Tập đoàn Điện lực nói rằng, muốn làm rõ thông tin, để nhân dân hiểu rõ hơn những nỗ lực của EVN đang thực hiện theo các chỉ đạo điều hành của Chính phủ về kinh tế vĩ mô.
Trước những hoài nghi, EVN khẳng định: “Không phân bổ khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí vào giá bán lẻ điện”.
Cụ thể, về vấn đề hạch toán cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2015, khoảng 1.900 tỷ đồng, EVN cho biết đây là khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh đã phát sinh trong giai đoạn 2012 - 2015.
Căn cứ công văn số 12577/BCT-TCNL ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP Hồ Chí Minh và công văn số 872/VPCP-KTTH ngày 04/02/2016 của Văn phòng Chính Phủ cho phép EVN được phân bổ khoản chi phí phí này và giao Bộ Công Thương đề xuất thời gian thực hiện phù hợp (ngắn hơn 5 năm), trong năm 2015, EVN đã tiết kiệm chi phí và cân đối, phân bổ được 1.341 tỷ đồng vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015.
“Việc phân bổ khoản chi phí này vào năm 2015 - 2016 thay cho năm 2016 - 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện”, EVN trần tình.
Thực tế, khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện, do vậy giá bán lẻ điện áp dụng từ 01/12/2017 theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương không bao gồm khoản chi phí này.
Do khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí đã không đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện theo Quyết định số 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí SXKD năm 2017.
Nguồn gốc khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng
Khoản chênh lệch lãi tỷ giá này chủ yếu phát sinh tại dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1. Căn cứ theo Quyết định số 3023/QĐ-BCT ngày 1/6/2012 của Bộ Công Thương ban hành về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1), trong đó, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là một trong số các dự án nguồn điện thuộc các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ EVNGENCO 1.
Tuy nhiên, Dự án này lại sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản). Theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi Dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVNGENCO 1.
Sau khi EVN báo cáo, Bộ Công Thương đã có công văn số 2818/BCT-TCNL ngày 02/4/2013 thống nhất về việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1; sau khi Nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao chủ đầu tư dự án cho EVNGENCO 1.
Việc chuyển giao Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (là đơn vị quản lý vận hành Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1) về Tổng công ty Phát điện 1 cũng là một nội dung trong Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020.
Như vậy, dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc EVNGENCO 1. Do đó, khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của Dự án này phải chuyển giao cho EVNGENCO 1 hạch toán theo quy định.
Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31/12/2017. Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án này để EVNGENCO 1 hạch toán.
Mặt khác, theo quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp; Điều 23, Nghị định 82/2014/NĐ-CP ngày 25/8/2014 và Điều 23, Nghị định 10/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Điểm 1 của công văn số 12227/BTC-CĐKT ngày 3/9/2015 của Bộ Tài chính về việc trả lời chế độ kế toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.
“Hiện nay, EVN đang tiếp tục giải trình Bộ Tài chính để xử lý, giải quyết vấn đề này. Đồng thời, EVN cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. EVN sẽ thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính”, tập đoàn này thông tin.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định truy thu 1.935 tỉ đồng do phát hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hạch toán sai một số khoản chi phí.
Cụ thể, năm 2015, EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM (giai đoạn 2012-2015). Việc hạch toán này được Bộ Tài chính xác định là "không đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng". Bởi lẽ, cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM giai đoạn 2012-2015 mới chỉ là tạm tính. Khoản chênh lệch cước phí (tức chi phí tăng thêm) theo quy định phải được tính từ năm 2016-2017.
Theo Bộ Tài chính, chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là 1.938 tỉ đồng. Song, thực tế thì khoản chênh lệch này lại được EVN hạch toán trước thời gian Bộ Công Thương có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép phân bổ (tháng 6-2017). Cụ thể, năm 2015, EVN hạch toán hơn 1.341 tỉ đồng và năm 2016 là hơn 596 tỉ đồng.
Chính việc hạch toán sai đã giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015 là 1.341 tỉ đồng. Để khắc phục sai sót này, Bộ Tài chính yêu cầu EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung là 877,4 tỉ đồng.