Ngày 29/05, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 2159/BTNMT-TNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Các Bộ, cơ quan có liên quan đã có ý kiến bằng văn bản về việc tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến Dự án thuộc phạm vi quản lý của mình, các vấn đề kỹ thuật, những vấn đề tồn tại và đề xuất hướng xử lý.
Bộ TN&MT cho biết, Dự án nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai do Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, được động thổ, chuẩn bị mặt bằng thi công từ tháng 9/2014 và khởi công tháng 01/2015. Dự án có quy mô 8,4 ha, trong đó có 7,7 ha do lấn dòng chính sông Đồng Nai, với tổng chiều dài 1,3 km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m.
Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có mặt cắt khoảng 800m, là mặt cắt lớn nhất tính từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh. Tại hiện trường, Dự án đã thực hiện việc san lấp khoảng 600m, trong đó khu vực trung tâm hình bán nguyệt có chiều rộng lớn nhất là 100m, dài 500m, khối lượng san lấp đạt khoảng 70%. Cao trình mặt kè cao hơn lòng sông khoảng từ 5m đến 8m.
Nằm trong phạm vi Dự án có trạm bơm của Nhà máy nước cấp cho thành phố Biên Hòa và Trạm thủy văn Biên Hòa. Để phục vụ cho việc phát triển Dự án, vị trí lấy nước của trạm bơm và trạm thủy văn sẽ được di dời. Vị trí xây dựng Dự án cách luồng giao thông thủy khoảng 280m, nằm ngoài hành lang bảo vệ luồng giao thông thủy.
Ngày 27/3/2015, chủ đầu tư Dự án đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép dừng Dự án để xin ý kiến các Bộ, ngành, các nhà khoa học. UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản số 2212a/UBND-CNN chấp nhận cho Công ty Cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát tạm dừng thi công Dự án từ ngày 28/3/2015, nhằm rà soát lại các nội dung liên quan đến dự án.
Bộ TN&MT đã khảo sát thực tế hiện trường thi công và cho biết, hiện nay chủ đầu tư đã ngưng hoàn toàn các công việc thi công trên công trường sau khi xây dựng được một phần cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, san nền…).
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2015 của Toàn Thịnh Phát, tính đến 31/03/2015, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Dự án Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai (The Pegasus Riverside) đã lên đến 143, 67 tỷ đồng, tăng 40 tỷ so với thời điểm cuối năm 2014.
Hiện tại, đây cũng là Dự án tốn chi phí chủ yếu trong các hạng mục đang đầu tư của Toàn Thịnh Phát, bên cạnh các dự án như Đầu tư xây mới và sửa chữa trường học (35,77 tỷ), The Pegasus Plaza 2 (20 tỷ)…
Ngày 25/05 vừa qua, chủ đầu tư dự án sông Đồng Nai cũng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, Đại hội cũng nhận định năm 2014 khép lại với kết quả vẫn còn hạn chế không đạt được như kỳ vọng của quý cổ đông - những người đã đồng hành và gắn bó cùng sự phát triển của Toàn Thịnh Phát trong những năm qua.
Kế hoạch doanh thu năm 2015 là 680,650 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 22,282 tỷ đồng, và dự kiến tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20% vốn, từ đó tăng vốn điều lệ năm 2015 là 499.897.260.000 đồng.
Thế nhưng, tình hình thực tế khi Toàn Thịnh Phát đi được ¼ chặng đường năm nay đã không như các cổ đông mong đợi. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2015, Toàn Thịnh Phát báo lỗ trước thuế 18,27 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ không đủ bù đắp các chi phí như lãi vay (24,118 tỷ) và chi phí quản lý doanh nghiệp (15,12 tỷ).
Doanh thu thuần hợp nhất toàn công ty trong quý I chỉ đạt 84,75 tỷ đồng, bằng 12,3% kế hoạch đề ra.
Với việc quyết định đầu tư vào dự án sông Đồng Nai, Toàn Thịnh Phát dự kiến triển khai xây dựng trong 9 năm, kinh phí đầu tư 2.200 tỉ đồng mang lại lợi nhuận khoảng 460 tỷ từ bán căn hộ The Pegasus Riverside.
Nhưng chỉ sau lễ động thổ 6 tháng, sau khởi công 3 tháng, dự án đã vấp phải những ý kiến phản đối khá gắt gao từ công luận và dư luận dựa trên những phân tích của các nhà khoa học môi trường về ảnh hưởng tới dòng chảy, nguồn nước của con sông liên tỉnh như sông Đồng Nai.
Thời gian tới, sau khi Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng và kiến nghị tiếp tục dừng dự án, thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông.., dự án vẫn tiếp tục dừng thi công, các khoản vốn vay ngân hàng HDBank của Toàn Thịnh Phát vẫn không ngừng sinh lãi mỗi ngày.
TS Vũ Ngọc Long , Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) - phía Nam cũng đã có những ý kiến về việc xử lý phần đất đá đã đổ xuống sống, ông cho rằng: “Theo tôi nên lập ban tư vấn để giải quyết hậu quả của việc lấn sông vừa qua. Việc xử lý cần phải dựa trên nguyên tắc hoàn trả mặt nước tự nhiên hiếm có”.
Dẫu biết rằng dự án tác động đến môi trường chắc chắn sẽ có được và mất, nhưng trên góc độ kinh tế - với thương vụ này, chủ đầu tư Toàn Thịnh Phát có thể sẽ mất khá nhiều và cần thời gian dài để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh thời gian tới.
Theo ANTT