Dự Luật Phòng bệnh: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn và diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đồng ý với đề nghị xây dựng Luật Phòng bệnh và thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.

VT_tiem vac xin.JPG
Một trong các chính sách quan trọng của dự luật này là bắt buộc phải sử dụng vaccine với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm

Tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ban hành ngày 24/6/2024, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về xây dựng Luật Phòng bệnh.

Theo Bộ Y tế, từ thực tế cuộc sống, đặc biệt là từ đại dịch COVID-19, cho thấy công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập, chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện: Nhận thức của người dân về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn hạn chế; đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng và chất lượng; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng…

Dự án Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe. Mục tiêu của Luật này là kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.

Một trong các chính sách quan trọng của dự luật này là bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch.

Để xây dựng Luật Phòng bệnh, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, đánh giá kỹ để làm rõ các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, đồng thời, tăng cường công tác truyền thông chính sách.

Bộ Y tế cần thiết kế các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong công tác phòng bệnh theo hướng: Lấy chính quyền cấp cơ sở (xã, phường) làm hạt nhân để phát huy tính chủ động, sáng tạo, kịp thời của công tác phòng, chống dịch bệnh; nhân dân vừa là trọng tâm để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, vừa là chủ thể trong công tác phòng bệnh vv...

Từ kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch COVID-19, thống nhất với đề xuất cần có quỹ Phòng bệnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung quy định của luật hiện hành về Quỹ phòng bệnh, nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ sự đóng góp của nhân dân cũng như từ nguồn từ ngân sách nhà nước hằng năm bổ sung cho Quỹ này để chủ động tổ chức triển khai các hoạt động phòng bệnh.

Do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ thống nhất đưa dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.