Cho mãi đến gần đây, các nước phương Tây vẫn không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ tấn công các mục tiêu quân sự nằm ngoài lãnh thổ Ukraine. Họ lo ngại rằng việc tấn công các mục tiêu vượt ra khỏi đường biên giới được quốc tế công nhận bằng vũ khí do các nước NATO cung cấp sẽ khiến xung đột leo thang.
Nhưng những bước tiến mới nhất của Nga ở khu vực đông bắc Kharkov đã thuyết phục các đồng minh của Kiev rằng để tự vệ, Ukraine cũng phải có khả năng tiêu diệt các mục tiêu quân sự ở bên kia biên giới.
Tháng trước, Nga đã phát động một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn trong khu vực, mở ra một mặt trận mới và chiếm giữ một số ngôi làng. Cuộc tiến công của Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, chỉ cách biên giới 30 km.
Biên giới ở khu vực này thực chất cũng là tiền tuyến, vì vậy lệnh cấm sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu bên ngoài Ukraine đã giúp quân đội Nga chuẩn bị cho chiến dịch đó trong một môi trường an toàn.
Thay đổi chính sách
Trước áp lực ngày càng tăng từ Ukraine và các nước châu Âu khác, Mỹ đã đồng ý thay đổi chính sách và cho phép Kiev tấn công Nga bằng vũ khí phương Tây.
“Điểm nổi bật trong cách tiếp cận của chúng tôi là thích ứng và điều chỉnh khi cần thiết, đáp ứng những gì đang thực sự diễn ra trên chiến trường, để đảm bảo rằng Ukraine có những gì họ cần, khi họ cần”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO tại Praha hôm 31/5.
Chỉ vài ngày trước thông báo này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ mở rộng “vùng đệm” trong trường hợp vũ khí tầm xa của phương Tây được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga. Ông nói rằng các nước NATO ở châu Âu phải nhớ rằng họ có “những quốc gia có lãnh thổ nhỏ và dân số đông đúc”.
“Họ phải cân nhắc yếu tố này trước khi thảo luận về các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga”, ông Putin nói thêm.
Tránh leo thang có lẽ là lý do khiến Mỹ không cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí tầm xa như ATACMS để tấn công Nga. Những tên lửa này có tầm bắn 300 km và có thể được sử dụng để tấn công các căn cứ quân sự và sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Những hạn chế như vậy khiến Ukraine chỉ còn lựa chọn tập trung vào các mục tiêu gần biên giới của mình. Nhưng đây vẫn là một sự thay đổi chính sách lớn của các đồng minh chính của Kiev.
Ngay cả với tầm bắn ngắn hơn – khoảng 70 km - nhiều bệ phóng tên lửa như HIMARS có thể làm gián đoạn đáng kể các hoạt động hậu cần và di chuyển quân đội của Nga, điều này cuối cùng sẽ làm chậm mọi kế hoạch tấn công.
Giờ đây, Ukraine có thể “tấn công những nơi mà kẻ địch tập trung quân đội, trang thiết bị và kho dự trữ được sử dụng để tấn công Ukraine”, Yury Povkh, thuộc nhóm tác chiến Kharkov chuyên điều phối các hoạt động quân sự ở phía đông bắc, cho biết.
Đầu tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Nga đang tập trung quân đội cách Kharkov chỉ 90 km để chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã phân tích hình ảnh vệ tinh và xác nhận rằng có “các hoạt động mở rộng tại các kho, bãi” ở khu vực đó. Vì vậy, việc nhắm mục tiêu vào các cơ sở đó sẽ tăng cường thêm năng lực của lực lượng Ukraine nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công mới trong khu vực.
Bom lượn Nga và những hạn chế của Ukraine
Tuy nhiên, việc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí của phương Tây khó có thể giúp bảo vệ Ukraine khỏi bom lượn của Nga, hay KAB. Chúng có sức tàn phá khủng khiếp và thường xuyên được sử dụng để tấn công Kharkov và các thị trấn biên giới khác.
Nhưng để ngăn chặn những cuộc tấn công sử dụng bom lượn, lực lượng Ukraine phải nhắm vào các máy bay thả những quả bom chết người đó.
Vũ khí duy nhất có khả năng đánh chặn những máy bay mà Ukraine có vào thời điểm này là hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Tuy nhiên, việc đưa hệ thống này đến gần Kharkov hàm chứa rủi ro rất lớn. Máy bay không người lái do thám có thể nhanh chóng phát hiện ra nó và Moscow có thể phóng các tên lửa như Iskander để phá hủy hệ thống đắt tiền này.
Điều thú vị là, Anh và Pháp, hai nước cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình phóng từ trên không Storm Shadow (còn gọi là Scalp ở Pháp), lại không hạn chế rõ ràng việc sử dụng vũ khí này. Và phạm vi hoạt động của chúng có thể lên tới 250 km.
Trên thực tế, Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã nói với các nhà báo vào tuần trước: “Chúng ta nên cho phép [Ukraine] vô hiệu hóa các địa điểm quân sự nơi tên lửa được phóng đi để tấn công Ukraine”.
Và lời lẽ như vậy được coi là sự cho phép sử dụng Storm Shadows/Scalps, một sĩ quan Ukraine giấu tên, cho hay. Vì vậy, ông nói rằng Ukraine giờ đây có thể tấn công các sân bay ở khu vực Kursk và Belgorod giáp biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, những hoạt động như vậy vẫn sẽ bị hạn chế. Các máy bay Su-24 của Ukraine được trang bị tên lửa Storm Shadow sẽ phải đến gần biên giới Nga để phóng, điều này khiến chúng dễ bị hệ thống phòng không Nga tấn công.
Các máy bay phản lực F-16 dự kiến ra mắt vào cuối năm nay sẽ được trang bị tốt hơn cho những nhiệm vụ như vậy. Nhưng Tổng thống Zelensky thừa nhận rằng vẫn chưa rõ liệu các đối tác của Ukraine có cho phép sử dụng những máy bay này để tấn công các mục tiêu ở Nga hay không.
“Tôi nghĩ rằng việc sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào, vũ khí phương Tây, trên lãnh thổ Nga chỉ là vấn đề thời gian”, ông nói tại hội nghị thượng đỉnh Bắc Âu ở Stockholm hôm 31/5.
Lực lượng Ukraine đang nỗ lực phát triển vũ khí của riêng mình để tấn công các mục tiêu ở hậu phương Nga. Một số máy bay không người lái của họ đã tấn công các kho dầu và cơ sở quân sự cách biên giới hàng trăm km.
Vụ tấn công mới nhất nhằm vào một trạm radar tầm xa ở thành phố Orsk, cách biên giới Ukraine 1.800 km.
"Tổ lái không thể sống sót": Binh sĩ Ukraine nói xe tăng Abrams biến họ thành "mục tiêu số 1"
Ukraine dùng HIMARS tấn công thành phố Nga ngay sau khi được Mỹ "bật đèn xanh"
Ukraine "thất vọng" với việc Mỹ cho phép tấn công hạn chế lãnh thổ Nga
Theo BBC