Khi Pavel Zavalny, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Quốc hội Nga, hồi tuần trước đưa ra dự báo rằng dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) có thể bắt đầu chuyển khí tự nhiên sang Đức sớm nhất là trong tháng tới, nhiều người tỏ ý hoài nghi. Tuy nhiên, Reuters đã dẫn lại lời đảm bảo khá tự tin của ông: “Tôi có thể nói với sự chắc chắn cao rằng lượng khí đốt đầu tiên sẽ được vận chuyển qua Nord Stream 2 trong tháng 1 (2022).”
Vị quan chức thêm rằng người dân châu Âu sẽ không muốn tiến trình phê duyệt Nord Stream 2 bị chậm trễ trong bối cảnh mà mức độ dự trữ khí đốt của họ đang cực kỳ thấp.
Bình luận của ông Zavalny dường như mâu thuẫn với Ngoại trưởng Đức Annalena Vaerbock, người đã ra tuyên bố trong tuần trước rằng tiến trình phê duyệt bị tạm ngừng “do sự tồn tại của các quy định trong luật pháp châu Âu liên quan tới lĩnh vực năng lượng và nhiều vấn đề khác liên quan tới cấu trúc công ty.”
Bởi vậy mà theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đường ống này chỉ có thể vận hành sớm nhất là vào nửa sau của năm 2022.
Trong khi đó, các nhà lập pháp Mỹ đang tiếp tục đề nghị Washington tiêu hủy dự án này. Bà Baerbock vốn nổi tiếng là một người “ủy thác” của Mỹ, và có một sự đồng tình rằng sau khi Thủ tướng Angela Merkel hết nhiệm kỳ, bà BaerBock, 40 tuổi, quyết tâm lái nước Đức theo hướng “cứng rắn” với Nga.
Đương nhiên, Moscow không vui vẻ gì về điều đó. Dự án Nord Stream 2 có chi phí xây dựng lên tới 11 tỉ USD. Nhưng dù cho khó chịu, Điện Kremlin vẫn không được thể hiện ra, vì một số lý do.
Dữ liệu từ mạng lưới nhà điều hành Gascade của Đức cho thấy tất cả lượng khí đốt của Nga chuyển tới Đức thông qua một đường ống dẫn lớn đã phải đảo chiều trong hôm thứ Ba. Đường ống dẫn khí xuyên quốc gia Yamal-châu Âu chạy từ Tây Bắc Siberia tới Frankfurt-an-der-Oder ở miền Đông nước Đức thông qua Belarus và Ba Lan. Năm ngoái, khoảng 1/5 tổng lượng khí đốt chuyển tới Tây Âu đều thông qua Belarus.
Nga ngừng xuất khẩu khí đốt
Lượng khí đốt thông qua đường ống Yamal-châu Âu đã giảm xuống còn 6% trong hôm thứ Bảy tuần trước, xuống 5% trong hôm tiếp theo và còn 0 trong sáng thứ Ba tuần này. Nói ngắn gọn, Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt sang Đức, và tập đoàn dầu khí Gazprom, bên điều hành hệ thống dẫn dầu ở Nga và Belarus, cũng chưa có ý định chuyển khí đốt tới Đức trong tương lai gần.
Moscow giải thích rằng Gazprom ưu tiên người tiêu dùng ở nước Nga hơn là xuất khẩu khí đốt cho các nước khác, và nhiệt độ ở thủ đô Moscow và nhiều thành phố lớn của Nga đã hạ xuống rất thấp trong tuần này, khiến nhu cầu khí đốt trong nước tăng mạnh. Đây là lời giải thích khéo léo.
Điều này xảy ra ngay trong lúc mà mùa Đông đang tới trong khi nguồn cung lại bị hạn chế, giá năng lượng ở châu Âu tăng đột biến. Từ hôm đầu tuần này, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng thêm 7% và hiện tiếp tục tăng. Đức đang chịu sức ép tăng dần bởi quỹ dự trữ khẩn cấp của họ đã hạ xuống mức “thấp lịch sử” là dưới 60% trong tuần trước, lần đầu tiên trong suốt nhiều năm.
Moscow đưa ra đề nghị rằng, ngay khi Nord Stream 2 được cấp phép, Gazprom sẽ bắt đầu chuyển nguồn cung đủ để đáp ứng nhu cầu của Đức. Và để thể hiện trước điều đó, Gazprom đã lấp đầy đường ống đầu tiên trong số 2 đường ống song song trong tháng 10, và đường ống thứ hai cũng được lấp đầy trong tháng 12.
