Động lực mới của Ấn Độ chạy đua tàu sân bay với Trung Quốc

VietTimes -- Hiện nay, Ấn Độ đang chịu sức ép quân sự ngày càng tăng từ Trung Quốc, sẽ buộc phải tăng cường khả năng chống hạm, xây dựng hạm đội tàu ngầm mạnh, tích cực xây dựng quan hệ "cùng chung chí hướng".
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Tân Hoa xã
Ngày 26/4/2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A Trung Quốc hạ thủy. Ảnh: Tân Hoa xã

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 9/5 dẫn các nguồn tin cho rằng việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay thứ hai cũng là tàu sân bay tự chế đầu tiên Type 001A gần đây và dự kiến đi vào hoạt động trước năm 2020 đã phát đi tín hiệu nước này quyết xây dựng một lực lượng hải quân hàng đầu thế giới.
Là một nước lớn đang trỗi dậy, việc Trung Quốc thúc đẩy xây dựng quân đội mạnh cũng là chuyện bình thường. Nếu Bắc Kinh muốn điều động lực lượng đến khu vực cách xa lãnh thổ thì chắc chắn họ cần một lực lượng hải quân tầm xa.
Nhưng, việc xây dựng hải quân Trung Quốc khác với bình thường. Bởi vì, nước này đã và đang gây ra rất nhiều tranh chấp trên biển với các nước ở khu vực xung quanh. Họ cũng tìm cách gia tăng hiện diện quân sự ở cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Trung Quốc tiến hành cải cách quốc phòng, chuyển các nguồn lực từ đất liền lên trên không và sang hướng biển, muốn đưa trọng điểm của hải quân từ phòng thủ duyên hải từng bước chuyển ra bảo vệ ở vùng biển quốc tế.
Mặc dù thực lực đang được tăng cường, nhưng hải quân Trung Quốc vẫn còn lâu mới tạo ra được mối đe dọa to lớn cho hải quân Mỹ. Tuy nhiên, điều này lại làm cho các nước trong khu vực buộc phải xem xét lại các khả năng lựa chọn trên biển của họ.
Ấn Độ đối mặt với tình hình khó khăn thực sự. New Delhi không có liên minh chính thức với bất cứ nước nào, cải cách quân đội đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tàu sân bay INS Vikrant Ấn Độ hạ thủy. Ảnh: Sina
Tàu sân bay INS Vikrant Ấn Độ hạ thủy. Ảnh: Sina

Trong khi đó, sự hiện diện trên biển của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương tiếp tục tăng cường. Từ tháng 12/2013 trở đi, tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên tuần tra Ấn Độ Dương. Hơn nữa thông qua trao đổi thương mại, Trung Quốc đang xây dựng quan hệ đối tác với các nước ở khu vực Ấn Độ Dương.
Từ cảng Hambantota của Sri Lanka đến cảng Gwadar của Pakistan, những cơ sở quân sự mới dùng để điều động lực lượng trên biển của Trung Quốc đang được xây dựng.
Vì vậy, việc Ấn Độ đầu tư tăng cường lực lượng trên biển không làm ai ngạc nhiên. Điều khác với Trung Quốc là, từ năm 1961 trở đi, Ấn Độ đã sở hữu 1 chiếc tàu sân bay, nhưng chương trình tàu sân bay chậm chạp đã cản trở tham vọng của Ấn Độ.
Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Ấn Độ được đặt tên là INS Vikrant, lượng giãn nước 40.000 tấn, hạ thủy năm 2013, nhưng việc biên chế nó bị trì hoãn đến năm 2020. Tàu sân bay tự chế thứ hai được đặt tên là INS Vishal, lượng giãn nước 65.000 tấn, phải mất 10 năm tới mới có thể hoàn thành chế tạo.
Vì vậy, trong vài năm tới, tàu sân bay INS Vikramaditya lượng giãn nước 44.570 tấn sẽ là tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ.
Ấn Độ sẽ buộc phải coi trọng hơn khả năng chống hạm, đặc biệt là tàu ngầm và tên lửa chống hạm. Nhưng, ngoài chế tạo trang bị vũ khí, Ấn Độ hiện đang tích cực xây dựng quan hệ với các nước “cùng chung chí hướng” trong khu vực.

Biên đội 2 tàu sân bay Ấn Độ trong một cuộc tập trận bắn đạn thật cấp chiến dịch tháng 2/2015 (ảnh tư liệu)
Biên đội 2 tàu sân bay Ấn Độ trong một cuộc tập trận bắn đạn thật cấp chiến dịch tháng 2/2015 (ảnh tư liệu)

Triển khai hợp tác trên biển với các nước như Australia, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngoại giao quốc phòng Ấn Độ.
Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia tích cực của Mỹ, các nước trong khu vực này không có khả năng ngăn chặn tham vọng trên biển của Trung Quốc. Khi xây dựng chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải để cho tư duy vượt ra khỏi vấn đề Triều Tiên.
Nếu không, hoạt động phô trương tàu sân bay của Trung Quốc sẽ là một bước đi tiếp theo để Bắc Kinh chiếm lấy vị thế lãnh đạo trên biển ở khu vực.