang sẽ đóng góp rất tích cực cho kết quả tài chính năm tới.
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng Giám đốc Eximbank: “Trong giai đoạn chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19, Eximbank xác định việc tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng song song với công tác ổn định kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho CBNV và cổ đông là trách nhiệm tiên quyết của ngân hàng. Chúng tôi sẽ có những kế hoạch hành động phù hợp nhưng vẫn đảm bảo sự ổn định và an toàn cho hệ thống của Eximbank”.
Cụ thể, hiện nay các chỉ số an toàn vốn của ngân hàng vẫn được kiểm soát ở mức độ an toàn cao: Hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 là 10.5% (so với quy định tối thiểu là 8%); tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là 31% (so với quy định tối đa 40%), tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) hiện đang tuân thủ ở mức 81.2% (quy định tối đa là 85%) và các chỉ số an toàn thanh khoản khác đều được đảm bảo trong ngưỡng an toàn cao theo quy định của NHNN./.