Tuy nhiên, Đức tuyên bố rằng họ là nước luôn tuân thủ các quy định, và Nord Stream 2, được đăng ký ở Thụy Sĩ, đầu tiên cần phải tới cơ cấu lại hoạt động để sao cho phù hợp với những điều kiện của tổ chức năng lượng BnetzA (Cơ quan mạng lưới liên bang Đức) và tuân thủ luật pháp của EU, chỉ tới khi đó tiến trình phê duyệt mới được kích hoạt. Quy trình này đã khởi động trong tháng 9 nhưng sau đó bị tạm dừng vào trung tuần tháng 11.
Ngày 16/12 vừa qua, người đứng đầu BnetzA, Jochen Homann, dự đoán rằng phải đến nửa đầu năm 2022, quyết định về Nord Stream 2 mới có thể được đưa ra.
Trụ sở của Tập đoàn dầu khí Gazprom ở Moscow (Ảnh: AFP) |
Một vấn đề địa-chính trị
Trong khi các bên chủ đạo coi đây là chỉ là một vấn đề về thương mại, thì Mỹ lại biến nó thành một vấn đề địa-chính trị. Thứ nhất, Mỹ cực lực phản đối ý tưởng nước Nga tăng cường sự hiện diện của họ sâu hơn vào thị trường năng lượng của châu Âu và muốn tiêu hủy tận gốc dự án Nord Stream 2.
Thứ hai, Washington lo ngại rằng sự dựa dẫm nặng nề của Đức vào năng lượng của Nga sẽ khiến cho Berlin tỏ thái độ mềm yếu đối với Moscow, điều này cuối cùng gây ảnh hưởng tới lợi ích của khối đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Thứ ba, Washington muốn Ukraine tiếp tục nhận được nguồn lợi nhuận lên tới hơn 1 tỉ USD mỗi năm mà Gazprom chi cho họ, do các đường ống dẫn khí có từ thời Liên Xô chạy qua Ukraine để đến Tây Âu. Như vậy, trong lúc làm việc một cách có hệ thống để biến Ukraine thành một nhà nước chống Nga, Mỹ vẫn muốn Moscow rót tiền cho nền kinh tế Ukraine.
Cuối cùng, Mỹ hy vọng sẽ tìm đường vào thị trường béo bở của châu Âu để tiếp thị dầu đá phiến của họ. Xét về dài hạn, Mỹ muốn châu Âu không dựa dẫm vào những nguồn năng lượng nhập từ bên ngoài.
Chính phủ mới của Đức đã bước ngay vào cái bẫy của Mỹ. Bằng việc tỏ thái độ cứng rắn với Nga, Berlin đã bỏ lỡ mất thiện chí của người Nga. Việc trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga mới đây – và khiến Moscow đáp trả tương tự - đã khiến quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng.
Nhiều vị Bộ trưởng của Đức thời gian gần đây cũng đưa ra những luận điệu cứng rắn về Nga, trong bối cảnh Moscow đang căng thẳng với NATO và Mỹ.
Đức vẫn đang đóng một vai trò kép trong vấn đề Ukraine. Một mặt, họ đóng vai trò là một nước kiến tạo hòa bình cùng với Nga theo định dạng Normandy Four (Định dạng 4 bên gồm Pháp, Đức, Ukraine và Nga) nhưng cùng lúc lại bí mật khuyến khích Kiev chống trả lại đến cùng trong cuộc chiến ở Donbass.
Buông tha dự án Nord Stream 2, Mỹ và Đức dọa “vùi dập” nếu Nga dùng năng lượng như vũ khí
Khan hiếm khí đốt
Trong lúc mùa Đông đang đến gần và nhu cầu năng lượng của Đức tăng dần, khan hiếm khí đốt là tình trạng có thể thấy trước được. Châu Âu có thể phải đối mặt với “kỷ băng hà” nếu như thời tiết mùa Đông năm nay khắc nghiệt. Giá khí đốt sẽ tăng mạnh, ảnh hưởng tới người tiêu dùng và ngành công nghiệp Đức.
Trong tình cảnh ngặt nghèo đó, Moscow chỉ có thể cứu Đức và châu Âu bằng cách xuất khẩu thêm khí đốt thông qua các đường ống dẫn hiện hữu. Nhưng Gazprom chỉ vận hành những đường ống dẫn đó nếu như châu Âu đồng ý phê duyệt Nord Stream 2 – dự án mà Gazprom bỏ ra rất nhiều tiền để hoàn thiện.
Một đoạn đường ống dẫn thuộc dự án Nord Stream 2 đang được lắp đặt ở Lubmin, Đức (Ảnh: AFP) |
Nhưng vấn đề là, tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz lại đi một bước xa hơn so với người tiền nhiệm Angela Merkel và sau khi bị Washington hối thúc đã quyết định “xem xét” việc ngừng dự án Nord Stream 2 nếu như Nga tấn công Ukraine; theo tờ Financial Times.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu