Khi lên thăm chiến hạm USS Stennis tại Biển Đông hôm 15/4, bộ trưởng Quốc Phòng Ashton Carter đã nhấn mạnh đến vai trò của tàu ngầm tự hành trong chiến lược quân sự Mỹ ở châu Á, có thể được sử dụng tại Biển Đông vốn có đa số diện tích là vùng biển nông. Ông cho biết Lầu Năm Góc đầu tư vào nhiều loại tàu ngầm tự hành mới có kích thước và trọng tải đa dạng tại các vùng biển nông, nơi các loại tàu ngầm thông dụng không thể hoạt động.
Với việc vén màn bí mật về các công nghệ mới như loại tàu ngầm tự hành có thể đưa vào hoạt động vào cuối thập kỷ, Lầu Năm Góc hy vọng răn đe được các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc và Nga. Chuyên gia Shawn Brimley ở Trung tâm an ninh Mỹ mới nhận xét, trong trường hợp xảy ra xung đột tại Biển Đông, ưu thế quân sự của Mỹ có thể khiến Bắc Kinh bớt hung hăng.
Trong cuộc chạy đua quân sự Mỹ-Trung tại Thái Bình Dương, tàu ngầm đã trở thành một trong những lãnh vực chủ chốt. Đầu tư ồ ạt của Trung Quốc vào tên lửa đã khiến các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực và một số chiến hạm Mỹ bị đe dọa. Ông Carter cho biết như thế nên Lầu Năm Góc sẽ đầu tư 8 tỉ USD trong năm tới để «đảm bảo lực lượng tàu ngầm và chống tàu ngầm của Mỹ là vũ khí sát thương hiện đại nhất thế giới».
Lâu nay các loại tàu ngầm tự hành nhỏ được sử dụng trong việc tìm kiếm, cứu hộ ; nhưng loại mới sẽ tự động hóa nhiều hơn và có thể mang theo vũ khí. Một kiểu được gọi là «búp bê Nga» được đề nghị, gồm tàu ngầm mẹ có thể phóng ra một loạt tàu ngầm con, có thể sử dụng như mìn, truy lùng các tàu ngầm địch hoặc bắn ra hỏa tiễn.