"Duyên" JVC- Dream Incubator có “đứt gánh giữa đường”?

Cổ đông lớn Dream Incubator Việt Nam bất ngờ rút hết các đại diện tại Công ty CP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã: JVC) chỉ 1 tuần trước Đại hội cổ đông năm 2015. Lời hứa đồng hành cùng JVC vượt bão của cổ đông ngoại liệu có còn giá trị ?
Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật rất cần “người thuyền trưởng” tài ba để vượt bão
Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật rất cần “người thuyền trưởng” tài ba để vượt bão

Theo kế hoạch, ngày 30/9 tới đây, Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật sẽ tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) để thông qua kết quả kinh doanh năm 2014, định hướng kinh doanh năm 2015. Đại hội này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi công ty đang trong giai đoạn khó khăn khi xảy ra biến cố Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng dính vào lao lý, cổ phiếu JVC lao dốc thảm hại, bán tháo ồ ạt…

Thay tướng có đổi vận?

Một sự kiện bất ngờ xảy ra ngay trước thềm ĐHCĐ là 3 đại diện của cổ đông lớn - Công ty CP Dream Incubator Việt Nam (Nhật Bản) và quỹ DI Asian Indutrial Fund (DIAIF, công ty con) đều xin từ nhiệm từ ngày 18/9/2015. Cụ thể là ông Hosono Kyohei – Chủ tịch HĐQT và ông Tashiro Masaaki - Thành viên HĐQT, bà Vũ Thị Thúy Hằng-Thành viên Ban Kiểm soát của JVC.

Trong cơ cấu HĐQT hiện còn 5 người và Công ty JVC đã tiếp tục tín nhiệm bầu Tổng giám đốc Lê Văn Giáp giữ vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Hosono Kyohei. Ông Kyohei Hosono cũng mới tiếp quản “ghế nóng” từ ông Lê Văn Hướng khi ông này bị khởi tố, bắt giam vì tội lừa dối khách hàng theo Điều 162 Bộ luật Hình sự (ngày 23/6/2015).

Ông Lê Văn Hướng- người đang phục vụ điều tra - đã bị miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT trước đó, song hiện ông vẫn có tên trong vị trí Thành viên HĐQT. Hiện tại, Ban Kiểm soát của JVC chỉ còn lại 2 thành viên là Trưởng ban Nguyễn Hữu Thắng và Thành viên Nguyễn Văn Dương.

Ghế nóng Tổng giám đốc JVC cũng liên tục thay đổi, ông Nguyễn Hữu Hiếu (em vợ ông Hướng) tạm thời đảm nhiệm, song chỉ 1 tháng sau, HĐQT đã phải bổ nhiệm ông Lê Văn Giáp thay thế, kiêm nhiệm cả chức danh Chủ tịch –Tổng giám đốc. Do đó, tới ĐHCĐ ngày 30/9, nhân sự của HĐQT mới sẽ phải trình lên cổ đông thông qua.

Quyết đây rút người khỏi HĐQT, Ban kiểm soát của cổ đông Dream Incubator khiến nhà đầu tư lo ngại về tương lai của JVC. Hiện, chưa nhóm cổ đông đến từ Nhật Bản rút người khỏi ban điều hành có đi liền với quyết định thoái vốn khỏi JVC hay không?

Gắn bó với JVC hơn 4 năm, Dream Incubator và Quỹ DI Asian Indutrial Fund là cổ đông chiến lược, có sở hữu lớn nhất tại JVC (sở hữu lần lượt là 5,9% và 19,3%). Tổng cộng sở hữu là 25,2% vốn điều lệ JVC, tương ứng 28,35 triệu cổ phiếu.

Biến cố vừa qua đã khiến cổ phiếu JVC mất tới 70% thị giá, trong đó, giá trị tài sản cổ phiếu của nhóm cổ đông đến từ Nhật Bản đã  bị “bốc hơi” hơn 461 tỷ đồng.  

Tìm lối thoát hiểm

Khi vừa tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Hosono Kyohei đã lập tức gửi tâm thư với cam kết rằng “sẽ đồng hành với Công ty JVC trong dài hạn”. Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, nhóm cổ đông Dream Incubator cho biết sẽ tạm thời tham gia điều hành, tái cấu trúc công ty trong thời gian chờ tìm nhân sự thay thế. Vì cổ đông Nhật Bản không có kinh nghiệm ở lĩnh vực thiết bị y tế.

Trước mắt, Ban điều hành mới sẽ cố gắng hết sức đưa công ty hoạt động bình thường, dân chủ hơn. “Chúng tôi sẽ cố gắng ổn định hoạt động, và sẽ thay đổi phong cách quản lý theo mô hình gia đình sang phong cách dân chủ hơn”- Ông Hosono Kyohei nhấn mạnh.

Dù vậy, ông Kyohei Hosono đánh giá cao những lợi thế của JVC, như mạng lưới quan hệ sâu rộng, sản phẩm, dịch vụ bán hàng tốt… Sau biến cố, một số bệnh viện tỏ ra dè dặt hợp tác với JVC nhưng các lãnh đạo công ty đã nỗ lực củng cố quan hệ, khôi phục niềm tin cùng các hoạt động tái cấu trúc rốt ráo.

Với các đối tác, nhà cung cấp từ Nhật Bản, ông Kyohei Hosono cho biết, các công ty lớn của Nhật Bản như Hitachi, Fujifilm, Konica… đang cung cấp thiết bị y tế vào thị trường Việt Nam thông qua JVC. Công ty đã làm việc với các đối tác và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ, cam kết tiếp tục hợp tác kinh doanh. Trong đó, Hitachi – nhà cung cấp thiết bị y tế lớn cho Việt Nam – là đối tác quan trọng của JVC, cùng thực hiện một số dự án JICA từ nguồn vốn ODA của Chính phủ. Đây chính là những lợi thế sẵn có mà nhóm cổ đông Nhật Bản tin tưởng JVC sẽ sớm hồi phục.

Ngoài 2 cổ đông lớn, JVC hiện có một số cổ đông tiềm lực khác, cụ thể: tính đến tháng 6/2015, cổ đông Orix Corporation nắm 2,8%, Quỹ Vietnam Equity Holding (do Saigon AM quản lý) nắm 5,1%, nhóm Dragon Capital nắm 9,95%... Với tỷ lệ sở hữu trên 5%, các cổ đông lớn này có quyền ứng cử 1 đại diện tham gia HĐQT công ty JVC, Ban kiểm soát để trực tiếp điều hành hoạt động.

Trong trường hợp cổ đông Dream Incubator rút lui thì JVC rất cần có những người lãnh đạo có đủ năng lực, kinh nghiệp để “chèo lái” con thuyền vượt qua giai đoạn sóng gió, hoạt động ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường.

Theo TBKD